Hanoitourist “nhắm” khách sạn Kim Liên: Khi vốn Nhà nước 'lọt sàng xuống nia'
21/12/2015 09:57:51
ANTT.VN – Đứng trên giác độ quản lý vốn nhà nước, việc Hanoitourist muốn đấu giá cổ phần của SCIC tại CTCP Du lịch Kim Liên có phải là một “động tác thừa”?
Tin liên quan

Ngày 22/12 tới đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ tổ chức bán đấu giá cổ phần Nhà nước tại CTCP Du lịch Kim Liên – hiện chiếm 52,4% vốn điều lệ công ty.

Toàn bộ số cổ phần sẽ được đấu giá trọn lô và nhà đầu tư mua lại thành công sẽ chính thức nắm giữ cổ phần chi phối tại công ty này.

Về phía SCIC, có thể hiểu đó chỉ đơn giản là một bước đi “đã có lộ trình” nhằm thực hiện định hướng của Chính phủ là thoái vốn ở những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Nó cũng tương tự chủ trương thoái vốn đầy “ồn ào” của tổng công ty này tại Vinamilk, Bảo Minh, hay FPT… thời gian vừa qua.

CTCP Du lịch Kim Liên trở thành miếng ngon thu hút các nhà đầu tư do sở hữu Khách sạn Kim Liên với diện tích 3,5 ha, có vị trí đắc địa, 2 mặt tiền trên 2 tuyến phố sầm uất là Đào Duy Anh và Phạm Ngọc Thạch. Hiện công ty được thuê khu đất này với thời hạn 50 năm kể từ năm 1993, trả tiền hàng năm.

Với mức giá khởi điểm 30.600 đồng/cổ phần, để mua toàn bộ 3,65 triệu cổ phần Du lịch Kim Liên từ SCIC, nhà đầu tư phải bỏ ra ít nhất 112 tỷ đồng.

Càng về gần những ngày cuối cùng nộp hồ sơ chào mua công khai, những cái tên khá bất ngờ bắt đầu dần lộ diện trong “cuộc đua” sở hữu khách sạn Kim Liên. Từ những cá nhân thuộc thế hệ 9X như bà Đào Thu Hòa (1990) và ông Vũ Thế Cường (1992) sẵn sàng chi ra hơn 100 tỷ đồng để sở hữu khách sạn tại địa điểm vàng của Thủ đô hay những công ty khá kín tiếng trong lĩnh vực bất động sản như CTCP Cơ điện lạnh (REE) cũng bày tỏ tham vọng của mình.

Hanoitourist muốn dùng vốn Nhà nước mua lại toàn bộ cổ phần của SCIC tại khách sạn Kim Liên

Hầu hết các doanh nghiệp đăng ký tham gia đấu giá đều dùng vốn tự có hoặc vốn huy động nhằm đầu tư cho thương vụ này.

Nhưng một điều khá khó hiểu, khi vào ngày 15/12, Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) cũng nộp hồ sơ chào mua số cổ phần củ SCIC, góp phần làm nóng phiên đấu giá sắp tới.

Với số vốn điều lệ lên đến 2.850 tỷ đồng – Hanoitourist hiện đang dẫn đầu danh sách các nhà đầu tư đã lộ diện, đây được coi là lợi thế khá lớn trong cuộc đua đầy cạnh tranh này.

Theo thông báo đăng ký đấu giá, Tổng công ty Du lịch Hà Nội dự định dùng Nguồn vốn của Nhà nước để mua 3.647.433 cổ phần của CTCP Du lịch Kim Liên từ tay SCIC.

Và như vậy, có nghĩa rằng, việc thoái vốn nhà nước của SCIC vô hình chung đã thành một “động tác thừa”. Hay nói rõ hơn là nếu Hanoituorist thắng đấu giá, vốn nhà nước ở SCIC sẽ lại về tay một đơn vị nhà nước khác là UBND TP. Hà Nội (mà để chuyển đổi tài sản giữa các đơn vị, tổ chức thuộc sở hữu nhà nước thì sẽ có nhiều cách đơn giản hơn nhiều so với đấu giá).

Song song với đó, ý nghĩa trên hết của phiên đấu giá là thoái vốn nhà nước, trả lại những ngành nghề mà nhà nước không cần chi phối cho thành phần kinh tế tư nhân cũng sẽ gần như vô nghĩa.

Hoa Liên

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến