Báo cáo Kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng cho thấy bức tranh trái ngược về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp này.
Theo đó, hơn một nửa doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại thị trường Việt Nam phải ghi nhận kết quả thua lỗ trong năm 2019 vừa qua, trong đó, nhiều doanh nghiệp đã thua lỗ nhiều năm liền với số lỗ hàng nghìn tỷ đồng.
Hơn 12.400 doanh nghiệp FDI thua lỗ
Cụ thể, theo Bộ Tài chính, trong năm 2019, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ghi nhận tổng cộng 324.487 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 6,4% so với năm 2018.
Trong đó, số doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh lãi dương năm vừa qua là 9.494 doanh nghiệp, tương đương 45% số doanh nghiệp có báo cáo. Số trị giá lãi nhóm doanh nghiệp FDI này ghi nhận được là 518.509 tỷ.
Ước tính, số lượng doanh nghiệp báo lãi năm vừa qua đã tăng 18% so với năm 2018. Trong đó, một số ngành có sự gia tăng đáng kể về lợi nhuận bao gồm Sản xuất, phân phối, kinh doanh điện tăng 96,1%; Dịch vụ khác tăng 211,8%...
Ở chiều ngược lại, năm 2019 cũng ghi nhận tới 12.455 doanh nghiệp FDI thua lỗ tại Việt Nam, chiếm 55% số doanh nghiệp đang hoạt động có báo cáo. Nhóm doanh nghiệp này ghi nhận trị giá lỗ tổng cộng 131.445 tỷ đồng trong năm.
Bên cạnh đó, tổng tài sản của các doanh nghiệp thua lỗ năm vừa qua là 2,002 triệu tỷ, cũng giảm 0,7% so với tổng tài sản các doanh nghiệp báo lỗ năm liền trước.
Tuy số doanh nghiệp thua lỗ năm 2019 tăng cả về số lượng và số lỗ, nhưng doanh thu của các doanh nghiệp này năm 2019 vẫn tăng gần 13% so với năm 2018, đạt 846.894 tỷ đồng.
Đáng chú ý, một số nhóm ngành đã ghi nhận thua lỗ trong 2 năm liền. Trong đó, số lỗ năm nay còn lớn hơn năm trước như Sản xuất sắt, thép và kim loại khác; Dầu khí, xăng dầu, nhiên liệu khí và sản phẩm hóa dầu; Viễn thông, phần mềm…
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết năm 2019, có tổng cộng 14.822 doanh nghiệp FDI còn ghi nhận lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính, tương đương 66% doanh nghiệp có báo cáo. Tổng giá trị lỗ lũy kế của nhóm này đạt 520.742 tỷ đồng, tương đương 41% vốn đầu tư của chủ sở hữu và tăng 26% về số lượng doanh nghiệp cùng 23% về giá trị lỗ lũy kế.
Cùng năm, doanh thu các doanh nghiệp FDI lỗ lũy kế đến năm 2019 là 1,326 triệu tỷ, tăng 20,4% so với doanh thu của các doanh nghiệp có lỗ lũy kế đến năm 2018.
Báo cáo cũng chỉ ra đang có 3.545 doanh nghiệp FDI lỗ mất vốn, tương đương gần 16% số doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 24% về số doanh nghiệp. Tổng giá trị vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính của nhóm này là âm 103.890 tỷ. Đáng chú ý, trong nhóm này thì có tới 2.160 doanh nghiệp vẫn ghi nhận doanh thu tăng trưởng đều qua từng năm.
Doanh nghiệp FDI tỷ USD thua lỗ
Báo cáo kể trên của Bộ Tài chính cũng trình bày chi tiết kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp FDI lớn trong các ngành nghề hoạt động tại Việt Nam.
Trong đó, Tập đoàn Samsung thông qua Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV Bắc Ninh) và Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên (SEV Thái Nguyên) ghi nhận tổng cộng hơn 1,104 triệu tỷ đồng doanh thu năm 2019 vừa qua. Số doanh thu này đã tăng hơn 5% so với năm liền trước, qua đó giúp doanh nghiệp thu về 81.112 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Nếu so với nhóm các doanh nghiệp FDI cùng ngành Linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị ngoại vi máy vi tính, thiết bị quang học, lợi nhuận của 2 nhà máy Samsung tại Việt Nam chiếm tới 65% tổng lợi nhuận toàn ngành.
Hiện tổng lợi nhuận sau thuế lũy kế trên bảng cân đối kế toán của 2 nhà máy này cũng vào khoảng 432.480 tỷ đồng, tương đương 18,6 tỷ USD.
Trái ngược với Tập đoàn Samsung, một doanh nghiệp FDI tỷ USD khác tại Việt Nam trong ngành sản xuất sắt, thép lại ghi nhận khoản lỗ hàng chục nghìn tỷ trong năm 2019 vừa qua.
Cụ thể, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh năm gần nhất ghi nhận 72.030 tỷ đồng doanh thu, vẫn tăng 12% so với năm 2018. Tuy nhiên, công ty này lại ghi nhận khoản lỗ ròng lên tới 11.538 tỷ đồng trong năm, gấp 4,2 lần số lỗ năm liền trước. Số tiền nộp ngân sách cùng năm của Formosa Hà Tĩnh cũng chỉ là 51,6 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2019. Formosa Hà Tĩnh có tổng tài sản đạt 286.804 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 100.814 tỷ, nhưng doanh nghiệp lỗ lũy kế 25.388 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp sản xuất sắt, thép khác là Công ty CP Thép Posco Yamoto Vina (Bà Rịa – Vũng Tàu) có tổng tài sản 19.957 tỷ, vốn chủ sở hữu đạt 4.308 tỷ đồng nhưng cũng đang lỗ lũy kế 8.9047 tỷ.
Trong năm 2019, Posco Yamoto ghi nhận 10.711 tỷ đồng doanh thu, giảm 17% so với năm trước và báo lỗ 2.780 tỷ đồng, gấp 2,5 lần số lỗ cùng kỳ.
Theo đó, 2 năm liền tiếp 2018-2019, cả 2 doanh nghiệp FDI lớn nhất trong ngành Sản xuất sắt, thép và kim loại khác tại Việt Nam đều thua lỗ khiến số đóng góp vào NSNN rất hạn chế.
Tác giả: Quang Thắng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy