Dòng sự kiện:
Hà Nội: Phường và DN tranh chấp 3.000 m2 “đất vàng” Hồ Tây
21/04/2017 16:21:44
ANTT.VN – Hơn 1.000 trẻ mầm non không có đủ trường công để học, trong khi đó gần 3.000 m2 đất được phê duyệt xây trường thì đang bị sử dụng hoang phí – câu chuyện chính quyền phường đi đòi đất của doanh nghiệp đã kéo dài 11 năm ở phường Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội).

Tin liên quan

Kỳ 1: Trường công từ chối 1.000 trẻ - Đất xây trường hầu như bỏ hoang

Chuyên trang An ninh Tiền tệ và Truyền thông (ANTT.VN, thuộc báo điện tử Người đưa tin) nhận được đơn khiếu nại của bà Phạm Thị Hợi, là Chi hội phó Chi hội người cao tuổi ở địa bàn dân cư số 9, phường Bưởi (Quận Tây Hồ, Hà Nội) về cách giải quyết của UBND TP Hà Nội đối với khu đất 282 Lạc Long Quân trên địa bàn phường.

Theo bà Hợi, khu đất số 282 Lạc Long Quân, tọa lạc ngay sát cạnh Hồ Tây, theo quy hoạch của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội “là đất công có trong danh mục 184 điểm được đề xuất xây dựng nhà trẻ”. Tuy nhiên 11 năm nay nó đang được cho Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng đô thị (Cty UDIC) thuê làm bãi để xe.

Điều đáng nói là trong khi khoảng 1.000 trẻ em độ tuổi mầm non của phường này đang không có đủ trường công để học, thì 3.000 m2 “đất vàng” nói trên đang bị Cty UDIC sử dụng lãng phí, hầu như bỏ hoang, và chuẩn bị được quy hoạch đầu tư dự án xây dựng khách sạn.

Trong đơn khiếu nại gửi Thành ủy Hà Nội, UBND TP Hà Nội và báo chí, bà Hợi đề nghị UBND TP Hà Nội thu hồi mảnh đất nói trên trả cho phường Bưởi xây trường mầm non cho con em trên địa bàn.

Theo phản ánh của bạn đọc, PV ANTT.VN đã tìm xuống khu “đất vàng” nói trên. Chúng tôi chứng kiến: khu đất có vị thế đắc địa nằm sát cạnh hồ Tây, được quây sơ sài bằng tôn xanh. Mặc dù là ngày thường nhưng nó đóng kín, nhìn vào bên trong thấy để trống không hoang phí, một vài chiếc xe và bàn ghế sơ sài cho thấy nó đã không được sử dụng hợp lý nhiều năm.

Khu "đất vàng" rộng 2.599m2 ở số 282 Lạc Long Quân đang được Cty UDIC sử dụng hoang phí (ảnh: Minh Minh)

Mặc dù tọa lạc tại vị trí đắc địa cạnh Hồ Tây

Song nó được quây sơ sài bằng tôn xanh và đóng cửa im lìm

Bên trong gần như hoang hóa

Tại hiện trường, một người dân đã chỉ cho chúng tôi các chỉ giới của khu đất. Bà Nguyễn Lan Phương – một cán bộ Tổng cục hậu cần đã nghỉ hưu cho biết: mảnh đất này đã được Sở Quy hoạch kiến trúc thành phố phê duyệt làm đất trường học, nhưng không hiểu sao nhiều năm nay thuộc quyền sử dụng của Cty UDIC, trong khi con em trong phường quá nửa là bị trường công từ chối, phải học trường tư thục hoặc ở nhà.

Ông Nguyễn Hoàng Sâm – nguyên Chủ tịch Hội người cao tuổi phường Bưởi cho biết: Nguồn gốc khu đất 282 trước đây là đất ruộng, có cả bãi tha ma, gò ngũ nhạc liên quan đến đình chùa của làng, sau đó được một công ty san nền thuê để tập kết các máy san ủi, công cụ phục vụ san ủi. Cuối 2005 cty san nền này trả lại thành phố, thành phố giao cho Cty UDIC sử dụng đến giờ.

Ông Nguyễn Hoàng Sâm - nguyên Chủ tịch Hội người cao tuổi phường Bưởi

Năm 2006, Cty UDIC dự định xây dựng 9 căn hộ thấp tầng trên khu đất này để kinh doanh phục vụ nhu cầu của quận Tây Hồ.

Nhưng từ 2016 chúng tôi được biết mảnh đất này sẽ được xây khách sạn. Mâu thuẫn ở chỗ tháng 1.2017 ông Lê Hồng Sơn Phó Chỉ tịch thành phố ký văn bản chấp thuận 184 điểm xây trường học của Hà Nội, trong đó có lô đất tại ngõ 282 Lạc Long Quân để xây trường mầm non. Sau đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc lại có văn bản chấp thuận cho Cty UDIC dùng mảnh đất này xây khách sạn. Điều này là rất mâu thuẫn.

“Năm nào tiếp xúc cử tri tôi cũng có ý kiến về mảnh đất này nhưng chỉ được trả lời là: chúng tôi đã tiếp nhận khiếu nại, sẽ chuyển cho các cấp làm rõ rồi sẽ trả lời” – ông Sâm chia sẻ.

Tiếp chúng tôi tại trụ sở HĐND phường Bưởi, bà Phan Thị Thúy Nga – Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường cho biết: Nhiều năm nay phường đã tích cực kiến nghị lên các cấp xin được sử dụng mảnh đất đó để xây trường mầm non cho các cháu.

Bà Phan Thị Thúy Nga – Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Bưởi

Theo bà Nga, hiện phường Bưởi có khoảng 2.000 cháu bé trong độ tuổi mầm non nhưng chỉ có duy nhất một trường mầm non công lập là trường Bình Minh hiện đang giáo dục 995 cháu, như vậy là mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu học trường công của số trẻ độ tuổi mầm non hiện có. Đó là chưa kể hiện nay trung bình 55 cháu/ 1 lớp, chưa đạt chuẩn về số trẻ theo tiêu chuẩn chỉ là 35 cháu/ lớp.

Tiếp lời bà Nga, ông Nguyễn Quốc Lập – Chủ tịch Mặt trận tổ quốc của phường cho biết: Hiện nay, cơ sở 2 của trường mầm non công lập Bình Minh (tại địa chỉ 462 Thụy Khuê, Tây Hồ, HN) đang nằm trong diện giải phóng mặt bằng, nếu cơ sở này bị lấy đất thì đồng nghĩa với khoảng 300 cháu mầm non lại tiếp tục mất chỗ học.

Chính vì thực tế thiếu trường công này mà hiện nay 50% số trẻ mầm non của phường phải đi học trái tuyến, học tư thục hoặc phải ở nhà. Hàng năm việc bốc thăm xin học mầm non cho con ở trường công trở nên một nỗi áp lực đối với người dân nơi đây. Trong khi đó, đất quy hoạch xây trường thì hầu như bỏ hoang hàng chục năm – bà Nga nói.

PV ANTT.VN thực địa tại con phố Võng Thị - được người dân nơi đây gọi là “phố tư thục mầm non” thì nhận thấy con phố không dài nhưng cơ sở mầm non tư thục mọc lên như nấm để “đón lõng” số trẻ mầm non bị trường công từ chối.

Trường tư thục mầm non Ánh Sao chật chội, bên ngoài hàng quán bao vây

Một điểm giữ trẻ tư thục khá chật chội thiếu tiện nghi

Ông Nguyễn Quốc Lập cung cấp thêm thông tin: Hiện nay trên địa bàn phường ngoài một trường mầm non công lập duy nhất là trường Bình Minh thì còn 13 cơ sở mầm non tư thục trong đó có 2 trường tư thục và 11 điểm giữ trẻ.

Một số điểm mầm non tư thục được thuê dưới dạng các căn hộ, căn phòng nhỏ bé, chủ yếu thực hiện chức năng giữ trẻ chứ không đủ tiêu chuẩn là cơ sở giáo dục do diện tích và điều kiện hạ tầng quá hạn chế.

Vì sao Cty UDIC sở hữu 3.000 m2 “đất vàng” suốt 11 năm mà không sử dụng hợp lý? Thực chất đây là đất quy hoạch xây trường học hay được cấp phép xây khách sạn? ANTT.VN sẽ thông tin trong bài viết sau.

Minh Minh

 

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến