Hà Nội: 'Xã hội đen' bao thầu công trình sai phép?
15/10/2015 11:10:46
Nhiều công trình sai phép, trái phép mọc lên như nấm sau mưa tại một số quận, huyện ở Hà Nội. Trong khi đó, cơ quan chức năng kêu khó xử lý vì vướng công trình của một số cán bộ công chức, thậm chí vấp phải cả sự chống đối của những nhóm “xã hội đen”.

Tin liên quan

Những công trình xây dựng trái phép trên đất dự án dọc đường 70, xã Tân Triều, Thanh Trì.

Từ “chuyện lạ” trong quán ăn đêm

Một tối giữa tháng 9/2015, các phóng viên ngồi ăn ở một quán ăn thuộc khu vực BT2 Linh Đàm, Thanh Trì, Hà Nội, chợt 3 đối tượng “xăm trổ đầy mình” tiến vào. Chuyện chẳng có gì bất thường, nếu nhóm này không ầm ỹ hạch sách chủ quán phục vụ đủ điều và lúc đứng dậy rút đi cũng quên luôn… tính tiền.

Thấy lạ, các phóng viên tìm cớ lân la nói chuyện với T., chủ quán. Qua câu chuyện của T., được biết  ki-ốt T. đang kinh doanh do nhóm này dựng lên, thuê 3 triệu đồng/tháng. Chẳng những thế, T. bảo, nhiều lúc “đại ca” dẫn đàn em đến ăn uống, như một luật bất thành văn, quán không được thu tiền.

Với thái độ lo sợ, T. còn kể từng nhiều lần chứng kiến nhóm này gọi điện dằn mặt các chủ nhà có công trình sai phép ở khu vực để đứng ra bao thầu cung ứng bán vật liệu xây dựng. Địa bàn nhóm này thao túng chủ yếu ở Khu đô thị Cầu Bươu (xã Thanh Liệt) hoặc khu vực làng nghề Triều Khúc (xã Tân Triều)…

Ngôi nhà xây trái phép “mọc” giữa hai biệt thự của dự án Khu đô thị Cầu Bươu.

Đến mục sở thị những công trình trái phép

Câu chuyện của T. chưa rõ mấy phần đúng, sai. Song lần theo những thông tin T. cung cấp, phóng viên Tiền Phong đã tận thấy hàng trăm căn nhà, ki - ốt được xây dựng trái phép tại khu vực làng nghề Triều Khúc và Khu đô thị Cầu Bươu.

Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Trì, đến năm 2015, tại Khu đô thị Cầu Bươu có tới gần 50 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Tại khu vực làng nghề Triều Khúc cũng có hàng chục công trình sai phạm. Khu vực này được quy hoạch làm nhà xưởng, nhưng phần lớn lại được các đối tượng vi phạm chia nhỏ, phù phép thành nhà ở 2-3 tầng để bán cho người dân với giá 500 triệu đến 1,5 tỷ đồng.

Ngược về khu vực đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm và khu vực quận Cầu Giấy cũng thấy hàng trăm công trình trái phép. Phần lớn những công trình khu vực này được xây dựng trên đất dự án bỏ hoang và đất nông nghiệp. Xây dựng xong, các đối tượng chia thành ki-ốt cho thuê làm showroom trưng bày, bán, sửa chữa ô tô, nội thất, quán ăn. Giá thuê từ 1,5 đến 2 triệu đồng/ki-ốt/10m2.

Chị Nguyễn Thị A., chủ một cửa hàng tại khu vực trên cho biết, chị đã thuê cửa hàng được 6 năm, giá thuê 5 triệu đồng/tháng. Chị A. cho biết thêm, việc thuê mướn chỉ bằng thỏa thuận miệng, không có giấy tờ, hằng tháng chị trả tiền cho một người tên Thanh là lái xe tại đây, chứ cũng không rõ chủ nhân là ai. “Tôi cũng phải cam kết tự động cuốn gói khi người ta khởi công dự án” - chị A. nói.

Ngỏ ý muốn thuê một bãi đất để làm gara ô tô, các phóng viên đã tiếp xúc với nhiều “cò” đất ở khu vực này và được họ đưa ra giá từ 30.000 đến 70.000 đồng/m2/tháng. Tính sơ sơ, với mỗi 1.000 m2, các ông chủ giấu mặt ở đây đã thu 30 - 70 triệu đồng/tháng. Chẳng những ở đây, dự án nhà ở của Quốc hội trên đường Lương Thế Vinh (phường Trung Văn, Nam Từ Liêm) cũng bị một số đối tượng “nhảy dù” vào xây hàng chục căn phòng trọ cho thuê, thu lợi 2-3 triệu đồng/căn/tháng…

Khuôn viên Dự án nhà ở Quốc hội cũng bị lấn chiếm. Ảnh: Xuân Ân.

Khó xử lý?

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Tứ, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, quận đã lên danh sách về các đơn vị, tổ chức vi phạm trật tự xây dựng; đồng thời lên kế hoạch xử lý dứt điểm vi phạm trên địa bàn.

Còn tại huyện Thanh Trì, ông Vũ Quốc Phan, Đội trưởng Thanh tra xây dựng huyện cho biết, dự án Khu đô thị Cầu Bươu, Thanh tra Sở TNMT Hà Nội đã yêu cầu kiểm điểm các Cty Cổ phần Kinh doanh phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội do buông lỏng quản lý đất đai. UBND thành phố Hà Nội cũng đã đề nghị UBND huyện Thanh Trì chỉ đạo thanh tra xây dựng, UBND các xã… cưỡng chế, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm.

Theo ông Phan, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại khu vực đường Nguyễn Xiển tồn tại từ nhiều năm. Tại khu vực này, phần lớn là xưởng, dựng trên đất nông nghiệp theo kiểu xen canh, xen cư. Về khu làng nghề Triều Khúc, trước đây các hộ thường sản xuất tại nhà nên rất bẩn và mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường. Đến năm 2001, Hà Nội phê duyệt Dự án Cụm công nghiệp làng nghề làm khu sản xuất tập trung. Đất ở đây được đấu giá, ưu tiên cho các hộ dân Tân Triều. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, các hộ gia đình đã đề nghị được mở rộng diện tích xưởng, cơi nới nhà, độ cao công trình…

“Nhưng quy hoạch là quy hoạch, nếu điều chỉnh phải do thành phố quyết định, còn đây là khu làng nghề, không được phép xây nhà ở, chỉ được dùng làm văn phòng, xưởng sản xuất” -  ông Phan nói.

Lý giải về những sai phạm phổ biến như Tiền Phong phản ánh ở phần trên, ông Vũ Quốc Phan nói thời gian xây dựng làng nghề vào khoảng năm 2008 – 2009, lúc đó ông Phan mới chỉ là cấp phó, đến tháng 1/2012 mới lên làm Đội trưởng Thanh tra xây dựng. “Việc mở rộng nhà xưởng là do nhu cầu của người dân, khi tôi lên làm Đội trưởng cũng đã yêu cầu xử lý các trường hợp vi phạm”- ông Phan nói.

Phóng viên đề nghị ông Phan cung cấp tài liệu, danh sách các hộ vi phạm trật tự xây dựng, nhưng ông này từ chối và cho rằng quá rắc rối. Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, nhiều ngôi nhà sai phép tiếp tục mọc lên trên địa bàn huyện Thanh Trì trong năm 2014 - 2015.

Tái chiếm đất dự án, xây dựng trái phép

Tháng 10/2014, một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi hàng chục ki-ốt kinh doanh ăn uống trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, gần tòa nhà Keangnam. Sau vụ cháy, quận Nam Từ Liêm đã giải tỏa khu vực này. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng dựng nhà trái phép tại khu vực này lại tái diễn. Các nhà xe kinh doanh vận tải như Kumho, Mai Linh… cũng thuê đất tại đây để làm nơi tập kết phương tiện.

 

Có chuyện “xã hội đen” cản trở lực lượng chức năng

Theo ông Vũ Quốc Phan, Đội trưởng đội Thanh tra Xây dựng huyện Thanh Trì, trên địa bàn huyện Thanh Trì có những trường hợp đã từng cưỡng chế 2-3 lần vẫn tái phạm. Trong những hộ vi phạm về trật tự xây dựng, không ít người là công chức, thậm chí cả công an và các đối tượng “xã hội đen”. “Điển hình như dự án Khu đô thị Cầu Bươu, các đối tượng “xã hội đen” còn lập barie, lăm lăm hung khí cản trở cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm. Thậm chí, các nhóm côn đồ từng đổ máu khi thanh trừng nhau trong việc “nhảy dù” xây nhà trái phép” - ông Phan nói.

Theo Tiền Phong

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến