Dòng sự kiện:
Hình bóng hai tập đoàn lớn trong một dự án ở Nghệ An
28/02/2020 18:26:56
Một bên là tập đoàn lọc hoá dầu vốn nghìn tỷ, một bên là tập đoàn bất động sản gắn liền với nữ tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam.

Điểm nhấn Mipec

Dự án đang đề cập là tổ hợp Khu nhà ở và dịch vụ công cộng Vinh Tân quy mô 43ha tại phường Vinh Tân, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. 

Hiện nay, trên các kênh truyền thông quảng cáo, chủ đầu tư dự án được giới thiệu là liên danh CTCP Lọc hoá dầu Quân đội (Mipec) và CTCP Đầu tư và Xây dựng Tràng An.

Tên thương mại đang được quáng bá mạnh là Mipec Vinh, hay Mipec Tràng An. Thương hiệu Mipec được kỳ vọng sẽ giúp đẩy mạnh tiến độ triển khai dự án.


Phối cảnh tổ hợp Khu nhà ở và dịch vụ công cộng Vinh Tân (dự án Mipec Tràng An), TP.Vinh, Nghệ An quy mô 43ha

Mipec được thành lập năm 2002, với 3 cổ đông sáng lập là Tổng công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân (VAXUCO), Ngân hàng TMCP Quân đội và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Thời gian qua, Mipec phát triển nhanh chóng, tăng vốn từ 20 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng và tham gia vào nhiều "cuộc chơi" lớn, không chỉ dừng lại ở kinh doanh xăng dầu mà còn là bán lẻ, thương mại hay đặc biệt là bất động sản.

Các dự án đình đám làm nên thương hiệu Mipec chủ yếu ở Hà Nội, là Mipec Tower 229 Tây Sơn, 183 Nguyễn Lương Bằng, Mipec Riverside Long Biên, Mipec City View Hà Đông, Mipec Rubik 360 Xuân Thuỷ. Ở Nha Trang, Mipec năm 2017 đưa vào hoạt động Khách sạn 5 sao quy mô 300 phòng Citadines Bayfront tại 62 Trần Phú. 

Hiện nay, Mipec Xuân Thuỷ, Mipec Hà Đông cùng Mipec Tràng An là 3 dự án đang được Mipec đồng thời triển khai.

Trở lại với dự án Mipec Tràng An, có lẽ sẽ là hợp lý hơn nếu xem rằng Mipec chỉ là bên hợp tác với Đầu tư Xây dựng Tràng An, bởi theo tài liệu của ANTT có được, thì chủ đầu tư của dự án 43ha tại phường Vinh Tân, TP.Vinh được chỉ đích danh là CTCP Đầu tư và Xây dựng Tràng An. 

Hiện trạng dự án Mipec - Tràng An do PV ANTT ghi nhận vào ngày 28/2/2020. Ảnh: Khánh Linh.

Tràng An là của ai?

CTCP Đầu tư và Xây dựng Tràng An được thành lập từ năm 2005, hiện có vốn điều lệ 150 tỷ đồng. 3 cổ đông sáng lập là CTCP Khách sạn và Du lịch Thiên Thai, ông Nguyễn Hồng Vinh và ông Đặng Văn Thìn.

Ông Thìn sinh năm 1977, sở hữu 20% cổ phần Tràng An và đứng tên Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật. Cổ đông cá nhân còn lại, ông Nguyễn Hồng Vinh trú tại Ba Đình, Hà Nội nắm 10% cổ phần Tràng An. 

Trong khi đó, theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi tháng 5/2017, thì sau khi Công ty Thiên Thai thoái toàn bộ vốn, 70% cổ phần còn lại Tràng An không rõ thuộc về ai.

Dù vậy, đi sâu hơn vào Thiên Thai cũng như những hoạt động sau này của Tràng An vẫn mang tới những hình dung thú vị.

Thiên Thai thành lập từ năm 2008, hiện có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, là thành viên của Sovico Holdings của nữ tỷ phú đô la duy nhất tại Việt Nam - bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Sovico trực tiếp sở hữu 80% cổ phần Thiên Thai, và theo dữ liệu của ANTT, cũng có nhiều liên quan với dự án 43ha ở TP. Vinh.

Chẳng hạn, Tràng An và CTCP Địa ốc Phú Long - một công ty con khác của Sovico ngày 1/8/2015 đã kí kết Hợp đồng hợp tác đầu tư để phát triển dự án Khu đô thị và Dịch vụ thương mại tại phường Tân Vinh, TP. Vinh trong thời hạn 36 tháng. Số dư tại ngày 31/12/2017 là 260,266 tỷ đồng.

Hợp đồng có điều khoản rõ: "Không ảnh hưởng bởi kết quả kinh doanh của dự án, Phú Long sẽ nhận được khoản lãi không thấp hơn lãi suất phát hành trái phiếu trung, dài hạn của Ngân hàng TMCP Hàng Hải vào ngày 31 tháng 12 từng năm".

Năm 2017, khoản đầu tư này đã được gia hạn thêm 3 năm kể từ ngày đáo hạn lần đầu là 31/7/2018, tức là tới cuối tháng 7/2021 mới hết hạn.

Về phần mình, Thiên Thai cũng ký một hợp đồng hợp tác đầu tư khác với Tràng An, cũng không phụ thuộc kết quả kinh doanh dự án mà thu về lãi suất cố định 9,5%/năm.

Số dư giải ngân của Thiên Thai tới cuối năm 2017 là 75 tỷ đồng. Tràng An bảo lãnh bằng 200.000 cổ phiếu VJC của CTCP Hàng không Vietjet.

Đây chỉ là một phần nhỏ trong số cổ phiếu VJC mà Tràng An sở hữu, cập nhật tới tháng 9/2016 là 2,625 triệu đơn vị, với giá trị thị trường hàng trăm tỷ đồng, dù Tràng An chỉ có vốn 150 tỷ đồng và đang chịu trách nhiệm triển khai một dự án bất động sản lớn.

Tràng An, bởi vậy có thể coi là một mắt xích kín đáo trong hệ sinh thái chằng chịt của Sovico Holdings, mà một nhiệm vụ quan trọng là trung chuyển vốn giữa các đơn vị thành viên. Nên biết rằng nhiều hợp đồng tín dụng đã được Tràng An trong giai đoạn 2011-2016 ký với Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) - thành viên lõi đóng vai trò thu xếp nguồn vốn cho hàng chục dự án lớn nhỏ của Sovico Holdings.

HDBank, Tràng An cùng một số pháp nhân, cá nhân liên quan khác như ông Dương Công Ái hay Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán Liên Minh Việt Nam đã tham gia vào quá trình thâu tóm, duy trì sở hữu 51% tại CTCP Thương mại Dầu khí (Petechim) trong gần 10 năm qua, trong đó riêng Tràng An cập nhật tới cuối năm 2019 trực tiếp nắm 23,1% cổ phần Petechim. Trong khi Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) chỉ còn lại 29%.

Hiểu Minh

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến