Dòng sự kiện:
Hàng tấn vàng mã được đốt mỗi năm nên được dùng để làm gì?
28/02/2018 07:36:27
Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng, hàng tấn vàng mã được đốt mỗi năm nên được sử dụng vào mục đích từ thiện, cứu giúp những người nghèo khổ trong xã hội. Việc làm này vừa nhân văn, vừa tránh lãng phí.

Mới đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề nghị bỏ hủ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, vấn đề này đã nhận được sự hưởng ứng, đồng tình cao của dư luận xã hội.

Chúng tôi đã có buổi phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Điệp, chuyên gia lịch pháp phương Đông, nhà nghiên cứu phong phủy để tìm hiểu vấn đề.

Thưa tiến sỹ Hoàng Điệp, xin ông cho biết tục đốt vàng mã xuất hiện ở Việt Nam từ khi nào? Vì sao chúng ta lại duy trì và thịnh hành tập tục này như ngày nay?

Theo các nhà nghiên cứu Phật giáo, tục đốt vàng mã không phải là quan niệm của đạo Phật, nó có nguồn gốc từ Trung Hoa. Kinh dịch Nho giáo cho biết, thời thượng cổ người chết cứ để vậy đem chôn, không biết đến phần mộ, quan quách. Trải qua thời gian, người ta nghĩ đến việc biến chế vàng bạc, áo quần… bằng giấy thay cho đồ thật để đốt đi sau khi có người chết.

 

Ảnh minh họa.

Lúc đầu, việc sử dụng vàng mã chỉ áp dụng trong cung đình, chưa được phổ biến rộng rãi trong đại chúng. Sau đó, theo thời gian, việc này được nhân rộng và phổ biến đến ngày nay.

Tục đốt vàng mã đã ăn sâu trong tiềm thức mọi tầng lớp nhân dân ta từ đời này sang đời khác với ý niệm, nó sẽ mang lại tài lộc cho người đã mất (trần sao âm vậy), từ đó người mất phù hộ độ trì cho những người còn sống làm ăn phát đạt, thăng quan tiến chức…

Đó là lối suy nghĩ thông thường của nhiều người, tuy nhiên, với kinh giáo phật pháp, việc đốt vàng mã không hề cần thiết. Mỗi chúng sinh có một thức ăn riêng, một cảnh giới riêng. Người chết rồi không thể lấy đồ vàng mã làm y phục được. Đó là tín ngưỡng dân gian chứ không phải tín ngưỡng Phật giáo.

Như Tiến sỹ phân tích thì việc đốt vàng mã không có ích lợi gì, tại sao lại như vậy?

Không chỉ không mang lại ích lợi gì, việc đốt vàng mã đã gây ra lãng phí rất lớn tiền bạc, nguồn lực của xã hội. Cứ đến mùa lễ hội, ngày lễ trọng là người dân đổ xô đi mua sắm vàng mã để đốt. Từ phong tục đốt vàng mã cúng tổ tiên đơn giản ngày xưa đã biến tướng thành cuộc “chạy đua” phô trương, lãng phí.

Nhiều gia đình khó khăn nhưng cũng không ngại bỏ ra vài trăm đến cả triệu đồng để mua vàng mã cúng gia tiên. Tuy chưa có thống kê chính thức nhưng với hàng trăm ngàn tấn vàng mã được sản xuất thì mỗi năm cả nước đã tốn tốn hàng ngàn tỷ đồng cho việc… đốt vàng mã.

Vậy thưa tiến sỹ, việc người dân đốt vàng mã tràn lan tại các đền, đài, miếu, mạo… như hiện nay có cần phải dừng lại?   

Tục này đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam, nên việc bảo bỏ thì không thể bỏ được. Nhưng chúng ta phải hạn chế, đốt tượng trưng, đốt ít thì được, nhưng đốt với số lượng lớn, vừa lãng phí mà lại không đem đến lợi ích gì.

Đâu có ông bà tổ tiên nào chứng cho việc chúng ta đốt đồ giả là có “hiếu” với họ. Các cụ ngày xưa đâu có biết dùng ô tô, xe máy hiện đại như bây giờ… Ta dùng tiền thật đi mua đồ giả về đốt, làm sao người âm có thể nhận được những thứ đó.

Hàng năm, có đến hàng trăm tấn vàng mã được đốt một cách lãng phí, số tiền đó thay vì bị đốt đi, tại sao chúng ta không sử dụng vào mục đích từ thiện, cứu giúp những người nghèo khổ trong xã hội. Việc làm này vừa nhân văn, vừa tránh lãng phí vào những việc không cần thiết.

Để chiều lòng phật tử cũng như tránh việc cháy lan dễ gây hỏa hoạn, nhiều nhà chùa đã cho xây một nơi dành riêng để đốt vàng mã hình trụ tháp, tách biệt với khu vực chánh điện. Ngày rằm mùng một, nơi đây thường xuyên đỏ lửa. Thế nhưng, để hạn chế việc đốt vàng mã, nhà chùa cũng nên khuyên người dân không thực hiện tập tục này.

Xin cảm ơn và chúc sức khỏe Tiến sỹ!

Xuân Tùng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến