Nhớ lại những ngày đầu đến phường Hương Vân, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên-Huế) lập nghiệp, chị Trần Thị Bé (SN 1972), trú ở thôn Lại Bằng 2, phường Hương Vân chia sẻ, chị và chồng đã phải lăn lộn rất vất vả khai hoang, phát quang, cày xới để có đất canh tác sản xuất hoa màu hằng năm.
Đến năm 2005, khi tỉnh có chủ trương xây dựng Nhà máy xi măng Long Thọ II, vợ chồng chị Bé cùng khoảng 20 hộ dân đã đồng ý giao lại đất đang canh tác có hiệu quả cho nhà nước.
Chị Bé trình bày với PV.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, Nhà máy Xi măng Long Thọ II chỉ xây dựng 1 nhà điều hành 2 tầng và tường rào bao quanh 21ha đất rồi bỏ hoang.
Tìm hiểu của PV, dự án này được UBND tỉnh giao Tổng Công ty xây dựng Bạch Đằng làm chủ đầu tư tại Quyết định số 512/QĐ-UBND ngày 13/02/2007. Sau đó, UBND tỉnh có Công văn số 5684/UBND-XD ngày 15/11/2008 đồng ý chuyển đổi cho chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Vạn Lộc tiếp nhận dự án.
Do không triển khai đúng tiến độ cam kết, ngày 7/4/2010, UBND tỉnh có Quyết định 687/QĐ-UBND về việc chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho Công ty CP Đầu tư Vạn Lộc và Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư đã cấp cho Tổng Công ty xây dựng Bạch Đằng.
Ngày 21/6/2010, UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 31111000178 cho Tổng Công ty Sông Hồng.
Tuy nhiên, do không triển khai đúng tiến độ cam kết, ngày 17/4/2013, UBND tỉnh tiếp tục có Quyết định 739/QĐ-UBND chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.
Theo tìm hiểu, Dự án quy hoạch xây dựng Nhà máy Xi măng Long Thọ II đã trực tiếp ảnh hưởng đến 7 hộ gia đình phải di chuyển nhà, 350 hộ gia đình bị thu hồi đất nông, lâm nghiệp.
Sau hơn 10 năm chỉ là dự án treo, UBND tỉnh đã quyết định thu hồi, không chỉ nhiều hộ dân từng giao đất để thực hiện dự án này mà nhiều người dân đang thiếu thiếu đất sản xuất ở phường Hương Vân tỏ ra hi vọng sẽ được giao, trả lại đất để tiếp tục canh tác hoa màu.
Thế nhưng, niềm hi vọng ấy chợt tắt. Cuối năm 2018, trước cảnh xe múc, máy ủi đang cày xới, đào hố trong khuôn viên đất dự án, người dân phường Hương Vân mới biết, đất của dự án đã được UBND thị xã Hương Trà giao cho một doanh nghiệp khác để làm làm vườn ươm cây xanh đô thị.
Ông Hồ Khả Tô, nguyên Chủ tịch Hội cựu chiến binh thị xã Hương Trà.
Ông Hồ Khả Tô, trú ở thôn Lại Bằng 1, phường Hương Vân, nguyên Chủ tịch Hội cựu chiến binh thị xã Hương Trà chia sẻ, nhiều người dân dù rất tiếc nuối khi đất đã thu hồi không được giao lại để tiếp tục sản xuất nhưng cũng tỏ ra đồng ý chủ trương khu đất 21ha ấy trở thành vườn ươm trồng cây xanh đô thị.
“Tuy nhiên, tưởng là vậy nhưng hóa ra không phải vậy, đáng lẽ doanh nghiệp được giao đất phải trồng, ươm cây xanh để cung ứng phục vụ công tác chỉnh trang, xây dựng đô thị thì nay lại ngang nhiên đào hố, cày xới toàn bộ khu đất để trồng rừng keo”, ông Tô không giấu nổi sự bức xúc.
Có mặt tại khu đất 21ha kể trên, PV ghi nhận những gì ông Tô nói là hoàn toàn có cơ sở. Một diện tích lớn của khu đất đã được phủ, trồng cây keo. Số diện tích đất còn lại, đang được doanh nghiệp tiếp tục cày xới, đào hố chuẩn bị trồng lứa keo mới.
Nhiều diện tích đất đã được doanh nghiệp trồng thành rừng keo.
Trao đổi với PV, ông Châu Văn An, Chủ tịch UBND phường Hương Vân cho biết, về việc doanh nghiệp sử dụng sai mục đích đất, phường đã nắm tình hình và báo cáo với Trung tâm Quỹ đất thị xã Hương Thủy, đơn vị được giao quản lý khu đất. “Việc xử lý thế nào thì phường chỉ là đơn vị phối hợp với thị xã, phường không thể chủ động trong chuyện này được”, ông An nói.
Doanh nghiệp đang tiếp tục cày xới, đào hố trồng keo trước sự bất lực của chính quyền địa phương (?!)
Tìm hiểu của PV, doanh nghiệp được UBND thị xã Hương Trà giao sử dụng khu đất là Công ty TNHH MTV Môi trường & Đô thị An Nhiên. Theo điều tra, đứng đằng sau công ty là một nhân vật được mệnh danh là “Trùm xây dựng” ở thị xã Hương Trà với tên biệt danh thường gọi là Tèo.
Nói thêm, ngoài việc được giao khu đất dự án nhà máy xi mặng Long Thọ II để làm vườn ươm cây xanh kể trên, trước đó, doanh nghiệp này còn được “bật đèn xanh” xây dựng hệ thống bể bơi nằm trên khu đất của một dự án không đúng tiến độ.
Hệ thống bể bơi, quán cà phê khang trang của An Nhiên.
Khu đất này thuộc đất dự án Trung tâm Văn hóa – Thể thao – Du lịch – Thương mại Hương Trà, được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoa Lư - Huế với tổng vốn đầu tư của dự án là 196 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án đầu tư qua 3 giai đoạn cụ thể như sau: Giai đoạn 1 từ tháng 3/2017-12/2017; Giai đoạn 2 từ tháng 01/2018-12/2019; Giai đoạn 3 từ tháng 01/2020-12/2021. Thế nhưng, đến nay dự án này vẫn chưa được thực hiện. Và không hiểu vì sao trên phần đất của dự án này lại mọc lên hệ thống bể bơi của Công ty An Nhiên?
Việc An Nhiên được lựa chọn là đơn vị sử dụng nhiều hecta đất của nhiều dự án không đúng tiến độ, bị thu hồi, đã đặt ra nhiều nghi vấn về ai đứng đằng sau “bật đèn xanh”? Liệu có hay không sự cạnh tranh không lành mạnh, sự ưu ái của chính quyền địa phương dành cho An Nhiên?
Lê Kông
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy