Dòng sự kiện:
Hà Nội yêu cầu khắc phục việc áp dụng quy định chống dịch gây bức xúc
02/04/2022 16:54:23
Hà Nội yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường hơn nữa trách nhiệm theo thẩm quyền, đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; khắc phục việc áp dụng quy định chống dịch gây ảnh hưởng, bức xúc cho dân.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Hà Nội vừa ban hành kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Thiếu nhất quán trong triển khai biện pháp phòng, chống dịch

Nội dung kế hoạch thể hiện, trong thời gian vừa qua, trong công tác phòng, chống dịch còn có sự bị động, lúng túng, lơ là, chủ quan; việc triển khai các biện pháp còn thiếu nhất quán, đặc biệt ảnh hưởng nhiều tới đời sống nhân dân, có lúc gây bức xúc...

Vì vậy, thành phố yêu cầu nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương; đảm bảo tính chủ động, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm; thực hiện quan điểm thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện đi đôi với bảo đảm nguồn lực và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng y tế, các lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch.

Các địa phương phải thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", đặc biệt là chỉ huy, điều phối, phối hợp tại chỗ để đáp ứng có hiệu quả giữa các lực lượng tại chỗ và lực lượng tăng cường khi cần thiết; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành và điều phối nguồn lực trong tình huống dịch bệnh khẩn cấp cấp thành phố.

Thành phố cũng sẽ tổ chức tập huấn quản lý, theo dõi người mắc Covid-19 tại nhà ngay từ đầu (chỉ ca bệnh có nguy cơ diễn biến nặng mới chuyển đến cơ sở y tế) và thiết lập hệ thống theo dõi sức khỏe thông qua y tế cơ sở và thầy thuốc đồng hành (hỗ trợ qua điện thoại, mạng xã hội hoặc email); thành lập các trạm y tế lưu động để đảm bảo người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế từ sớm, từ xa và từ cơ sở; triển khai hoạt động quản lý, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người bệnh ngay tại cộng đồng.

Về các nhiệm vụ, giải pháp về an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, UBND TP yêu cầu chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc phức tạp, gây rối an ninh, trật tự và phòng, chống tội phạm; bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu công nghiệp, khu vực có mật độ dân cư đông, tại các cơ sở, địa bàn cách ly y tế, cơ sở thu dung, điều trị người mắc Covid-19…

Tăng cường kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong phòng, chống dịch và phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chủ động kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để lừa đảo, phát tán tin giả, xuyên tạc, kích động trong nhân dân về công tác phòng, chống dịch.

Hà Nội yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện đầu tư nâng cao năng lực y tế cơ sở; thí điểm tăng số trạm y tế, nhân viên y tế theo quy mô dân số không theo địa giới hành chính (Ảnh: Nguyễn Trường).

Thí điểm tăng nhân viên y tế theo quy mô dân số

Đáng chú ý, về các hoạt động chuyên môn y tế trong thời gian vừa qua, mặc dù đã triển khai hết sức quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch nhưng hoạt động này đã bộc lộ ra nhiều hạn chế của ngành. Hà Nội nhận định, nếu không giải quyết sớm các hạn chế này thì có thể gây ra tình trạng quá tải, đổ vỡ hệ thống khi gặp phải tình trạng tương tự hoặc nguy hiểm hơn.

Vì vậy, Hà Nội yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện đầu tư nâng cao năng lực y tế cơ sở; thí điểm tăng số trạm y tế, nhân viên y tế theo quy mô dân số không theo địa giới hành chính; đánh giá, báo cáo Chính phủ về kết quả thực hiện để rút kinh nghiệm và chỉ đạo trong thời gian tiếp theo.

Bên cạnh đó, cần huy động sự tham gia của cả hệ thống y tế tư nhân để chia sẻ với hệ thống y tế Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch.

Thành phố yêu cầu các địa phương căn cứ vào tình hình dịch bệnh để tổ chức hình thức dạy học cho phù hợp, không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài (Ảnh minh họa).

Để bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống sinh hoạt của nhân dân, kế hoạch nêu rõ, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở giáo dục, cơ sở lưu trú... xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch gắn với phương án hoạt động, sản xuất, kinh doanh phù hợp với các cấp độ dịch tại các địa phương (đến tận xã/phường, tổ dân phố) và cập nhật kết quả đánh giá an toàn lên bản đồ an toàn Covid-19.

Thành phố cũng sẽ triển khai thống nhất và có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, báo cáo và chia sẻ thông tin về vaccine, xét nghiệm, điều trị, hậu cần, an sinh xã hội... phục vụ phòng, chống dịch; quản lý việc đi lại của người dân, lưu thông, vận chuyển hàng hóa và quản lý xuất, nhập cảnh phù hợp với quy định của quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin phải thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong phòng, chống dịch...

Không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài

Kế hoạch mà UBND TP Hà Nội vừa ban hành cũng nêu rõ, các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục đào tạo khi học sinh, sinh viên học trực tiếp.

Đặc biệt, thành phố yêu cầu các địa phương căn cứ vào tình hình dịch bệnh để tổ chức hình thức dạy học cho phù hợp, không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài; thường xuyên kiểm tra, đánh giá để hiểu rõ các tác động tiêu cực của việc học trực tuyến, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ để có giải pháp kịp thời.

Do vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Y tế rà soát hướng dẫn phòng, chống dịch trong hoạt động giáo dục, đào tạo.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo thực hiện năm học 2021-2022 an toàn, hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch bệnh; phối hợp Sở Y tế tổ chức tiêm chủng cho học sinh trong độ tuổi.

Tác giả: Nguyễn Trường

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến