Dòng sự kiện:
Nghịch cảnh ở Huế: 60 ngày tỉnh cho lấy đất 5 chỗ, thổ tặc vẫn… 'ngạo'
18/08/2018 14:03:57
5 giấy phép khai thác tài nguyên đất được cấp trong vòng 2 tháng, nạn đất 'lậu' vẫn chưa thể chấm dứt Thừa Thiên - Huế.

Theo tìm hiểu của ANTT, trong gần 2 tháng từ ngày 22/6 đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp 5 giấy phép khai thác khoảng sản cho nhiều đơn vị trên địa bàn.

Một trong những phụ lục của 1 giấy phép khai thác đất sét ở Thừa Thiên - Huế.

Mới đây nhất, ngày 27/7, UBND tỉnh đã cấp Giấy phép số 57/GP-UBND cho Công ty TNHH Hùng Đạt được khai thác đất làm vật liệu san lấp bằng phương pháp lộ thiên tại khu vực Khe Băng, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế).

Trước đó 1 ngày, tức ngày 26/7, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng ký quyết định cấp Giấy phép số 55/GP-UBND cho phép 5 hộ dân thôn Dạ Khê, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy (đại diện là ông Lê Thanh Hải) khai thác, vận chuyển đất sét dôi dư ra khỏi khu vực cải tạo đất trồng lúa 1 vụ kém hiệu quả, bỏ hoang để sang trồng 1 - 2 vụ lúa tại thôn Dạ Khê.

Hơn 10.000m3 đất sét dôi dư trong đợt cấp phép này sẽ được nhập làm nguyên liệu cho các nhà máy gạch trên địa bàn thị xã Hương Thủy, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) và cả các địa phương lân cận.

Cách thời gian này gần 10 ngày, tức ngày 17/7, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã có Công văn số 5189/UBND-TN đồng ý theo tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường và đơn đề nghị của Công ty cổ phần Xây dựng Giao thông Thừa Thiên - Huế, về chủ trương cho phép công ty này được vận chuyển đất dôi dư của tầng phủ ra khỏi mỏ đá núi Thông Cùng, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà.

Tiếp tục lùi lại thời gian vào ngày 19/6, Công ty hữu hạn xi măng Luks (Việt Nam) cũng được UBND tỉnh này cấp Giấy phép số 45/GP-UBND khai thác, vận chuyển đất dôi dư tầng phủ mỏ đá vôi Văn Xá tại bãi thải thuộc phường Hương Văn, thị xã Hương Trà để làm vật liệu san lấp công trình xây dựng.

Cách đó không lâu, vào ngày 12/6, cũng để làm vật liệu xây dựng, UBND tỉnh này đã cấp Giấy phép số 44/GP-UBND cho phép Công ty CP xi măng Đồng Lâm khai thác, vận chuyển đất dôi dư tầng phủ mỏ đá vôi Phong Xuân tại bãi thải thuộc xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế).

Khai thác đất sét lâu nay ở Thừa Thiên - Huế luôn không đáp ứng cầu.

Tất cả những loại khoáng sản được cấp phép trong khoảng thời gian này, chủ yếu là đất sét. Một loại nguyên liệu để sản xuất gạch, phục vụ xây dựng.

Hiện nay, trước yêu cầu khắt khe của Luật Khoáng sản, các nhà máy sản xuất gạch bắt buộc phải có giấy phép khai thác mỏ nguyên liệu, hoặc mua bán khoáng sản có nguồn gốc hợp pháp. Ở Thừa Thiên - Huế, nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu đất sét có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để đảm bảo cho nhà máy hoạt động ổn định, phát triển bền vững là chuyện nhiều doanh nghiệp vẫn đang trăn trở và bị động.

Trước thực tế này, ngoài việc tận dụng khối lượng đất dôi dư ở tầng phủ các mỏ đá, những vùng sản xuất không hiệu quả, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng hy vọng đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy gạch trên địa bàn.

5 giấy phép khai thác khoáng sản đất được cấp phép trong gần 2 tháng, tưởng chừng như các nhà máy gạch sẽ "no đủ" hơn trong bài toán đi tìm nguyên liệu, góp phần chấm dứt nạn thổ tặc, đặc biệt là đất sét "lậu" hoành hành bấy lâu nay, thế nhưng, giải quyết vấn nạn này quả thực không dễ dàng…

Tỉnh lộ 16 – con đường đi quan địa phận phường Hương Văn, Hương Vân, thị xã Hương Trà, bấy lâu nay vẫn được người dân nơi đây vẫn quen gọi với cái tên "Con đường đau khổ". Đau vì con đường bị băm nát, khổ vì bụi bặm, tất cả bởi hàng trăm lượt xe chở khoáng sản qua lại mỗi ngày.

Ngoài các xe công trình phục vụ những mỏ đất được cấp phép hợp pháp, thì việc con đường này bị cày nát cũng một phần do "biệt đội" của những chuyến xe mà người dân gọi là thổ tặc – đất "lậu".

Nhập cho các nhà máy gạch với giá cao, không phải tốn một chi phí nào về thuế môi trường, công tác hoàn thổ, việc lấy không nguồn tài nguyên đất sét trở thành miếng mồi ngon, béo bở mà thổ tặc luôn hướng đến.

Có mặt tại thôn Giáp Thượng, phường Hương Văn, những dấu tích còn lại của thổ tặc vẫn còn hiện hữu. Hàng chục heta đất sản xuất bị đào xới nham nhở, sâu hoắm phục vụ ý đồ moi sét từ lòng đất. Sau khi lấy đi hàng nghìn mét khối tài nguyên, thổ tặc bỏ đi, không hoàn thổ, để lại những vũng nước sâu, chông chênh cạnh đất người dân canh tác.

Cảnh hoang tàn nham nhở sau khi thổ tặc đi qua.

Người dân tranh thủ trồng keo bên những hố sâu hoắm.

Điều bất ngờ là ngay thời điểm PV ghi nhận cảnh nham nhở này thì cách đó không xa, một "biệt đội" xe tải, máy múc đang ngang nhiên cày xới giữa rừng keo sát tỉnh lộ 16.

Ngang nhiên, công khai, không hề có sự can thiệp của lực lượng chức năng, đó là câu chuyện xảy ra ở khu khai thác đất trái phép thuộc thôn Giáp Thượng này.

Nói là trái phép bởi đối chiếu với khu vực các mỏ đất được cấp phép ở thị xã Hương Trà, nơi này hoàn toàn không nằm trong danh sách. Ảnh: Xe tải chở đất quá khổ, không phủ bạt từ khu vực này lao ra và bon bon trên tỉnh lộ 16.

Về vấn đề này, liên lạc với người đứng đầu phường Hương Văn, ông Lê Đình Hóa, Chủ tịch UBND phường cho biết, sẽ cho cán bộ đến kiểm tra.

Kiểm tra thế nào, xử lý ra sao? Liệu có thể hoàn trả mặt bằng? Và ai sẽ chịu trách nhiệm, cơ quan chức năng bấy lâu nay ở đâu? Những câu hỏi ấy có lẽ nếu chỉ riêng vị Chủ tịch UBND phường Hương Văn thì rất khó có thể trả lời.

Lê Kông

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến