Dòng sự kiện:
Giữ việc cho người lao động: Bài toán nan giải thời COVID-19
01/11/2020 12:10:18
Tới cuối năm 2020, người lao động toàn thế giới có thể tổn thất 3.400 tỷ USD thu nhập và có gần 2,7 tỷ người, tương đương 81% lao động toàn thế giới, bị ảnh hưởng do nơi họ làm việc bị đóng cửa.

Người lao động xếp hàng đăng ký tìm việc tại trung tâm việc làm Kentucky ở Frankfort, Kentucky (Mỹ). (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Sự lây lan của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu cho thấy rõ xu thế dịch chuyển theo khu vực và hình thái phát triển kiểu làn sóng.

Bắt đầu bùng phát ở châu Á, đại dịch COVID-19 lan tới châu Âu rồi Mỹ và hiện nay đang càn quét ở các nền kinh tế mới nổi. Đại dịch cũng xuyên qua mùa Hè đến mùa Thu và mùa Đông.

Không chỉ có vậy, dù đã có kinh nghiệm đối phó với làn sóng thứ nhất, nhưng hiện nay khi làn sóng thứ 2, thứ 3 xảy ra, nhiều nước lại ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày cao hơn, số ca tử vong vì COVID-19 cũng lập kỷ lục mới.

Trước những diễn biến này, nhiều nước trên thế giới đã lên kịch bản cho sự chuyển hướng kinh tế cũng như giải bài toán lao động việc làm trong thời gian tới.

Sức tàn phá khủng khiếp của đại dịch thế kỷ

Đại dịch COVID-19 đã khiến khoảng 42 triệu người bị lây nhiễm, lấy đi sinh mạng của hơn 1,1 triệu người trên thế giới.

Những hậu quả gây ra trong lĩnh vực kinh tế xã hội cũng rất nặng nề, không chỉ khiến kinh tế suy thoái mà còn đẩy hàng chục triệu người vào cảnh thất nghiệp.

Vào tháng 4/2020, thế giới ở trong thời kỳ "đại phong tỏa," kinh tế nhanh chóng trượt xuống vực suy thoái.

GDP quý 2/2020 của Mỹ giảm 32,9% sau khi giảm 5% trong 3 tháng đầu năm và chính thức rơi vào suy thoái do đại dịch COVID-19, chấm dứt chuỗi tăng trưởng liên tục hơn 10 năm - giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử Mỹ.

COVID-19 cũng đánh quỵ kinh tế nhiều nước phương Tây. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), GDP quý 2/2020 của 19 nước trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm 12,1% so với quý 1.

Đây là mức sụt giảm nặng nề nhất kể từ năm 1995, khi Eurostat bắt đầu thống kê số liệu này.

Trên bình diện toàn cầu, hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings nhận định đại dịch COVID-19 sẽ khiến kinh tế hàng loạt quốc gia phát triển rơi vào tình trạng suy thoái.

Danh sách bao gồm gần như tất cả các nền kinh tế thuộc Nhóm G7 như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Đức, Pháp, Anh..

Đồng thời, trong vài năm tới, người ta vẫn cảm nhận rõ các hậu quả kinh tế mà đại dịch COVID-19 gây ra.

Về phần mình, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đưa ra báo cáo cho hay đại dịch COVID-19 có thể làm tổn thất từ 5.500-8.800 tỷ USD, tương đương 6,4-9,7% GDP thế giới.

Xuất phát từ mong muốn vừa phòng chống bệnh dịch, vừa bảo vệ kinh tế, các nước bắt đầu thay đổi sách lược phòng chống dịch bệnh từ bao vây sang làm lắng dịu tình hình dịch bệnh, dần dần mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế xã hội bình thường, dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn diện. Thế giới bước vào "trạng thái bình thường mới," vừa chống dịch vừa khôi phục sản xuất kinh doanh.

Dự kiến, hoạt động chung sống với virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 còn kéo dài, ít nhất là cho tới khi thế giới có được vắcxin ngừa COVID-19 hữu hiệu.

Nguyên nhân là do con người vẫn chưa hiểu biết hết về cơ chế truyền nhiễm, tỷ lệ lây lan thực tế và tỷ lệ người nhiễm không có triệu chứng lâm sàng, nên rốt cuộc không thể nào biết chính xác số người mắc thực sự là bao nhiêu. Đồng thời, thế giới cũng không có đủ số người tình nguyện thử nghiệm các loại vắcxin đang phát triển.

Trăm phương nghìn kế giữ "bát cơm" cho người lao động

Đại dịch COVID-19 không chỉ gây nguy hại tới kinh tế toàn cầu, mà còn làm sứt mẻ, thậm chí làm vỡ "bát cơm" của không ít người.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), số thời gian làm việc trên thế giới trong quý 2/2020 bị cắt giảm vì đại dịch COVID-19 tương đương với thời gian làm việc toàn thời gian của 195 triệu lao động.

Một nhà hàng tại Paris, Pháp. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tới cuối năm 2020, người lao động toàn thế giới có thể tổn thất 3.400 tỷ USD thu nhập và có gần 2,7 tỷ người, tương đương 81% lao động toàn thế giới, bị ảnh hưởng do nơi họ làm việc bị đóng cửa toàn bộ hoặc đóng cửa một phần.

Trên thị trường việc làm, nhiều nước đã ghi nhận tình trạng thất nghiệp kỷ lục như trong tháng 5/2020, tỷ lệ thất nghiệp tại Hàn Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua.

Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc chứng kiến thị trường việc làm sụt giảm 3 tháng liên tiếp kể từ tháng 10/2009, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Cũng trong tháng 5/2020, tỷ lệ thất nghiệp ở Malaysia đã tăng từ mức cao nhất trong 30 năm ghi nhận vào tháng 4/2020 (5%) lên 5,3%.

Theo ILO, tới cuối năm 2020, tổng số người lao động mất việc làm trên toàn cầu là khoảng 25 triệu người. Tuy nhiên, việc này phụ thuộc rất lớn vào mức độ lây lan của đại dịch COVID-19 cũng như các biện pháp phòng chống ra sao.

Phần lớn dự đoán cho rằng số lao động thất nghiệp thực tế sẽ cao hơn rất nhiều so với dự đoán của ILO.

Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder đã vạch ra một chương trình chính sách gồm 4 trụ cột lấy con người làm gốc, dựa trên sự đoàn kết toàn cầu để giải quyết cuộc khủng hoảng COVID-19.

Thứ nhất là sử dụng các công cụ tài khóa và tiền tệ hiện có và xóa, giảm nợ để kích thích kinh tế cùng nhu cầu lao động. Đầu tư công vào hệ thống y tế sẽ góp phần quan trọng trong việc chống đại dịch và tạo ra nhiều việc làm.

Thứ hai là cung cấp hỗ trợ ngay lập tức để duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp và đảm bảo cơ hội việc làm và thu nhập. Hiện nay, việc đầu tư vào các biện pháp an sinh xã hội là đặc biệt quan trọng bởi nó có thể ổn định nền kinh tế trong khi giảm bớt khủng hoảng.

Thứ ba là đảm bảo những người tiếp tục làm việc trong thời gian có dịch được bảo vệ đầy đủ. Cần đảm bảo an toàn và sức khỏe của người lao động tại nơi làm việc, tổ chức phương thức làm việc hợp lý như làm việc từ xa và đảm bảo rằng họ được nghỉ ốm có lương.

Thứ tư là tận dụng triệt để đối thoại xã hội giữa chính phủ, tổ chức sử dụng lao động và người lao động để giải quyết một cách hiệu quả, thiết thực và công bằng những thách thức hiện nay tại nơi làm việc.

Trên phương diện ứng phó tầm quốc gia, ngày 2/10, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cứu trợ kinh tế với quy mô 2.200 tỷ USD.

Gói cứu trợ này gồm khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung 600 USD/tuần/người cho đến hết tháng 1/2020 và khoản trợ cấp 1.200 USD cho hầu hết người dân Mỹ, cũng như khoản cứu trợ trị giá 25 tỷ USD cho các hãng hàng không, 436 tỷ USD cho các chính quyền địa phương và tăng vốn cho giai đoạn 2 của chương trình bảo vệ tiền lương.

Trước đó, hồi tháng 5/2020, Hạ viện Mỹ đã thông qua đạo luật "Các giải pháp toàn diện phục hồi kinh tế và sức khỏe" (HEROES), nhằm tung thêm gói hỗ trợ 3.000 tỷ USD để hỗ trợ cuộc chiến chống COVID-19 và khôi phục nền kinh tế Mỹ.

Đến nay, chính quyền Mỹ đã thông qua nhiều gói cứu trợ, trong đó nổi bật là gói 2.000 tỷ USD hồi tháng 2/2020 và gói 484 tỷ USD hồi tháng 4/2020, nhằm giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kích thích tiêu dùng và hạn chế tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Để đối phó với tác động của đại dịch COVID-19, Nhật Bản cũng tung ra gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 108.000 tỷ yen (989 tỷ USD) tương đương với 20% GDP, lớn hơn nhiều so với gói cứu trợ trị giá 56.800 tỷ yen mà Nhật Bản đã đưa ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Sau đó, Nhật Bản đã tăng gần gấp đôi gói hỗ trợ khẩn cấp lên 200.000 tỷ yen nhằm bảo vệ nền kinh tế, cuộc sống và sinh kế của người dân.

Đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong vòng một thế kỷ, không chỉ các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, mà hầu hết các nước từ châu Phi tới châu Á như Nigeria, Nepal... đều tung ra các gói cứu trợ khẩn cấp.

Các thiết chế tài chính ngân hàng quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)... cũng không đứng ngoài cuộc.

Các gói cứu trợ/hỗ trợ tài chính này cơ bản đều hướng tới việc trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (trụ cột kinh tế của nhiều quốc gia), nhưng rất dễ tổn thương trước các "cú sốc" kinh tế và lần này chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, du lịch, hàng không...

Một phần gói cứu trợ được dùng để trợ cấp các cá nhân qua cơn khủng hoảng vì mất việc hoặc hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Tại một số quốc gia như ở Malaysia, gói cứu trợ còn hướng tới việc thúc đẩy nền kinh tế việc làm tự do (gig economy). Bởi cùng với sự đi xuống về kinh tế và quy định phòng chống dịch, nhu cầu thị trường sẽ bị thu hẹp, không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, một số lao động toàn thời gian buộc phải nghỉ không lương, thậm chí bị mất việc.

Trong bối cảnh đó, những công việc mang tính linh hoạt cao như như tài xế gọi xe trực tuyến và nhân viên giao đồ ăn ngày càng trở thành lựa chọn phổ biến ở nhiều nước.

Đồng thời, với sự gia tăng của điện thoại thông minh và nền tảng kỹ thuật số, nhiều công việc chuyên môn cũng có thể được thực hiện theo phương thức tự do như tư vấn pháp lý, viết quảng cáo...

Phương thức làm việc linh hoạt và các kênh việc làm đa dạng đã khiến nền kinh tế việc làm tự do được nhìn nhận như một trong những lời giải hay cho bài toán thúc đẩy hồi phục kinh tế, giải quyết vấn đề việc làm khi con người vẫn đang phải sống chung với đại dịch COVID-19./.

Tác giả: Hà Ngọc

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến