Dòng sự kiện:
Hà Tĩnh tan hoang sau cơn lũ dữ
25/10/2020 07:40:20
Mưa lũ đi qua khiến cho nhà cửa, đồ dùng gia đình, hàng hóa, lương thực, gia súc, gia cầm của nhân dân tại các xã, huyện ở Hà Tĩnh bị ngập sâu thiệt hại rất lớn.

Trận mưa lũ lịch sử vừa qua ở Hà Tĩnh đã khiến 118 xã, phường, thị trấn bị ngập, với 42.456 hộ/151.288 người của 11 huyện, thành phố bị ngập lụt. Toàn tỉnh đã tổ chức sơ tán 18.771 hộ với 59.268 người.

Tài sản của nhân dân tại các xã bị ngập sâu: Nhà cửa, các đồ dùng gia đình, vật dụng, hàng hóa, lương thực, gia súc, gia cầm thiệt hại rất lớn. Hơn 132ha lúa mùa, nhiều diện tích cây ăn quả và hoa màu; 2.317ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập và thiệt hại.

Nhà cửa tan hoang sau khi lũ rút

Mưa lũ vừa qua đã khiến hàng ngàn ngôi nhà bị ngập, nhiều ngôi nhà tạm bợ nay càng sập xệ sau khi bị ngâm nước nhiều ngày.

Gia đình bà Hồ Thị Cử, ông Phan Văn Ngạn (xóm Sơn Trình, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà) hoang tàn sau trận lũ. Hiện 2 ông bà đang rất khó khăn, không có đồ dùng... rất cần sự giúp đỡ của các mạnh thường quân khắc phục hậu quả sau lũ, sớm ổn định cuộc sống.


Ngôi nhà đã tạm bợ nay càng sập xệ hơn sau trận lũ của gia đình anh Lợi, chị Hà (số nhà 04, ngách 04, ngõ 141, đường Nguyễn Xí, TP.Hà Tĩnh). Được biết gia cảnh của anh chị vô cùng khó khăn, anh Lợi bị tai biến đã 15 năm qua, một mình chị Hà nuôi chồng và 3 người con ăn học bằng nghề rửa bát thuê.
 
 
Một hoàn cảnh cũng rất khó khăn tại xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh)

Căn nhà mái tranh, vách đất của chị Hương tại khối 1, phường Nam Hà, TP.Hà Tĩnh. Theo tìm hiểu, chị Hương sống một mình, không chồng con, bị bệnh tim bẩm sinh. Ngôi nhà vốn dĩ đã tồi tàn dột nát, nay có thể đổ sập bất cứ lúc nào vì bị ngâm nước nhiều ngày sau cơn lũ lịch sử.

Các cán bộ chiến sỹ Công an thị xã Hồng Lĩnh giúp người dân dọn dẹp sau lũ

Một nhà hộ dân tại tại thôn 8, xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên) bị nước lũ cuốn phăng toàn bộ ngõ và sân vào nhà, để lại cảnh nhếch nhác, cheo leo giữa dòng nước.

Người dân xót xa khi lúa nảy mầm, vật nuôi chết vì lũ

Sau những ngày hứng chịu cơn “đại hồng thủy”, hàng trăm tấn lúa của người dân vùng tâm lũ Hà Tĩnh do ngâm nước trong nhiều ngày dẫn đến mọc mầm, hoặc đổi màu bốc mùi hôi thối. Gia súc, gia cầm không kịp sơ tán cũng chết rất nhiều.

Lúa mọc mầm, nguy cơ nhiều người dân thiếu gạo trong thời gian tới

Hàng trăm bao tải đựng lúa của người dân hư hỏng sau lũ

Người dân tranh thủ phơi lúa đã lên mầm tại xóm Tân Hòa, xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà)

Người dân thu dọn thóc sau khi phơi

Trâu, bò do nước lũ lên nhanh không kịp sơ tán

'Con trâu là đầu cơ nghiệp' nay đã chết do dòng nước lũ

Tiểu thương chợ Hà Tĩnh ôm nhau khóc ròng sau khi lũ đi qua

Theo ông Nguyễn Thăng Long, Trưởng BQL chợ Hà Tĩnh chia sẻ, chợ tỉnh có tổng 2.200 ki-ốt, có đến 1.800 ki-ốt bị thiệt hại nặng. Nhất là các ki-ốt phía ngoài đình chính buôn bán hàng khô, nước ngập hơn 1m, gần như mất trắng. Còn các ki-ốt phía trong đình chính cao hơn, nước lũ ngập 30 - 40cm. Tuy nhiên, hàng hóa trong đình chính chủ yếu là hàng da, giày dép, túi xách, quần áo... đắt tiền hơn phía ngoài đình nên cũng thiệt hại rất nặng, ước tính hàng chục tỷ đồng.

Chăn, ga, màn... bị ngâm nước chất đống

Hàng trăm đôi giày hư hỏng do bị ngâm nước nhiều ngày

Thuốc bắc và đồ khô hư hỏng phải đổ bỏ

Các ki-ốt vàng mã bị thiệt hại nặng nề

Hàng hóa hư hỏng trở thành rác, chất cao như núi tại chợ Hà Tĩnh

Rác thải tràn ngập phía ngoài chợ Hà Tĩnh

"Trước khi lũ lên, bà con tiểu thương cũng đã dọn hàng hóa, kê lên cao hết rồi. Không ai nghĩ mức nước lên cao đến thế. Đến lúc xả lũ nước dâng nhanh, không thể dọn được nữa. Bây giờ, chúng tôi đang tiến hành thu dọn rác, hàng hóa, vệ sinh chợ để bà con quay trở lại buôn bán", ông Long nói.

Khẩn trương dọn dẹp để học sinh sớm trở lại trường sau mưa lũ

Đợt mưa lũ vừa qua, toàn tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 150 trường học bị ngập trong lũ thuộc các địa bàn dọc hạ lưu hồ Kẻ Gỗ như Thạch Hà, Cẩm Xuyên, thành phố Hà Tĩnh, Can Lộc. Với tinh thần nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đó, trong chiều 23/10 có hơn 100 điểm trường đang được dọn dẹp vệ sinh để thầy cô, học sinh sớm có thể ổn định học tập. Các cán bộ, chiến sĩ và giáo viên tại các trường bị ảnh hưởng đã cùng nhau phối hợp để đẩy nhanh tiến độ khắc phục.

Sách vở học sinh bị ngâm nước được phơi nắng

Thầy cô tranh thủ phơi những sách vở còn sử dụng được

 

Số lượng lớn sách vở bị ướt

Một số sách vở ướt nước không thể sử dụng được trở thành rác thải

Cán bộ, chiến sĩ và giáo viên tại các trường bị ảnh hưởng đã cùng nhau dọn dẹp

Sau trận lũ lịch sử, đến nay tỉnh Hà Tĩnh thiệt hại rất lớn, cần có sự trợ giúp của Trung ương, các bộ, ngành, đồng bào cả nước, các tổ chức quốc tế, cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ và toàn thể nhân dân Hà Tĩnh mới có thể khắc phục được trong thời gian dài.

Các lực lượng vũ trang đã huy động hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ, hơn 4.000 dân quân tự vệ và hàng trăm tàu, xuồng, phương tiện các loại xuống giúp sơ tán, cứu hộ, cứu trợ nhân dân vùng lũ.

Tỉnh Hà Tĩnh đã huy động 16.068 thùng mì tôm, 20.343 két nước uống, 20 tấn gạo, 600 thùng lương khô cho nhân dân; 500 rọ thép, 3.000 bao tải và 5.000m2 vải lọc để xử lý sự cố công trình kè Cẩm Nhượng; 8 tấn Poly aluminium chloride; 500kg Cloramine B để xử lý nước sạch.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phân bổ 11 tỉ đồng cho các địa phương khắc phục mưa lũ. Các loại thuốc chữa bệnh, tiêu độc khử trùng, xử lý nước uống được cung cấp kịp thời cho nhân dân.

Các Bệnh viện, Trung tâm Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật đều bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế...Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn hiện nay đã xử lý được 1.800 giếng/6.000 giếng cho các hộ dân bị ngập lụt.

Các tuyến đến thời điểm hiện tại giao thông thông suốt an toàn. Khối lượng thiệt hại tiếp tục được kiểm tra, thống kê trên tuyến.

Để sớm ổn định cuộc sống của người dân, Hà Tĩnh tiếp tục triển khai các biện pháp ứng cứu và khắc phục hậu quả mưa, lũ; thăm hỏi động viên các gia đình bị thiệt hại, tổ chức mai táng chu đáo những người chết; cứu trợ kịp thời lương thực, thực phẩm, nước sạch sinh hoạt, nhu yếu phẩm, không để người dân bị đói, rét; xử lý vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo cho nhân dân trú ngụ an toàn nơi sơ tán khi bão số 8 đổ bộ vào.

Phương Nam

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến