Dòng sự kiện:
Hội chứng lép nửa mặt Parry – Romberg
24/07/2022 02:35:05
Vừa qua tại Bệnh viện Quốc tế Vinh đã gặp một ca bệnh với tỉ lệ xuất hiện bệnh là 1/700000.

Suốt từ tháng 4/2022 đến nay, Em C.P.C (nữ, 11 tuổi – Dân tộc Mông, Kỳ Sơn, Nghệ An) bị teo dần má trái. Do thời gian đầu quá trình teo vùng má khá chậm nên gia đình chủ quan, nghĩ rằng em C. bị giảm cân và gầy đi. Cho đến gần đây, thấy mặt con gái bị hóp má trái, lệch quá nhiều so với bên phải nên bố mẹ đã đưa em đến Bệnh viện Quốc tế Vinh khám bệnh.

Bác sĩ CKI. Nguyễn Thị Vân Anh – Trưởng khoa Khám bệnh sau khi kiểm tra các dấu hiệu lâm sàng đã chỉ định người bệnh chụp MRI não và siêu âm phần mềm. Kết quả cho thấy kích thước các cơ cắn vùng má trái nhỏ hơn so với bên đối diện. May mắn rằng không có ổ tụ dịch hay khối bất thường ở vùng má trái hay các dấu hiệu nguy hiểm ở sọ não. Bác sĩ kết luận người bệnh mắc hội chứng Parry – Romberg.

Hình ảnh về bệnh lý teo cơ mặt hiếm gặp

Hội chứng này còn được gọi là bệnh Romberg hoặc bệnh teo cơ mặt tiến triển là một rối loạn teo hiếm gặp. Căn bệnh này đặc trưng bởi sự suy thoái của da và các mô mềm của nửa mặt. Nó thường ảnh hưởng đến phần bên trái của khuôn mặt và phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. Bệnh khởi phát ở trẻ em trong giai đoạn 5 - 15 tuổi, hay gặp nhất vào lúc 10 tuổi.

Chưa có nghiên cứu nào về cơ chế bệnh sinh tuy nhiên nhiều giả thuyết cho rằng đây là bệnh tự miễn.

Dấu hiện lâm sàng và cận lâm sàng

- Biểu hiện teo dần da và tổ chức dưới da, cơ nửa mặt.

- Đi kèm những biến dạng thứ phát như:

+ Miệng bị kéo lên.

+ Cằm và mũi bị kéo lệch sang bên bệnh.

+ Co rút nhãn cầu, biến dạng đồng tử, cơ vận nhãn bị thu hẹp.

+ Biến dạng tai.

+ Da bị biến đổi sắc tố với những mảng màu trắng, nâu hoặc màu xanh, rụng lông…

- Siêu âm phần mềm cho kết quả teo cơ mặt 1 bên.

- X-quang: Xoang trán và xoang hàm nhỏ hơn bình thường, cung tiếp và xương hàm dưới mất cân xứng hai bên, thân xương mỏng, mỏm vẹt và lồi cầu nhỏ, chân răng nhỏ, ngắn hơn bên lành.

- MRI não mạch não: Chẩn đoán phân biệt u, hẹp mạch, phình mạch, dị dạng động mạch.

Điều trị

+ Đối với những dị dạng vừa phải: Việc cấy mô tiêm các chất làm đầy da như Natri hyaluronate và Axit polylactic cũng có thể được xem xét.

+ Đối với những dị dạng nặng: Phương pháp điều trị ưu tiên bao gồm chuyển mô mềm từ vùng khác của cơ thể bằng kỹ thuật vi phẫu.

Tùy theo tình trạng bệnh mà Bác sĩ có thể kết hợp vừa tiêm chất làm đầy vừa phẫu thuật.

Bất kỳ dấu hiệu khác thường nào cũng đều có thể phản ánh tình trạng sức khỏe của bạn đang bị ảnh hưởng. Chính vì vậy việc “lắng nghe” và theo dõi những chuyển biến của cơ thể để kịp thời thăm khám, xử trí là vô cùng cần thiết. Cùng với đó, mỗi người đều nên kiểm tra sức khỏe định kỳ tối thiểu 1 lần/ năm để được các Bác sĩ chuyên khoa tư vấn và hỗ trợ điều trị bệnh lý đúng cách.

 Lam Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến