Dòng sự kiện:
Hàng trăm hộ dân mắc kẹt hơn 20 năm trong vùng lõi rừng quốc gia Bến En
03/08/2019 13:30:35
Không có đất sản xuất, cũng không có đất ở, đó là thực trạng của hàng trăm hộ dân đang sống ở các vùng đệm, vùng lõi vườn quốc gia (VQG) Bến En ở huyện Như Xuân (Thanh Hóa).

Năm 1992, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập Vườn quốc gia Bến En tại 2 huyện Như Thanh và Như Xuân (Thanh Hóa). Thời điểm đó, tại huyện Như Xuân, khu vực được quy hoạch vào VQG có hơn 300 hộ dân đang sinh sống thuộc 9 thôn của các xã Hóa Quỳ, Xuân Quỳ, Tân Bình. 

Đa phần, người dân địa phương đều đã an cư lạc nghiệp ở đây đã nhiều đời, nên khi đã nằm trong vùng quy hoạch của dự án VQG, họ không còn đất sản xuất và đất ở cũng không được cấp quyền sử dụng. 

Chính vì vậy, người dân lâm vào tình cảnh mắc kẹt, đi cũng dở, ở không xong vì thiếu đất sản xuất và đất ở. Tình trạng kéo dài hơn 20 năm nay gây khó khăn, bất cập cho địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. 

Gia đình nhà ông Hiêm đã sống ở đây nhiều đời nhưng mảnh đất đang ở vẫn chưa được cấp quyền sử dụng

Ông Lương Văn Hiêm (80 tuổi), trú thôn Thanh Bình, xã Tân Bình cho biết, từ thời cha ông của ông đã gắn bó với mảnh đất trù phú này. Nhưng đến khi trở thành đất VQG thì cuộc sống eo hẹp và khó khăn hơn. 

Theo ông Hiêm, vì gia đình chỉ còn được trồng lúa trên diện tích 2 sào ruộng tự khai thác ở các vùng đầm lầy nên không năm nào đủ ăn cho 7 người. Ruộng thường xuyên mất mùa vì những khi nước sông Mực dâng cao lại nhấn chìm tất cả. Trong khi đó, rừng không được trồng cây để khai thác nên họ cũng mất luôn nghề trồng trọt. 

Còn anh Lương Văn Thiệp (48 tuổi) thì cho biết: "Đất của VQG nên chúng tôi không được có bất cứ hoạt động nào tác động đến, thậm chí dựng cái lều trên đất còn bị kiểm lâm xử phạt, trâu bò cũng không được thả vào rừng. Muốn kinh doanh sản xuất thì cũng không có sổ đỏ để vay vốn ngân hàng. Việc đơn giản nhất là tôi muốn làm nhà ra ở riêng với bố mẹ cũng được. Khó khăn như vậy nên nhiều người cũng đã rời quê đi nơi khác kiếm sống".

Ông Lương Văn Hậu, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Thanh Bình cho hay, thôn nằm trong vùng đệm của VQG Bến En, thiếu đất đai khiến cho người dân khó tìm kế sinh nhai, trong khi họ có truyền thống sống với nghề nông bao đời nay. Bởi vậy, cái nghèo cũng vẫn còn hiện hữu khi có 97 hộ nhưng còn 12 hộ nghèo. 

Ông Hậu bày tỏ mong muốn Chính phủ quan tâm và sớm tạo điều kiện để hợp thức hóa cho người dân được an cư lạc nghiệp trên mảnh đất tổ tiên để lại. 

“Bảo vệ đất VQG là vô cùng quan trọng, nhưng ổn định đời sống của người dân cũng là vấn đề vô cùng bức thiết”, ông Hậu trăn trở. 

Theo ông Lê Hữu Đồng, Chủ tịch UBND xã Tân Bình, toàn xã có 3860ha, trong đó đất VQG là 1899ha. Trong đó, có 3 thôn là Mai Thắng, Thanh Bình, Đức Bình nằm trong vùng lõi VQG, số hộ dân thiếu đất sản xuất và đất ở là 159 hộ.

Ông Đồng cho hay, nhiều năm qua tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho các hộ sống trong vùng lõi VQG cũng đã dẫn đến nhiều bất cập cho chính quyền cấp xã trong quản lí hành chính.

Chủ yếu người dân sống nhờ nông nghiệp nhưng đất đai không được phép sản xuất

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương điều chỉnh giảm diện tích đất rừng đặc dụng và không đưa vào quy hoạch rừng đặc dụng VQG Bến En giai đoạn 2016-2025 tại quyết định số 3230/QĐ-UBND ngày 29/8/2017.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án cắt đất VQG giao lại cho dân vùng lõi VQG tại quyết định ngày 17/3/2017. Theo đó, tổng diện tích đề xuất bàn giao về cho dân là 368ha với tổng số hộ đang ở và sản xuất là 307 hộ. 

Ngày 12/3//2019, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có công văn số 2754/UBND-NN báo cáo Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp. Chờ sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận mới có cơ sở thực hiện các thủ tục để thu hồi một phần diện tích đất của VQG Bến En để giao đất cho người dân sản xuất. 

 Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến