Gỡ nút thắt cho ngư dân vay vốn theo nghị định 67
12/10/2015 10:33:48
ANTT.VN – Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về hạn mức vay, lãi suất và mức bù chênh lệch lãi suất về chính sách phát triển thủy sản được quy định trong Nghị định 67 trước đó.

Tin liên quan

 

Theo đó, Nghị định 89 lần này tăng tỷ lệ vốn vay tối đa đối với các chủ tàu đóng mới, ưu đãi lãi suất và điều chỉnh mức bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách nhà nước.

Cụ thể, đối với đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, trường hợp đóng tàu mới vỏ thép, vỏ vật liệu mới, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm. Trong trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm;

Đối với đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ, bao gồm cả máy móc trang thiết bị hàng hải, thiết bị phục vụ khai thác, ngư lưới cụ, trang thiết bị bảo quản hải sản, ngư dân đóng tàu mới vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400CV đến 800CV được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 5%/năm.

Trường hợp đóng tàu mới có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.

Ngư dân được hưởng nhiều ưu đãi hơn khi vay vốn đóng tàu mới theo Nghị định 89

Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ; đóng mới tàu vỏ gỗ đồng thời gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới cho tàu, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.

Bên cạnh đó, ngư dân nâng cấp công suất tàu vỏ gỗ hoặc gia cố bọc vỏ thép; bọc vỏ vật liệu mới…, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.

Nghị định 89/2015/NĐ-CP cũng bổ sung quy định tàu cá đóng mới phải sử dụng máy thủy mới; trường hợp nâng cấp máy tàu có thể sử dụng máy thủy mới hoặc máy thủy đã qua sử dụng theo quy định.

Ngoài ra, nghị định 89/2015/NĐ-CP đã sửa đổi quy định thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất là 11 năm đối với trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ hoặc nâng cấp tàu; 16 năm đối với đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới. Năm đầu tiên kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên, chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc, ngân sách nhà nước cấp bù số lãi vay của chủ tàu được miễn năm đầu cho các ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, Nghị định 89/2015/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung các chính sách bảo hiểm, hỗ trợ chi phí các thiết kế mẫu, thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư; Quy định yêu cầu kỹ thuật đối với thiết kế mẫu tàu…

Sau 1 năm tiến hành cho vay theo Nghị định 67, ông Võ Minh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế NHNN, đơn vị phụ trách lĩnh vực rót vốn cho tàu 67 cho biết: “Cả nước đã có 26/28 địa phương phê duyệt hồ sơ với số lượng chủ tàu đăng ký đóng mới là 821 tàu (bằng 36% kế hoạch đề ra). Hiện, các ngân hàng đã nhận được 343 bộ hồ sơ đề nghị vay vốn và đã ký hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp 150 con tàu với tổng số tiền cam kết cho vay là gần 1.500 tỷ đồng”.

Ngân hàng BIDV ký hợp đồng tín dụng cho ngư dân đóng tàu theo nghị định 67

Hiện tại, có 4 ngân hàng thương mại nhà nước tham gia chương trình này và 150 tàu đã ký hợp đồng tín dụng. Trong đó, BIDV tham gia cho vay đóng 76 tàu; Agribank cho vay 54 tàu; VietinBank là 12 tàu và Vietcombank là 8 tàu.

Trong quá trình triển khai, cả ngư dân và ngân hàng thương mại còn lúng túng trong việc xác định giá trị con tàu đóng mới bằng vỏ thép và vỏ vật liệu mới. Chưa kể, để đáp ứng đủ điều kiện được địa phương phê duyệt vay vốn theo NĐ 67, chủ tàu cần đáp ứng các điều kiện, đó là: chủ tàu đánh bắt có kinh nghiệm; có khả năng tài chính và có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể.

Khi hồ sơ đã được địa phương phê duyệt chuyển cho ngân hàng,  chủ tàu sẽ trải qua thủ tục gồm 3 giai đoạn, ngư dân cần được đưa vào danh sách chủ tàu đủ điều kiện; lựa chọn thiết kế phù hợp sau khi đã thương lượng với cơ sở đóng tàu về loại vỏ tàu, công suất. Cuối cùng là đến ngân hàng để lập phương án vay vốn. Còn sắp tới, sẽ có thêm khâu thẩm định giá của tổ chức thẩm định độc lập.

Các vướng mắc trong thủ tục cho ngư dân vay vốn vẫn chưa được tháo gỡ hoàn toàn khiến một số trường hợp đã rút hồ sơ.

Còn hơn một năm nữa nghị định 67 sẽ khép lại vào ngày 31/12/2016 nhưng vẫn còn 2/3 lượng tàu cần đóng mới và những “e ngại” sẽ nảy sinh nợ xấu như chương trình cho vay đánh bắt xa bờ theo quyết định 393 trước đó.

Hoa Liên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến