Khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền: “Đất vàng” hoang hóa, nông dân lao đao
19/06/2015 10:25:52
ANTT.VN – “Bảy năm qua và hiện nay, đời sống của chúng tôi rất khó khăn bởi vì không còn đất canh tác, không còn lương thực ăn chúng tôi lâm vào cảnh “gạo chợ nước sông”. Con em chúng tôi đến tuổi lao động không có việc làm, một số đã đi vào con đường tệ nạn xã hội, một số không có việc làm ổn định vẫn lang thang nay đây mai đó” – trích Đơn kêu cứu khẩn cấp của 91 nông hộ bị cưỡng chế thu hồi đất tại dự án KCN Cẩm Điền – Lương Điền.

Tin liên quan

Như An ninh Tiền tệ & Truyền thông đã đề cập, ngày 13/6/2008 Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Phan Nhật Bình đã ra Quyết định số 2078/QĐ – UBND, thu hồi 1.751.422 m2 đất do các hộ gia đình và UBND các xã: Lương Điền (1.050.755m2), Cẩm Điền (700.667m2) đang quản lý, sử dụng, tạm giao cho Công ty cổ phần Phúc Hưng – Đài Loan (Giấy chứng nhận đầu tư số: 042032000099 do Ban Quản lý các khu công nghiệp cấp ngày 29/5/2008) để kiểm kê, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền, huyện Cẩm Giàng.

Tuy nhiên, tính đến nay, tức là ngót 7 năm ròng sau quyết định thu hồi trên, khu công nghiệp đâu chả thấy, mà chỉ thấy rằng trong cơn mơ (cơn mê?) công nghiệp, hàng trăm hecta “bờ xôi ruộng mật” năm nào bỗng “hóa kiếp” hoang tàn, sậm cỏ.

KCN Cẩm Điền - Lương Điền 7 năm bỏ hoang chỉ toàn cỏ dại

Những người “nông dân không ruộng”

Tiếp xúc với phóng viên, ông Vũ Xuân Phương (sinh năm 1946), thương binh chống Mỹ loại 1/4, đại diện cho 91 hộ dân không tán thành phương án thu hồi đất của UBND tỉnh Hải Dương tại thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền cho biết: “91 hộ chúng tôi thì trong đó có tới 36 hộ gia đình chính sách. Theo Quyết định, chúng tôi bị thu hồi mất 98.012 m2, tức là bằng 97% diện tích đất canh tác, trong đó có tới 1.080 m2 đất hương hỏa, đất thờ cúng liệt sỹ”.

Ông Vũ Xuân Phương là thương binh hạng 1/4 đứng đầu đơn đại diện cho 91 hộ dân thôn Hoàng Xá

Theo nhẩm tính của người cựu binh đã lòa cả 2 mắt này, tính trong 7 năm qua, kể từ thời điểm đất bị thu hồi, cũng tức là 14 vụ (không tính vụ đông), thì chỉ tính riêng 91 nông hộ nơi đây, ước lượng thiệt hại kinh tế quy ra thóc đã là cỡ 500 tấn, tính theo giá thị trường khoảng 4 tỷ đồng.

Điều đáng nói ở chỗ, trong khi những “người nông dân không ruộng” rơi vào cảnh “gạo chợ nước sông” thì hàng trăm hecta đồng ruộng màu mỡ bị thu hồi làm Khu công nghiệp lại bị bỏ hoang lãng phí và rơi vào cảnh “chết lâm sàng”.

“Nhà tôi có 6 người, tất cả đều là khẩu nông nghiệp, thằng con tôi lại bị thần kinh, chẳng làm ăn gì được. Giờ cả sáu miệng ăn đều trông vào đứa con dâu mới được nhận vào làm ở chỗ KCN Phúc Điền, mà cũng phải xin xỏ mãi họ mới chịu nhận cho. Nhà họ con cái khôn ngoan đi lao động nước ngoài thì không sao chứ như nhà tôi khổ lắm”, bà Nguyễn Thị Sen (73 tuổi), trú ở Đội 8, Thôn Hoàng Xá vừa cõng cháu, cám cảnh kể với phóng viên.

Hoàn cảnh gia đình bà Sen rất khó khăn

Khảo sát người dân thôn Hoàng Xá, được biết tại địa phương rất phát triển phong trào đi nước ngoài xuất khẩu lao động. Hầu như nhà nào cũng có người thân, con cái đang lao động ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Âu hay Đài Loan nên so sánh với các vùng quê Đồng Bằng Bắc Bộ khác, nhà cửa ở Hoàng Xá cũng khá khang trang, bề thế. Do đó, cuộc sống của đa phần những “người nông dân không ruộng” nơi đây cũng chưa đến mức quá đỗi túng quẫn trước cảnh không nơi canh tác, trong khi lời hứa “tạo công ăn việc làm” cũng bị bay dài theo gió suốt 7 năm trường “nằm chết” của KCN Cẩm Điền – Lương Điền.

Nguồn tiền duy nhất nuôi sống cả gia đình bà Sen dựa vào cô con dâu làm việc trong khu công nghiệp 

Quyết không nhận tiền đền bù đất

Theo chia sẻ của những người dân Hoàng Xá, năm 2008, khi UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ cho dự án KCN Cẩm Điền - Lương Điền thì đại đa số bà con đều phản đối. Thậm chí, để giữ đất, giữ ruộng, những người nông dân còn mắc võng, dựng lều tại khu vực nằm trong diện mục thu hồi, chia tổ túc trực ngày đêm.

Cũng theo họ, ngày 10/11/2008, UBND tỉnh Hải Dương đã huy động một lực lượng lớn bộ phận công vụ (khoảng 500 người) được trang bị đầy đủ vũ khí, xe cộ phương tiện bao vây, phong tỏa, trấn áp để giải phóng mặt bằng.

Hỏi người dân lý do tại lại phản đối khi phát triển Khu công nghiệp (đúng nghĩa) một cách hợp lý là một chủ trương rất đúng và đáng được hoan nghênh, ông Quỳ, một người dân địa phương khá am tường chính sách cho hay: “Vì cách làm của họ không đúng, trái Luật đất đai, trái Nghị định 84. Cụ thể là không công khai, mất dân chủ, vi phạm về trình tự thủ tục thu hồi đất”.

Ông Quỳ cho rằng người dân chưa tán thành mức bồi thường vì cách làm của chính quyền không đúng, trái Luật đất đai, trái Nghị định 84, cụ thể là không công khai, mất dân chủ, vi phạm về trình tự thủ tục thu hồi đất”

“Dân chúng tôi không được biết, không được bàn về quy hoạch, kế hoạch xây dựng KCN Cẩm Điền – Lương Điền, không được góp ý, không được cử người tham gia vào Hội đồng giải phóng mặt bằng”, bà Lê Thị Hiệu (83 tuổi), người nhiều năm cùng ông Vũ Xuân Phương đại diện 91 hộ dân đem “Đơn kêu cứu” gõ cửa các cấp bổ sung thêm.

Theo tìm hiểu của phóng viên thì lý do lớn nhất khiến người dân phản đối gay gắt dự án là vì giá đền bù quá thấp và thiếu minh bạch.

“Gặp dân tại đình làng Mao, họ cho ông Chủ tịch xã lên thông báo về chủ trương thu hồi đất với phương án đền bù là 16,2 triệu đồng/sào. Thấy giá thấp quá, dân đề nghị xã kiến nghị lên trên nâng lên cho hợp lý để bà con đỡ thiệt. Nhưng Chủ tịch xã lại công bố đấy là chủ trương của Chính phủ “không thêm được 1 xu”, dân không đồng ý và nổi lên đấu tranh”, ông Quỳ nhớ lại.

Tiếp đó, trước sự phản ứng dữ dội của người dân, khoảng 2 tháng sau, chính quyền lại công bố là ngoài 16,2 triệu đồng, mỗi sào còn được hỗ trợ thêm 7,2 triệu đồng nữa.

“7,2 triệu đồng này lấy từ nguồn nào, sao ban đầu bảo là chủ trương của Chính phủ “không thêm được một xu”” – những người dân đặt câu hỏi, họ nghi ngờ về các con số công bố và mất niềm tin.

Do đó, suốt 7 năm dài, 91 nông hộ Hoàng Xá vẫn miệt mài đấu tranh và quyết không chấp nhận mức tiền đền bù mà họ nhìn nhận là “quá thấp” và “nhập nhèm” kia.

Vì quá bức xúc người dân thôn Hoàng Xá đã gửi đơn lên Văn phòng Chính phủ và đã có phúc đáp đề nghị UBND tỉnh Hải Dương xem xét giải quyết nhưng đến nay tỉnh Hải Dương vẫn chưa có phản hồi

“Chúng tôi đã gửi đơn lên cả Trung ương và hôm rồi cũng vừa mới nhận được công văn của phúc đáp của Văn phòng Chính phủ cho biết Chính phủ đã nhận được đơn thư của chúng tôi và cho biết sự việc 91 hộ dân thôn Hoàng Xá chưa được nhận tiền đề bù và chính sách hỗ trợ của người bị thu hồi đất, trách nhiệm này thuộc UBND tỉnh Hải Dương phải trực tiếp giải quyết và phải thông báo cho Văn phòng Chính phủ biết kết quả. Nhưng đến nay Tỉnh vẫn chưa xem xét giải quyết”, tuy thị lực gần như mất hẳn nhưng bằng thói quen, ông Phương vẫn dò dẫm ngăn tủ tìm ra văn bản trên để phóng viên được “mục sở thị”.

(Còn nữa)

Ninh Giang – Thiên Di 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến