Hai tòa nhà thuộc Dự án nhà ở xã hội N01, N02 nằm trong khu dân cư số 3, thành phố Bắc Giang. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN
Một trong hai nội dung giám sát tối cao là việc phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
Để làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc, nỗ lực của các cơ quan chức năng và tổ chức Công đoàn Việt Nam trong việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho người lao động, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã cuộc trao đổi với ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng ban Quản lý các thiết chế Công đoàn - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Ông đánh giá như thế nào về thực trạng nhà ở cho công nhân hiện nay?
Việt Nam hiện có 370 khu công nghiệp được thành lập (bao gồm 328 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 34 khu công nghiệp nằm trong các Khu kinh tế ven biển, 8 khu công nghiệp nằm trong các Khu kinh tế cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 115,2 nghìn ha. Tuy nhiên, các khu công nghiệp của nước ta hiện chủ yếu thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất, chứ chưa thực sự quan tâm đến đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội cho người lao động, trong đó có phần nhà ở cho công nhân.
Thực tế cho thấy, nhà ở công nhân đang xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu của người lao động. Một số dự án nhà ở công nhân được đầu tư, xây dựng, bàn giao đi vào sử dụng đã phát sinh nhiều tồn tại, bất cập trong thực tế. Những tồn tại chung xảy ra ở nhiều khu nhà ở công nhân như chất lượng thấp, nhanh xuống cấp, quản lý vận hành lỏng lẻo, thiếu chuyên nghiệp, tùy tiện, tại một số khu nhà ở công nhân cho thuê không đúng đối tượng, công nhân khó tiếp cận thuê, an ninh trật tự không đảm bảo, phí dịch vụ cao, các tiện ích xã hội như nhà trẻ, trường học, siêu thị, chợ… chưa đáp ứng, thiếu thốn.
Theo ông, việc xây dựng nhà ở xã hội công nhân sẽ đem lại hiệu quả gì?
Có thể nói, việc xây nhà ở xã hội cho công nhân trong thời điểm này có ý nghĩa hết sức to lớn. Ý nghĩa đầu tiên là tạo nơi ở cho công nhân, an cư để lạc nghiệp, tạo cho người lao động chỗ ở tốt hơn, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân nhằm tái tạo sức lao động. Bên cạnh đó, việc đảm bảo an toàn, an ninh xã hội sẽ cao. Một điều đặc biệt, hết sức quan trọng là vấn đề đi lại ở khu công nghiệp sẽ thuận lợi hơn; xung đột giao thông chắc chắn giảm và tiết kiệm được chi phí đi lại cho người lao động. Thứ hai là tạo ra một động lực hết sức quan trọng cho nguời lao động tiếp tục làm việc, cống hiến với doanh nghiệp, từ đó tạo ra mối quan hệ lao động hài hòa, phát triển bền vững…
Xin ông cho biết những nỗ lực của tổ chức Công đoàn trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động?
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ giao đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tổ chức Công đoàn Việt Nam đang hết sức tích cực làm việc với các tỉnh, thành phố, Trung ương để tạo quỹ đất để thực hiện. Đến nay đã có 36 tỉnh giới thiệu địa điểm cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn đang đề xuất với Quốc hội, ưu tiên cho người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và những nơi sản xuất mang tính chất nặng nhọc như thợ mỏ ở Quảng Ninh, hay lao động ở các địa phương khác có tính đặc thù (không phải đối tượng đóng thuế thu nhập) được mua nhà ở xã hội nhằm tạo điều kiện cho người lao động có chỗ ở để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong sản xuất kinh doanh.
Có thể thấy, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân là rất cần thiết. Nhiệm vụ này đã và đang được triển khai trên khắp cả nước. Tuy nhiên, hiệu quả đem lại vẫn chưa đạt mục tiêu đã đề ra. Theo ông, việc xây dựng nhà ở xã hội đang gặp phải những bất cập gì?
Việc xây dựng nhà ở xã hội hiện nay đang gặp rất nhiều bất cập và đã được Chính phủ, Bộ Xây dựng, các bộ, ban, ngành liên quan hết sức quan tâm. Chúng ta đang điều chỉnh một số luật, gỡ bất cập trong đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Thứ nhất là việc tạo quỹ đất để làm nhà ở xã hội rất ít. Theo Luật hiện nay, khi xây dựng các dự án nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại III trở lên, chủ đầu tư phải trích ra 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội. Quy định này dẫn đến việc bố trí quỹ đất không phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị..., dẫn đến quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua thiếu nhiều so với nhu cầu và không tạo sự chủ động cho địa phương.
Một trong những khó khăn hiện nay là việc xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội. Theo quy định hiện hành, người lao động muốn mua nhà ở xã hội phải là người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, đánh giá thế nào là người thu nhập thấp hiện vẫn là vấn đề bất cập. Tiêu chí là người ở xa đến và không có nhà ở mới được nhận hỗ trợ của nhà nước là chưa hợp lý. Bên cạnh đó, việc phân bổ gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng có bao nhiêu % cho nhà đầu tư, bao nhiêu % cho người mua vẫn còn nhiều bất cập.
Bên cạnh đó, việc chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội muốn được miễn tiền sử dụng đất vẫn phải xác định tiền sử dụng đất trước rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, để thực hiện thủ tục này mất thời gian từ 1-2 năm. Đồng thời, quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn chồng chéo, chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, dẫn đến việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, mất nhiều thời gian thực hiện thủ tục và làm chậm tiến độ triển khai dự án.
Về giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội vẫn chưa tính đến các chi phí hợp lệ, hợp lý như chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp... trong khi lợi nhuận định mức không vượt quá 10% nên khó thu hút được doanh nghiệp.
Theo ông, để hoàn thành mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ cho công nhân, cần có những giải pháp gì?
Về phía chính quyền địa phương cần bố trí đủ nguồn vốn để giải phóng mặt bằng khu đất quy hoạch thiết chế công đoàn; xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài phạm vi khu đất xây dựng nhà ở xã hội.
Về phía Bộ Xây dựng phải xây dựng được quy trình triển khai dự án nhà ở xã hội một cách cụ thể để doanh nghiệp và cơ quan quản lý thực hiện; đồng thời tham mưu cho Chính phủ ban hành một số nội dung liên quan đến tiêu chí, tiêu chuẩn mua, thuê nhà ở theo hướng cắt giảm một số thủ tục, đặc biệt là nhà ở cho đối tượng công nhân lao động.
Về phía Ngân hàng Nhà nước: Bên cạnh gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng đã ban hành, Chính phủ cần xem xét ban hành thêm gói tín dụng dành riêng cho công nhân, người lao động mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với mức lãi suất vay ưu đãi không quá 4%/năm, thời gian vay không thấp hơn 25 năm để đảm bảo với mức thu nhập. Đồng thời, tách rõ gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng có bao nhiêu % dành cho người mua nhà vay và bao nhiêu % dành cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…
Trân trọng cảm ơn ông!
Tác giả: Đỗ Bình
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy