Dòng sự kiện:
Hầm Hải Vân 2 được vận hành 20 ngày rồi đóng cửa vì thiếu tiền
11/01/2021 13:57:46
Sau khi khánh thành, chủ đầu tư chỉ cho xe cộ lưu thông qua hầm Hải Vân 2 khoảng 20 ngày rồi đóng cửa do thiếu tiền vận hành.

Ngày 11/1, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo Bộ GTVT, chủ đầu tư đã cắt băng khánh thành dự án hầm đường bộ Hải Vân 2.

Hầm đường bộ này do Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư. Dự án có chiều dài phần hầm 6,2 km (2 làn xe rộng 7 m), đường dẫn phía bắc dài 1,7 km và đường dẫn phía nam là 4 km.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành tham dự lễ khánh thành hầm Hải Vân 2. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Hầm Hải Vân 2 được khởi công hồi tháng 4/2016, chia ra 2 giai đoạn. Giai đoạn một là nâng cấp đoạn tuyến quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân và nâng cấp, sửa chữa hầm Hải Vân 1 (hoàn thành vào tháng 8/2017).

Giai đoạn 2, chủ đầu tư cho mở rộng ống hầm Hải Vân 2 (trên cơ sở hầm lánh nạn cũ) và đến tháng 9/2020 kết thúc thi công, vượt tiến độ 3 tháng.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh đèo Hải Vân là cung đường quan trọng trên tuyến quốc lộ 1. Trước đây, cung đường đèo là điểm đen tai nạn và ùn tắc giao thông.

Sau khi hầm Hải Vân 1 do Nhật Bản tài trợ được hoàn thành vào năm 2005, điều kiện giao thông trên tuyến đường được cải thiện cơ bản, rút ngắn hành trình trên tuyến xuyên Việt.

 

Sau 20 ngày vận hành, hầm Hải Vân 2 sẽ đóng cửa. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Tuy nhiên, phương tiện tăng trưởng rất nhanh đã dẫn tới quá tải, việc xây dựng hầm Hải Vân 2 là nhu cầu cấp thiết. Công trình hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, đánh dấu sự vươn lên làm chủ công nghệ phức tạp nhất trong thi công cầu đường.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, cho biết trong quá trình xây dựng, nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính do khối lượng vốn cần thực hiện cho dự án rất lớn dẫn đến bị động và gián đoạn.

Đến nay, tổng thể dự án vẫn tồn tại những vướng mắc kéo dài cần được giải quyết để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư khi dự án đã được đưa vào khai thác, sử dụng.

Đó là phần vốn ngân sách Nhà nước cam kết đóng góp vẫn còn 1.180 tỷ đồng chưa được giải ngân; tình trạng tranh chấp trạm thu phí phía bắc Hải Vân đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư ước tính 486 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh cơ chế thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án so với hợp đồng đã ký đến nay vẫn chưa được cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm, gây thiệt hại cho nhà đầu tư hơn 186 tỷ đồng.

Phía nam hầm Hải Vân. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Thời gian tới, việc đưa dự án vào khai thác, vận hành phát sinh rất nhiều chi phí (tiền điện, nước, nhân công, bảo trì, bảo dưỡng…) trong khi các vướng mắc về tài chính chưa được giải quyết.

Vì vậy, Tập đoàn Đèo Cả chỉ vận hành cho các phương tiện lưu thông qua 2 ống hầm trong 20 ngày, từ ngày 1/2 đến hết ngày 21/2 (từ 20 tháng Chạp năm Canh Tý đến mùng 10 tháng Giêng năm Tân Sửu).

"Sau thời gian trên, hầm Hải Vân 2 sẽ tạm dừng vận hành (hầm Hải Vân 1 vẫn hoạt động bình thường) để chờ cơ quan chức năng giải quyết các kiến nghị mà nhà đầu tư đã báo cáo nhiều lần", ông Hoàng nói.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả thừa nhận việc đóng hầm Hải Vân 2 sau Tết sẽ ảnh hưởng người dân, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Ông Hoàng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan xem xét, chỉ đạo để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc của dự án.

Tác giả: Đoàn Nguyên

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến