Hoảng hốt với hóa đơn tiền điện của nhà đèn
23/06/2015 10:13:11
ANTT.VN – Trải qua những ngày nắng nóng, người dân “kêu trời” vì giá tiền điện tăng đột biến, có gia đình tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần, nhiều khách hàng thắc mắc dù là nắng nóng nhưng liệu hóa đơn tiền điện có thể tăng vọt như vậy?

Tin liên quan

 

Hóa đơn tiền điện mà người dân nhận được tăng cao trong những ngày hè.

Thông tin cho báo chí, Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho biết những ngày cuối tháng 5 nắng nóng kéo dài, nhiệt độ trung bình từ 31 – 40 độ C, do đó dẫn đến việc sản lượng điện đầu vào tăng cao đột biến. Theo số liệu thống kê  khiến công suất cực đại trong tháng 5 điển hình đạt 2.987 MW (lúc 14 giờ ngày 29/5)  tăng tăng 17,32% so với  năm 2014.

Ông Nguyễn Văn Bình (Quan Hoa, Cầu Giấy) cho biết, bình thường tiền điện mỗi tháng dao động từ 500 - 700 nghìn đồng, nhưng hai tháng nay, lần nào cũng nhận được hóa đơn xấp xỉ gần 2 triệu. "Tăng hơn 3 lần, mà "ác" cái là càng dùng nhiều thì người ta càng tính cao", ông Bình nhận xét.

Không riêng gì nhà ông Bình, những hộ dân có con nhỏ cũng nằm trong tình trạng "rỗng túi" mỗi khi nhân viên ngành điện bấm chuông thu tiền. Bà Mai Thị Tuyết (quận Hoàng Mai) cho biết, chỉ riêng tháng 5 vừa qua lượng điện tiêu thụ của gia đình bằng cả ... 3 tháng trước. "Trước đó mỗi tháng chỉ xấp xỉ 700 nghìn, giờ tăng cả hơn 2 triệu", bà Tuyết cho biết.

Bên cạnh đó, sản lượng cực đại cũng đạt 61,48 triệu kWh, so với năm 2014 tăng 17,04%. Sản lượng tiêu thụ bình quân 10 ngày đầu tháng 5 và 10 ngày đầu tháng 6 vừa qua so với 10 ngày đầu tháng 4 lần lượt tăng 18,36% và 33,83%.

Theo  lý giải của EVN Hà Nội, kỳ ghi chỉ số công tơ với khách hàng mua điện sinh hoạt trúng thời điểm nắng nóng, đồng thời, rơi đúng vào thời điểm áp dụng giá điện mới cho điện sinh hoạt tăng theo quyết định của Bộ Công thương hồi tháng 3 vừa qua. Vì hội tụ những yếu tố nêu trên nên số tiền khách hàng phải thanh toán sẽ cao hơn tháng trước liền kề.

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực ( Bộ Công thương) Đinh Thế Phúc cho biết, tổng công suất lắp đặt của hệ thống hiện nay là 35.500 MW, công suất khả dụng khoảng 29.500 – 30.000 MW. Công suất tối đa trong thời gian vừa qua là 25.193 MW. Trong ngày nắng nóng nhất tính tới nay là 28/5, cơ quan này ghi nhận được công suất trên 25.000 MW. Như vậy sản lượng điện dự phòng còn khoảng 4.000 MW.

Thời gian vừa qua, các nhà máy điện, kể cả nhiệt điện than và nhiệt điện khí đều huy động phát điện cao…Nắng nóng có tính chất kỷ lục mấy chục năm vừa qua đã dẫn đến điện năng tiêu thụ tăng 13,58% so với cùng kỳ năm 2014. Nếu so với trung bình ngày tháng 4, trong tháng 5 cao hơn 8%. Đặc biệt, khu vực miền Bắc nắng nóng khiến sản lượng điện bình quân tiêu thụ tăng 17%, riêng Hà Nội bình quân ngày của tháng 5 tăng tới 28% so với tháng 4. So với cùng kỳ năm 2014, hệ thống điện miền Bắc, ngày nắng nóng nhất tăng 20% công suất tiêu thụ.

Theo vị lãnh đạo này, do nhu cầu điện tăng nên tính theo lũy tiến bậc thang thì tiền điện cũng phải cao hơn, ông Phúc ví dụ, nếu gia đình nào sử dụng trên 100 KWh điện thì mức bậc thang cao nhất là 1.786 đồng/kWh, chi phí phải trả là 300.000 đồng, nhưng nếu chỉ số công tơ trên 400 KWh thì với mức cao nhất trong biểu giá là 2.587 đồng/ KWh thì mức tiền phải trả khoảng 1 triệu, nên chỉ số điện năng tăng gấp đôi nhưng theo cách tính bậc thang thì tiền phải trả có thể cao hơn gấp 3, 4 lần.

PV (th)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến