Hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ vẫn thất nghiệp, vì sao ?
21/07/2015 10:30:20
ANTT.VN – Trong số 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp trong 3 tháng đầu năm nay chủ yếu là người mới tốt nghiệp, còn gặp nhiều khó khăn trong việc gia nhập thị trường lao động.

Tin liên quan

Ảnh minh hoạ.

Theo số liệu thống kê về thị trường lao động quý I/2015 của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm đều đang trên đà gia tăng.

Cụ thể, tổng số người thất nghiệp trên cả nước là hơn 1,1 triệu người tăng 114.000 người so với cùng kỳ năm 2014. Số lao động trình độ đại học và sau đại học thất nghiệp tăng từ hơn 162.000 lên gần 178.000 người; lao động tốt nghiệp cao đẳng thất nghiệp tăng từ 79.000 người lên hơn 100.000; lao động không có bằng cấp từ gần 630.000 lên 726.000.

Tính theo trình độ chuyên môn, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nằm ở nhóm có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề, tương ứng là 7,2% và gần 6,9%. Nhóm không có bằng cấp, chứng chỉ có tỷ lệ thấp nhất ở mức 1,97%. Trong đó số lao động thiếu việc làm ở nông thôn cao gần gấp đôi so với khu vực thành thị.

Lý giải về tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội- ông Doãn Mậu Diệp cho biết,  số lao động thất nghiệp ở nhóm có trình độ đại học, sau đại học và cao đẳng nghề chủ yếu là mới tốt nghiệp, gia nhập thị trường lao động một cách khó khăn.

Tuy nhiên, việc Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN cuối năm nay được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho người lao động. Trước mắt, có 8 ngành nghề  trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, bao gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên du lịch.

Diệu Ly (th)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến