Dòng sự kiện:
Hà Tĩnh: Thủy sản khan hiếm, ngư dân chẳng buồn ra khơi
01/04/2018 09:42:07
Mỗi chuyến đi chỉ thu về vài kg cá hoặc mực, nhiều ngư dân trú tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh không còn mặn mà việc ra khơi vì chẳng thể bù nổi tiền dầu máy.

Vào những ngày cuối tháng Ba, chúng tôi về tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Tại gò (nơi các tàu, thuyền neo đậu để bán cá) thuộc thôn Hải Nam, xã Cẩm Nhượng, nhiều chủ tàu lắc đầu ngán ngẩm khi được hỏi về sản lượng thủy sản đánh bắt từ sau tết Nguyên đán Mậu Tuất đến nay.

Ông Nguyễn Văn Lợi (SN 1964), trú thôn Hải Nam cho biết, thuyền của ông có công suất 24CV. Thời điểm trước đây, mỗi chuyến ra khởi, ông thu về khoảng hơn 1 tạ bao gồm cả cá và mực. Thế nhưng, 1 tháng nay, mỗi chuyến thuyền ông ra khơi dài thì 5 – 7 ngày, ngắn khoảng vài ngày cũng chỉ thu về được vài kg cá hoặc mực, bán ra được mấy trăm nghìn đồng. Trong khi, chi phí dầu máy 1 ngày trên biển hết khoảng 500.000 đồng, nếu đi 1 tuần liền mất khoảng 4 triệu đồng; tính cả ăn uống, trả công lao động ngót nghét hết khoảng 7 đến 8 triệu đồng. Bởi vậy, từ lúc biển “hiếm” cá, mực, ngư dân đi chuyến nào về lỗ chuyến đó.

Ông Lợi (áo trắng) cho hay, vì thu không đủ chi nên lâu nay ông chẳng buồn ra khơi.

“Thuyền tôi ra khơi 2 ngày rồi mà giờ về chỉ được 2kg mực. Tính ra, cũng chưa đủ tiền dấu máy chứ đừng nói đến tiền trả cho lao động. So với năm ngoái, nếu vào thời gian này, mỗi lần ra biển, thuyền của tôi đánh bắt được khoảng từ 8 yến đến 1 tạ mực, thu về từ 12 đến 15 triệu đồng. Là người có kinh nghiệm đi biển lâu năm, chúng tôi cũng không hiểu lý do gì nhưng từ sau Tết Nguyên đán đến nay, vùng biển xã Cẩm Nhượng khoảng từ 20 hải lý trở vào đều không có mực. Nếu có mỗi chuyến ra khơi, thuyền nào được nhiều cũng chỉ vài ba kg, cá cũng rất ít. Trong khi, khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 7 này, đáng ra mực sẽ rất nhiều”.

Cầm trên tay mớ cá ít ỏi vừa mới đánh bắt được sau chuyến ra khơi, ông Nguyễn Văn Thắng (SN 1965) thôn Xuân Bắc lắc đầu ngán ngẩm: “Thuyền tôi đi từ 2h ngày hôm qua đến 11h hôm nay mới về, vậy mà chỉ đánh được mỗi mớ cá nhỏ này, chắc cũng bán được khoảng vài trăm nghìn chẳng đủ bù tiền dầu”.

Sau 1 ngày làm cật lực trên biển, ông Thắng chỉ thu về được mớ cá với giá trị khoảng vài trăm ngàn đồng.

Nhận định về nguyên nhân biển “mất mùa”, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Cẩm Nhượng cho biết, ông và rất nhiều ngư dân là người đã có kinh nghiệm đi biển hơn 30 năm đều không lý giải được vì sao thủy sản trên vùng biển Cẩm Nhượng thời gian gần đây lại khan hiếm đến như vậy.

“Trước đây, ngày nào thuyền của chúng tôi ra khơi trong khoảng phạm vi từ 3 - 20 hải lý đều đánh bắt được rất nhiều thủy sản. Còn bây giờ, hầu như mỗi chuyến đi biển, ngư dân chẳng đánh bắt được là bao. Nếu so với trước đây, vùng lộng đến gần bờ, lượng thủy - hải sản ước tính cạn kiệt khoảng từ 70 – 80%. Toàn xã Cẩm Nhượng có khoảng 200 thuyền công suất từ 20 - 50CV. Việc khan thủy hải sản đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của ngư dân. Chúng tôi lo lắng và cũng không biết nguyên nhân nào khiến vùng biển này càng ngày cá, mực càng "biến mất” như vậy”, ông Tịnh chia sẻ.

Liên quan nội dung trên, trao đổi với PV, ông Nguyễn Sỹ Huyền, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cũng cho biết, thời gian qua, ngư dân địa phương đánh bắt được rất ít thủy - hải sản so với những thời điểm trước đây. Cũng theo ông Huyền, thời gian qua, tình trạng ngư dân dùng xung kích điện, thậm chí là máy xung điện để đánh bắt cá cũng là một trong những nguyên nhân làm suy giảm nghiêm trọng nguồn thủy sản ven bờ.

Cụ thể, theo ông Huyền, hiện, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên có khoảng 40 tàu cá sử dụng xung kích điện cao áp, trong đó, Cẩm Nhượng và Cẩm Lĩnh khoảng 30 tàu, Cẩm Lộc khoảng 10 tàu, chưa kể một số tàu, thuyền của các tỉnh khác đánh bắt trong khu vực nảy.

Gò, nơi các tàu thuyền neo đậu, bán trực tiếp thủy sản khi vừa cập bến, giờ đây trông đìu hiu, ảm đạm.

Trước tình trạng báo động, chính quyền xã đã có văn bản báo cáo, đề xuất gửi Công an, UBND huyện Cẩm Xuyên, đồn Biên phòng Thiên Cầm có kế hoạch phối hợp và phương án quán triệt, tuyên truyền ngư dân, đảm bảo ANTT trên biển, bảo vệ nguồn thủy sản và môi trường biển trên địa bàn. Tuy nhiên, theo Thượng tá Trương Văn Bồn, Chính trị viên đồn Biên phòng Thiên Cầm, việc xử phạt những tàu cá sử dụng phương pháp đánh bắt trái quy định gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là tuyên truyền để cho người dân hiểu, không tái phạm. Do đặc thù hoạt động diễn ra trên biển, việc bắt quả tang hành vi vi phạm, thu giữ tang vật là rất khó, trong khi phương tiện được trang bị để di chuyển, phục vụ cho công tác tuần tra, kiểm soát còn rất hạn chế.

Trước đó, vào khoảng 3h ngày 21/2, ngư dân Nguyễn Văn C. (49 tuổi), trú thôn Phúc Hải, xã Cẩm Nhượng cùng một nhóm người khác theo thuyền tre ra biển đánh bắt cá sau. Tại đây, ông C. dùng mìn để đánh cá đã không may bị nổ trúng người dẫn đến tử vong.

NĐT

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến