Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 6/3, với 339 phiếu thuận và 85 phiếu chống, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua một gói gồm 6 dự luật chi tiêu, trị giá 460 tỷ USD, nhằm ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa một phần từ cuối tuần này.
Động thái trên được đánh giá là giúp mở đường cho một giải pháp nhằm chấm dứt tranh cãi kéo dài về ngân sách liên bang.
Dù Mỹ đã bắt đầu năm tài chính 2024 được hơn 5 tháng (từ ngày 1/10/2023), song Quốc hội nước này vẫn chưa phê duyệt 12 dự luật chi tiêu hằng năm của ngân sách liên bang, khiến một số cơ quan chính phủ phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa từ ngày 9/3 tới.
Cuộc bỏ phiếu về gói dự luật chi tiêu đầu tiên dành cho các bộ gồm: nông nghiệp, tư pháp, nội vụ, giao thông, nhà ở, cựu chiến binh, thương mại và năng lượng, được Hạ viện Mỹ tiến hành sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng giữa hai đảng, giúp nước này tiến gần hơn đến việc duy trì nguồn tài trợ cho chính phủ đến cuối tài khóa hiện nay (kết thúc vào ngày 30/9 tới).
Hạ viện Mỹ đã nhất trí bổ sung 1 tỷ USD cho chương trình dinh dưỡng liên bang dành cho các bà mẹ có thu nhập thấp và con của họ - ưu tiên tài trợ chính của đảng Dân chủ, đồng thời tăng hỗ trợ tiền thuê nhà và tăng chi tiêu cho cựu chiến binh.
Tuy nhiên, ngân sách dành cho các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật vốn thường xuyên nằm trong “tầm ngắm” của đảng Cộng hòa, trong đó có Cục Điều tra liên bang (FBI), Cơ quan Bảo vệ môi trường và Cục Quản lý rượu bia, thuốc lá, súng và chất nổ, bị cắt giảm từ 6-10%.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra 1 ngày trước khi Tổng thống Joe Biden dự kiến đọc Thông điệp Liên bang hằng năm - bài phát biểu được cho mang tính quyết định sự nghiệp khi ông Biden tranh cử nhiệm kỳ thứ hai trước đối thủ của đảng Cộng hòa là cựu Tổng thống Donald Trump.
Theo giới phân tích, nhiều khả năng, ông Biden sẽ tận dụng bài phát biểu ngày 7/3 tại phiên họp chung của Quốc hội để ca ngợi những thành tựu "lịch sử" trong nhiệm kỳ đầu của mình và thúc đẩy các nhà lập pháp thông qua việc viện trợ cho Ukraine vốn đang bị đình trệ và dự luật cải cách biên giới.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đã phản đối gói hỗ trợ này, trong đó dành 60 tỷ USD cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh trước mắt cần có thêm hành động chống lại việc vượt biên bất hợp pháp.
Sau khi được Hạ viện thông qua, gói dự luật chi tiêu này vẫn cần được Thượng viện phê chuẩn trước khi Tổng thống Biden có thể ký ban hành thành luật và ngăn chặn việc chính phủ phải đóng cửa một phần.
Trước đó, ngày 1/3, Tổng thống Biden đã ký phê chuẩn dự luật chi tiêu ngắn hạn nhằm tránh nguy cơ đóng cửa một phần chính phủ.
Dự luật chi tiêu tạm thời sẽ cấp ngân sách cho một số cơ quan liên bang hoạt động tới ngày 8/3 và một nhóm bộ ngành khác tới ngày 22/3, thay vì thời hạn chót 1/3 và 8/3, để Quốc hội có thêm thời gian hoàn tất và thông qua dự luật ngân sách cả năm.
Hiện các nghị sỹ lưỡng đảng vẫn đang đàm phán về gói thứ 2 gồm 6 dự luật chi tiêu còn lại, trong đó có quốc phòng, nhằm đảm bảo tất cả các cơ quan liên bang đều được cấp ngân sách đầy đủ trước thời hạn chót vào ngày 22/3. Tổng số tiền Quốc hội dự kiến chi tiêu trong tài khóa hiện nay là khoảng 1.660 tỷ USD./.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy