Công ty liên doanh chè Phú Đa đóng tại thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ). Vốn pháp định của công ty là 15.100.000 USD, trong đó phía Việt Nam góp 45%, phía Iraq góp 55%. Công ty hoạt động từ năm 1999 theo giấy phép số 2106/GP của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp, thời gian hoạt động là 50 năm.
Trụ sở công ty chè Phú Đa tại huyện Thanh Sơn (Phú Thọ)
Nhiệm vụ chính của công ty là trồng và chế biến chè đen xuất khẩu. Hiện tại công ty có 3 xí nghiệp thành viên và 3 nhà máy sản xuất với công suất chế biến 200 tấn chè búp tươi/ngày. Nằm trên vùng nguyên liệu dồi dào, công ty sở hữu 1.500ha vườn chè với nhiều giống chè chất lượng tốt và năng suất cao. Sản lượng sản xuất của công ty khoảng trên 5.000 tấn chè đen thành phẩm 1 năm.
Công ty chè Phú Đa được đánh giá là một trong những công ty sản xuất chè đen lớn nhất Việt Nam. Có thể nói với những điều kiện trên thì đây là một môi trường giúp thoát nghèo cho những người dân địa phương nhưng thực tế có phải như vậy?
Công nhân “tố” bị ký sai hợp đồng và thiếu bảo hiểm?
Theo phản ánh những công nhân, người lao động đã và đang làm việc tại Công ty chè Phú Đa, họ cho rằng có nhiều nghi vấn vi phạm về quy định nhà nước ảnh hưởng đến chế độ và cuộc sống của người lao động.
Cụ thể, công ty không ký kết hợp đồng với những công nhân đã ký hợp đồng nhiều năm (trên 3 tháng). Những lao động này không được tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) và các bảo hiểm khác theo quy định. Chỉ có hợp đồng giao khoán vườn nội bộ, không có bản sao cho người dân giữ. Trường hợp khác, công ty không hỗ trợ đóng BHXH, BHYT, BHTN,…theo đúng quy định. Người lao động phải đóng 100% các loại bảo hiểm (công ty cho rằng đã hỗ trợ vào giá thu mua chè để người lao động tự đóng bảo hiểm).
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Mạnh Thắng (SN 1980), công nhân đội 4 – Xí nghiệp chè Thanh Niên thuộc Công ty chè Phú Đa đã có gần 10 năm làm việc tại Công ty chè Phú Đa cho biết, mặc dù đã nhiều lần đề xuất xin hỗ trợ bảo hiểm nhưng đều bị từ chối với lý do là hợp đồng giao khoán. Vì để đảm bảo an toàn sức khỏe nên anh phải tự đóng bảo hiểm 100% cho bản thân.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, anh Bùi Văn Lượng (SN 1980), công nhân đội 4 – Xí nghiệp chè Thanh Niên chia sẻ, tại Phú Đa hiện tại còn rất nhiều công nhân làm việc lâu năm đều gặp tình trạng nêu trên.
“Không hiểu sao sau nhiều năm làm việc, lãnh đạo công ty vẫn ký hợp đồng. Giá chè thu mua của công ty luôn thấp hơn giá thị trường, trong khi các sản phẩm còn bị trừ khối lượng vô lý và đánh tụt chất lượng… dẫn đến giá thành thấp và rõ ràng không hỗ trợ để người lao động tự đóng bảo hiểm”, anh Lượng nói.
Trong đơn phản ánh của các công nhân, rất nhiều người lao động là người dân tộc thiểu số, nhà nước có chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho đối tượng này. Tuy nhiên việc hỗ trợ rất mập mờ không minh bạch.
Theo đó, đại diện những người lao động này đã kèm theo bản danh sách có ghi thông tin của 30 công nhân đang hoạt động tại Công ty chè Phú Đa đến Sở LĐTB&XH tỉnh Phú Thọ, Phòng LĐTB&XH huyện Thanh Sơn.
Hàng chục công nhân phản ánh về việc thiếu bảo hiểm
Ký sai dạng hợp đồng để "né" đóng bảo hiểm?
Ông Hoàng Minh Tráng, Trưởng phòng Nhân Sự - Hành Chính Công ty chè Phú Đa cho rằng, hiện nay công ty đang áp dụng với công nhân nơi đây 3 loại hợp đồng làm việc: hợp đồng giao khoán, hợp đồng thời vụ và hợp đồng lao động.
Theo ông Tráng, hợp đồng lao động dành cho những đối tượng trong độ tuổi lao động, được đóng BHXH. Bên cạnh đó là hợp đồng giao khoán là cho những người đã quá số tuổi lao động, nghỉ hưu nhưng vì vẫn còn những đồi chè được giao khoán ăn theo sản phẩm, loại hợp đồng này không được nhận chế độ bảo hiểm.
Hiện nay, tại Công ty chè Phú Đa có 1.407 người được đóng BH và gần 1.000 người đang ở dạng hợp đồng giao khoán chưa được đóng bảo hiểm.
Lý giải vì sao còn rất nhiều người đang làm việc dưới chế độ hợp đồng giao khoán, ông Tráng cho biết: "Đây là chính sách từ trước đó nên công ty hiện không có thay đổi, hầu hết là những người đã quá số tuổi lao động quy định. Còn những người phản ánh hiện tôi cũng không biết có phải người công ty không. Tất cả chủ trương hỗ trợ tiền BHYT của công ty sẽ được cộng vào tiền chè”, ông Tráng nói.
Vị này cũng khẳng định, Công ty chè Phú Đa sau khi tiếp nhận sự việc từ báo chí sẽ xác minh lại toàn bộ những thông tin về các đối tượng công nhân này có đúng như phản ánh hay không và sẽ có những phản hồi rõ ràng lại về các chế độ cũng như bảo hiểm cho người lao động.
Hải Đăng - Xuân Tùng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy