Gót chân Asin của kinh tế Trung Quốc
08/10/2015 16:50:12
ANTT.VN - Kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, chính phủ Trung Quốc đã và đang đối mặt với một bài toán hóc búa: Nên giữ hay bỏ hệ thống khổng lồ các công ty nhà nước (SOE)..

Tin liên quan

Trong bối cảnh Hội nghị Trung ương 5 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang đến gần, đây chắc chắn sẽ lại là một vấn đề nóng bỏng không chỉ đối với xã hội Trung Quốc mà còn đối với nền kinh tế thế giới.

Các công ty quốc doanh đã từng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế quốc dân sau thời kỳ Đại Cách Mạng Văn hóa những năm 1960s-1970s. Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại, khi mà nền kinh tế Trung Quốc đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, hệ thống SOE lại ngày càng cho thấy sự lãng phí và thiếu hiệu quả của mình.

Việc cố gắng duy trì hệ thống SOE của chính phủ Trung Quốc đang làm dấy lên những lo ngại rằng chính họ có thể đang nuôi dưỡng những mầm mống lạm phát thông qua năng lực sản xuất dư thừa, lãng phí tín dụng của SOE, đe dọa sức cạnh tranh và sự sáng tạo cần thiết trong một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, bên cạnh đó khiến con số nợ do chính phủ bảo lãnh của Trung Quốc ngày một tăng cao. Đây thực sự là một quả bom nổ chậm đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

SOE được hưởng rất nhiều ưu đãi so với khu vực tư nhân.

Tuy nhiên trong một bài phát biểu hồi tháng trước, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lại kêu gọi củng cố hệ thống SOE bằng cách tăng cường sáp nhập và mua lại.

Tuyên bố của ông Cường ám chỉ sự lùi bước của Bắc Kinh đối với nỗ lực cải cách nền kinh tế nước này. Các nhà phân tích cho rằng phát triển một cấu trúc thị trường mà trong đó chỉ có một vài người chơi chính sẽ bóp nghẹt tính cạnh tranh, năng suất cũng như nhu cầu tiêu dùng nội địa.

“Những tuyên bố của ông thủ tướng có nghĩa rằng Bắc Kinh đang gia tăng sức mạnh cho hệ thống SOE, chứ không phải giảm bớt vai trò của chúng, nhường chỗ cho khu vực tư nhân - lực lượng xương sống của bất cứ nền kinh tế nào”, Andrew Barber, nhà kinh tế trưởng tại Eagleview Capital cho biết.

Động thái này của Bắc Kinh hầu như chắc chắn sẽ dẫn tới sự tập trung quyền lực ngày càng lớn hơn của SOE, qua đó chống lại tự do hóa thị trường, đi ngược những tuyên bố mở cửa và tự do hóa nền kinh tế trong nước của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

“Hệ thống SOE chỉ có thể cải thiện nếu được sử dụng trong một môi trường cạnh tranh đúng nghĩa và được vận hành bởi những con người giỏi nhất. Tuy nhiên những dấu hiệu buông lỏng quản lý của Đảng Cộng Sản Trung Quốc với hệ thống SOE lại đi ngược lại ý tưởng trên.”, Wei Yao, chuyên gia kinh tế tại công ty tài chính Société Générale Trung Quốc cho hay.

Ông cho biết thêm rất nhiều SOE là những công ty ‘zombie’, hoạt động thiếu hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực xã hội tuy nhiên vẫn tồn tại được nhờ chính sách bảo lãnh của Bắc Kinh. Những công ty, tập đoàn này được hưởng rất nhiều đặc quyền so với khu vực tư nhân, giúp chúng dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn cũng như các hợp đồng thông qua chính quyền các cấp.

Để so sánh mức độ hiệu quả giữa khu vực tư nhân và hệ thống SOE, hãy nhìn vào chỉ số Quản trị mua hàng PMI của các công ty tư nhân vừa và nhỏ (đường màu đỏ), và các công ty nhà nước (đường màu trắng), số liệu từ Cục Thống kê Liên bang Mỹ.

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng hiệu quả của hệ thống SOE không ổn định và ngày càng kém xa khu vực tư nhân.

Bắt buộc phải thay đổi

Đối với chính phủ Trung Quốc, SOE có một chức năng quan trọng là thúc đẩy kinh tế trong ngắn hạn. Tuy nhiên việc sử dụng SOE trong thúc đẩy tăng trưởng lại đóng vai trò như thuốc giảm đau đối với một nền kinh tế đầy khuyết tật, qua đó tiếp tục kìm hãm triển vọng tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc.

Tất cả các đời lý thuyết kinh tế học đều dễ dàng chỉ ra rằng sáng tạo là cốt lõi và nền tảng của bất cứ nền kinh tế nào. Mà sáng tạo lại là một sản phẩm của cạnh tranh – thứ không thể tồn tại trong một môi trường độc quyền của các SOE.

Đã đến lúc kinh tế Trung Quốc phải chuyển hướng.

“Trung Quốc hiện đang có tham vọng chen chân vào những phân khúc cao hơn trong hệ thống thương mại toàn cầu, tuy nhiên sự sáng tạo cũng như chính sách khuyến khích sáng tạo của chính phủ nước này là chưa đủ. Thiếu tính cạnh tranh ở những ngành công nghiệp quan trọng chính là một trong những kẻ thù lớn nhất của kinh tế Trung Quốc trong dài hạn.”, ông Barber cho biết.

Một lý do lớn nữa khiến Bắc Kinh chưa mặn mà với cải cách hệ thống SOE là do họ lo ngại rằng tư nhân hóa hàng loạt có thể kéo theo những hiệu ứng tiêu cực mà nguy hiểm nhất là thất nghiệp, trong bối cảnh năng suất dư thừa đã và đang đè gánh nặng lên nền kinh tế nước này.

Phần lớn chuyên gia đều cho rằng Bắc Kinh có đủ khả năng và phương tiện để cải cách toàn diện nền kinh tế, tuy nhiên với cái giá phải đánh đổi tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, liệu rằng chính phủ nước này có sẵn lòng làm vậy hay không lại là việc khác.

“Chúng tôi cho rằng chính phủ Trung Quốc khó có thể đợi lâu hơn nữa. Nếu không cải cách triệt để, viễn cảnh kinh tế nước này trong những thập kỷ tới sẽ rất u ám.”, ông Yao nói.

Nghi Điền 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến