Tại hội thảo quốc tế giáo dục bền vững, chủ đề Quản trị trong nhà trường phổ thông diễn ra sáng 10/1 ở Hà Nội, nhiều hiệu trưởng, chuyên gia trong nước và thế giới đã chia sẻ kinh nghiệm về quản lý giáo dục trong giai đoạn đổi mới.
Phát biểu tại hội thảo, tiến sĩ Alan Schneitz, chuyên gia Phần Lan tiết lộ sự thật ít người biết rằng học sinh ở quốc gia có nền giáo dục hàng đầu này từng được đánh giá ít hạnh phúc nhất thế giới trong khảo sát năm 2004.
“Những lý do được học sinh Phần Lan đưa ra là môi trường giáo dục không tốt, không có lợi cho việc học, có khoảng cách về cảm xúc giữa giáo viên và học sinh, thiếu sự khích lệ của các bạn cùng lớp”, ông Schneitz nói.
Ông Alan Schneitz tiết lộ học sinh Phần Lan từng ít hạnh phúc nhất thế giới vào năm 2004. (Ảnh: Thùy Linh)
Trước thực trạng này, các trường học ở Phần Lan đã tìm cách thay đổi để môi trường học trở nên thân thiện hơn. Không gian lớp học được thiết kế bớt cứng nhắc nhằm khơi dậy niềm vui học tập, bởi các nhà quản lý giáo dục quan niệm “mục đích chính của môi trường học là truyền cảm hứng cho học sinh”. Ngay cả phòng giáo viên cũng được sắp xếp với mục đích tương tự.
Hình ảnh của 20 năm trước cho thấy sân chơi trong trường học không hề có các tổ chức hoạt động nhóm, học sinh thường tham gia hoạt động thể thao ở ngoài trường. Tuy nhiên, từ 10 năm trước, Phần Lan xây thêm nhiều cơ sở hạ tầng để học sinh có thể tham gia hoạt động thể thao và hoạt động nhóm ngay trong trường học.
Một bước chuyển lớn ở giáo dục Phần Lan là việc Chính phủ tổ chức chương trình “Schools on the move” (Trường học không ngừng chuyển động) từ năm 2010. Mục đích là tăng cường hoạt động thể chất và giảm thiểu thời gian ngồi yên của trẻ em trong độ tuổi đi học.
“Học sinh Phần Lan có ít nhất một tiếng mỗi ngày để hoạt động thể chất”, ông Schneitz chia sẻ và giải thích rằng học sinh càng ngồi lâu càng dễ chán. Nhiệm vụ của nhà quản lý là khiến học sinh chủ động hơn và nhiều năng lượng hơn thông qua các hoạt động thú vị, không để các em ngồi yên một chỗ.
Từ bốn trường đầu tiên, hiện tất cả trường học trên toàn quốc đều tham gia dự án trọng điểm này.
Bên cạnh đó, các trường học Phần Lan thiết kế nhiều chương trình ngoài trời, giúp học sinh phát triển tình yêu thiên nhiên từ khi còn bé.
"Để trẻ em Phần Lan trở thành những học sinh hạnh phúc nhất thế giới như hiện nay, chìa khóa của các nhà giáo dục là dùng trái tim để giúp việc học tập trở thành niềm vui của các em", chuyên gia kết luận.
Đất nước Bắc Âu này đã trải qua cuộc cách mạng giáo dục lớn, khiến số môn học được giảm đi, nội dung kiến thức nhẹ hơn, thay vào đó là các hoạt động sáng tạo.
Phương pháp giáo dục cũng được nghiên cứu để thay đổi, trong đó nổi bật là sử dụng hai giáo viên thay vì một như trước đây để dạy học, tương tác với nhau và tương tác với học sinh. Việc đánh giá kết quả không chú trọng vào điểm số cũng góp phần giúp học sinh không tự ti về bản thân.
Tương lai của học sinh nằm trong tay giáo viên
Ông Schneitz nhắc đến tác động của công nghệ trong cuộc sống, và trường học cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng: “20 năm trước, chúng tôi tin bảng đen là cách chúng ta dạy học. 15 năm trước, chúng tôi tin bảng trắng sẽ thay thế bảng đen. Đến 10 năm trước, chúng tôi lại thấy màn hình chiếu sẽ thay thế những công cụ trước đó”.
Ông tin rằng trong 20 năm tới, robot và trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi một nửa thị trường làm việc bây giờ. Thay vì các nước cạnh tranh lẫn nhau, trí tuệ nhân tạo sẽ cạnh tranh với loài người. “Chúng ta cần giúp học sinh sẵn sàng cho sự thay đổi này. Tương lai của học sinh, của đất nước nằm trong tay giáo viên”, chuyên gia Phần Lan khẳng định.
Cùng quan điểm với ông Schneitz, tiến sĩ Anya Eskildsen, hiệu trưởng trường Niels Brock Đan Mạch cho rằng giáo viên cần trang bị cho học sinh những năng lực mà người máy không thể thay thế được.
“Chúng ta phải mường tượng sự phát triển của thế giới. Chẳng hạn, một sinh viên muốn vào ngành công nghiệp xe hơi, chúng phải biết trước sau này các loại xe đều sẽ không người lái. Vậy những kỹ năng nào có thể giúp các em vận dụng khi bước vào thị trường lao động?”, bà nêu vấn đề.
Bà Anya Eskildsen trăn trở về kiến thức cần trang bị cho học sinh trong thời đại công nghệ. (Ảnh: Thùy Linh)
Theo bà Eskildsen, trong chặng đường phát triển giáo dục, nếu tiến 30 bước, mỗi bước một mét thì chúng ta chỉ đi được tổng cộng 30 mét. Trước sự thay đổi chóng mặt của xã hội ngày nay, thách thức đặt ra là cần tiến lên với khoảng cách theo cấp số nhân.
Để đạt được điều đó, mỗi nhân viên trong hệ thống giáo dục đều phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Đây là trách nhiệm to lớn của hiệu trưởng các trường học - những người đứng đầu “doanh nghiệp đặc biệt”, tạo ra các sản phẩm đặc biệt, có chất lượng cao.
Tuy khẳng định vai trò của giáo viên, bà Eskildsen nhấn mạnh đội ngũ này cần “lười” đi một chút trong quá trình giảng dạy. Với kinh nghiệm liên kết hoạt động với các đại học Trung Quốc và Việt Nam, bà nhận thấy giáo sư các nước châu Á rất chăm chỉ, làm rất nhiều việc cùng lúc nhưng hình ảnh sinh viên ngủ gục trên giảng đường không hiếm.
“Giáo sư cần làm ít việc hơn, tạo điều kiện cho sinh viên hoạt động tích cực hơn”, vị hiệu trưởng này nói.
Tháng 8/2017, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đoàn công tác ngành giáo dục đi thăm và làm việc tại Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển - những quốc gia có nền giáo dục hàng đầu và học sinh được đánh giá hạnh phúc nhất thế giới. Trong đó, Bộ trưởng đề xuất nhiều nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác giáo dục và đào tạo với Việt Nam. 18 biên bản ghi nhớ giữa trường đại học và trung học của Việt Nam với đối tác Phần Lan đã được ký kết với sự chứng kiến của Bộ trưởng hai nước, tập trung vào bốn lĩnh vực: Chuyển giao tài liệu về chương trình và sách giáo khoa; chuyển giao công nghệ đào tạo trực tuyến; khuyến khích mở thêm trường phổ thông Phần Lan ở Hà Nội bên cạnh dự án trường phổ thông Phần Lan ở TP HCM đang trong quá trình hoàn tất; hợp tác đại học để cùng liên kết đào tạo một số lĩnh vực; phối hợp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Việt Nam cũng học hỏi mô hình quản lý nhà trường hiện đại, nội dung chương trình sách giáo khoa; giảm tải cho học sinh... của Phần Lan. |
Theo Vnexpress
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy