Dòng sự kiện:
Hiệp hội vận tải kiến nghị không nên giao Bộ Công an quản lý, cấp GPLX
14/11/2020 19:39:18
Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam nêu quan điểm đây là hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dân sự, nếu chuyển sang cho Bộ Công an quản lý là không phù hợp.

Với lập luận trên và nhiều căn cứ khác, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến trong quá trình xem xét Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Hiệp hội nêu quan điểm không đồng tình tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật bảo đảm trật tự ATGT đường bộ.

Lập luận của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam

Theo lý lẽ của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, trong quản lý hoạt động GTVT và giao thông đường bộ, đảm bảo hiệu quả và an toàn luôn là hai mục tiêu có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nếu tách ra thành 2 luật sẽ thiếu sự đồng bộ, nhất quán, hài hòa khi xây dựng và ban hành các văn bản dưới luật.

Bên cạnh đó, hầu hết nội dung trong dự thảo Luật bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ hiện hành. Trong khi báo cáo tổng kết thi hành Luật Giao thông đường bộ 2008 cho thấy các nội dung của luật về cơ bản được triển khai có hiệu quả, không thấy có nội dung nào vướng mắc đến mức phải tách thành 2 luật.

Hiệp hội Vận tải ôtô nêu ra nhiều căn cứ để cho rằng không nên tách luật Giao thông đường bộ thành 2 luật và chuyển giao thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Ảnh: Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

 

“Luật Giao thông đường bộ là một trong các luật chuyên ngành GTVT, nếu tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật thì có cần tách các luật khác như Luật Đường thủy nội địa, Luật Đường sắt... thành 2 luật không?”, Hiệp hội Vận tải ôtô đặt vấn đề.

Với hàng loạt căn cứ đưa ra, Hiệp hội cho rằng không cần thiết và không thể tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ.

Về việc chuyển nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, Hiệp hội Vận tải ôtô nêu quan điểm đây là hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dân sự, nếu chuyển sang cho Bộ Công an quản lý là không phù hợp.

Mặt khác, Hiệp hội Vận tải ôtô phân tích nguyên tắc chế định trong pháp luật nước ta là cơ quan tổ chức thực thi và cơ quan kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm phải độc lập với nhau.

Với mô hình hiện nay, ngành GTVT quản lý còn ngành công an kiểm tra, giám sát. Nếu có trường hợp sai phạm, tiêu cực thì công an xử lý. Theo Hiệp hội Vận tải ôtô, tổ chức quản lý như vậy đảm bảo nguyên tắc việc giám sát giữa các ngành, tránh hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, dễ phát sinh tiêu cực.

“Trong trường hợp ngành công an quản lý công tác này thì cơ quan nào có chức năng kiểm tra, giám sát việc đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe?”, Hiệp hội Vận tải ôtô nêu vấn đề.

Hơn nữa, tổ chức này lo ngại việc chuyển giao thẩm quyền cấp giấy phép lái xe cho lực lượng vũ trang sẽ tạo ra khó khăn khi công nhận và đổi giấy phép lái xe giữa các nước, vì hầu hết việc cấp giấy phép lái xe tại các quốc gia khác do các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực dân sự thực hiện.

Lo lãng phí, ngân sách phải chi thêm tiền

Đặc biệt, Hiệp hội Vận tải ôtô cho rằng việc này sẽ tác động đến tổ chức bộ máy ngành GTVT và sẽ phát sinh lãng phí.

Theo đó, để thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, ngành GTVT đã xây dựng, đào tạo bộ máy quản lý từ cấp bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và 63 Sở GTVT. Đồng thời, không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý. Vì vậy, nếu chuyển nhiệm vụ này sẽ gây xáo trộn và lãng phí.

Phân tích chi phí về ngân sách, Hiệp hội Vận tải ôtô nhận định thay đổi sang cơ quan công an quản lý, tiền chi từ ngân sách cho công tác này sẽ cao hơn nhiều so với ngành giao thông do tiền lương và các chế độ chính sách của lực lượng vũ trang cao hơn nhiều so với dân sự.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế) không đồng tình việc tách luật. Ảnh: N.Thắng.

Cùng chung quan điểm này, tại phiên thảo luận tổ hôm 11/11, nhiều đại biểu Quốc hội cũng không đồng tình tách luật Giao thông đường bộ thành 2 luật.

Là người đứng đầu cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nhận định dù hai luật đã cố gắng phân định phạm vi điều chỉnh, vẫn có rất nhiều điều khoản chồng chéo.

"Chúng tôi cũng cố gắng phân định để hiểu nhưng không hiểu được. Nói thật là chúng tôi rất băn khoăn trong việc tách phạm vi điều chỉnh, e rằng sẽ đánh mất tính tổng thể và mỗi ngành quản lý theo cách của mình, quy định theo cách của mình sẽ dẫn tới chồng chéo, tác động tới hiệu quả quản lý”, ông Tùng nói.

Ông nêu thực tế ngành giao thông đang có khoảng 2.000 nhân sự làm nhiệm vụ cấp phép lái xe, nếu chuyển nhiệm vụ này sang cho công an thì 2.000 cán bộ này không thể sang ngành công an được, còn Bộ GTVT cũng không biết sẽ sa thải họ hay dùng vào việc gì khác.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng) kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về việc tách luật rồi mới bàn tiếp.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm - người đứng đầu cơ quan soạn thảo luật lại khẳng định việc chuyển giao nhiệm vụ không làm phát sinh nhân sự, bộ máy mới, thậm chí có thể rút gọn được. Ảnh: H.Vũ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Công an Tô Lâm - người đứng đầu cơ quan soạn thảo luật, lý giải tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật nhằm giải quyết hai vấn đề quan trọng và rất bức xúc trong xã hội hiện nay. Một là phải tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông đường bộ. Hai là làm sao giải quyết trật tự ATGT đường bộ.

Bộ trưởng Công an khẳng định cần làm khẩn trương vì "tình hình không cho phép chúng ta chậm trễ hơn nữa".

Trước băn khoăn có lãng phí khi tách như vậy, đại tướng Tô Lâm khẳng định không những không lãng phí mà còn tiết kiệm được rất nhiều.

"Việc này không làm phát sinh nhân sự, bộ máy mới, thậm chí có thể rút gọn được. Nếu giao cho công an thì chúng tôi có lực lượng CSGT, phối hợp các lực lượng khác khi cần tăng cường trong các dịp cao điểm", ông Lâm nói.

Tư lệnh ngành công an khẳng định nhiều lần bộ máy sẽ không phát sinh, thậm chí người làm nhiệm vụ trên đường sẽ giảm.

"Tôi nghĩ đã quy định thế này thì sẽ không còn lực lượng thanh tra giao thông hoạt động trên đường nữa", Bộ trưởng Công an thông tin.

Tác giả: Hoài Thu

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến