Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã ra cáo trạng truy tố và chuyển hồ sơ tới Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội nghiên cứu, đưa ra xét xử bị can Nguyễn Anh Sử, sinh năm 1992, trú tại xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội, về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 175, khoản 4-Bộ luật Hình sự.
Sử nguyên là nhân viên của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sebang Battery Vina (viết tắt là Công ty Sebang Battery Vina).
Theo cáo trạng, Công ty Sebang Battery Vina đặt trụ sở chính tại tỉnh Đồng Nai và có Văn phòng đại diện Hà Nội đặt tại Cụm Công nghiệp Nguyên Khê, thuộc xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Trưởng Văn phòng đại diện tại Hà Nội là ông Lee Kwang Jin, sinh năm 1967, quốc tịch Hàn Quốc.
Ngày 1/11/2021, Công ty Sebang Battery Vina tuyển dụng Nguyễn Anh Sử vào làm việc tại Văn phòng đại diện Hà Nội với các nhiệm vụ là: Quản lý, đào tạo đội nhóm kinh doanh tại văn phòng; Trực tiếp quản lý kinh doanh mặt hàng bình ắc quy xe nâng và các khách hàng có liên quan; Trực tiếp quản lý công nợ của các khách hàng liên quan tới mặt hàng ắc quy xe nâng…
Cùng với chức vụ Phó trưởng nhóm kinh doanh thuộc Văn phòng đại diện tại Hà Nội, Sử còn là người trực tiếp quản lý hàng hóa tại kho, lên hóa đơn, bán hàng, xuất hàng và liên hệ vận tải.
Tháng 4/2021, do áp lực doanh số của công ty nên Sử đã nảy sinh ý định lập khống một số hóa đơn bán hàng bình ắc quy. Để có thông tin lập khống hóa đơn bán hàng, bị can lấy dữ liệu, danh sách đại lý, khách hàng từ công ty và chủng loại, số lượng bình ắc quy ghi trên hóa đơn được anh ta căn cứ theo dữ liệu có sẵn. Trong các hóa đơn khống, Sử không đề địa chỉ email hoặc ghi sai địa chỉ email của những đơn vị mua hàng nhằm tránh việc doanh nghiệp kiểm tra, phát hiện.
Từ ngày 23/4/2021 đến ngày 27/6/2022, bị can Sử đã lập khống 58 hóa đơn bán hàng thể hiện đã bán 2.072 bình ắc quy các loại cho 18 đại lý với tổng giá trị tiền hàng ghi trong hóa đơn là hơn 6,9 tỷ đồng (gồm cả thuế VAT). Do lập khống hóa đơn mà không xuất hàng nên số lượng bình ắc quy thực tế tồn trong kho tăng cao. Từ đây, Sử tiếp tục nảy sinh ý định chiếm đoạt số lượng bình ắc quy này. Trên cơ sở thông tin ghi trên hóa đơn khống, Sử lập khống chứng từ, làm thủ tục nhận bình ắc quy từ kho của công ty. Sau đó, Sử mang bán cho các đại lý, khách hàng của chính Công ty Sebang Battery Vina với giá thấp hơn so với giá niêm yết từ 8-10%.
Ngoài ra, Sử còn chiếm đoạt thêm một lượng hàng hóa khác với thủ đoạn đưa ra thông tin gian dối là Công ty Sebang Battery Vina có chính sách đổi bình ắc quy cũ lấy bình ắc quy mới; công ty nhập lại bình ắc quy cũ với giá từ 18.000 đồng đến 23.000 đồng/1 bình ắc quy cũ. Thu được bình ắc quy cũ từ các đại lý, khách hàng, Sử mang bán phế liệu lấy tiền.
Theo kết quả điều tra, từ ngày 4/5/2021 đến ngày 16/7/2022, Nguyễn Anh Sử đã chiếm đoạt của Công ty Sebang Battery Vina tổng cộng 1.839 bình ắc quy mới các loại đem bán và đổi cho một số đại lý, cá nhân. Theo kết luận giám định, tổng giá trị tài sản Sử chiếm đoạt của Công ty Sebang Battery Vina là hơn 5,2 tỷ đồng.
Hiện, Sử mới khắc phục, hoàn trả cho công ty gần 300 triệu đồng. Số tiền còn lại, bị can đã sử dụng để chi tiêu cá nhân và kinh doanh “tiền ảo”./.
Tác giả: Kim Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy