Dòng sự kiện:
Huế: Tại sao tòa nhà 26 Lê Lợi không là công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu?
06/06/2018 08:15:56
Trước danh sách 27 công trình kiến trúc Pháp trên địa bàn TP Huế vừa được công bố, một số nhà nghiên cứu đã lên tiếng.

Như tin đã đưa, mới đây, thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, UBND tỉnh vừa có Quyết định 1152/QĐ-UBND công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn TP Huế.

Theo đó, trên địa bàn TP Huế có 11 công trình kiến trúc Pháp do các cơ quan nhà nước quản lý gồm: Cơ quan Đại học Huế, Bia Quốc học, Trường Quốc học, Trường Hai Bà Trưng, Trụ sở Bảo tàng Văn hóa Huế, Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị, dãy lớp học trường tiểu học Lê Lợi, Dãy lớp học A&B trường Đại học Khoa học Huế, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, Trung tâm Festival, Sân vận động tự do.

Khách sạn Sài Gòn Morin.

16 công trình thuộc sở hữu các tổ chức gồm: Ga Huế, Khách sạn Sài Gòn Morin, Nhà hàng Festival Huế, La Residence Hue Hotel & Spa, Khách sạn Le Domaine de Cocodo, Nhà máy nước Vạn Niên, Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, Giáo xứ Chính Tòa Phủ Cam (Dòng Khâm Mạng), Nhà thờ Giáo xứ Phủ Cam, Tòa Tổng Giám Mục Huế, Tu Viện Thánh Tâm, Đại Chủng Viện Huế, Dòng con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đan viện Carmel Huế, Nhà thờ Phanxico, Nhà Nguyện (Hội dòng thánh Phao Lô).  

Nhà thờ Giáo xứ Phủ Cam.

Tuy nhiên, sau khi danh sách các công trình kể trên được công bố, một số nhà nghiên cứu ở Huế đã có ý kiến.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, việc có quyết định công bố danh sách các công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu là cần thiết. Tuy nhiên, để làm được việc đó phải làm nghiêm túc về mặt học thuật, xuất phát từ các khảo cứu nghiêm túc, không nên tùy tiện “gắn mác” công trình tiêu biểu cho 27 hạng mục kiến trúc nói trên.

Ông Hoa thắc mắc, trong 27 công trình trên thì tòa nhà tại số 26, nằm trên khu vực “vàng” của đoạn đường Lê Lợi (TP Huế), vốn là một biệt thự theo lối kiến trúc Pháp tuyệt đẹp được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, hiện đang là trụ sở của liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế  nhưng lại không nằm trong danh sách.

Biệt thự cổ theo lối kiến trúc Pháp tại số 26, đường Lê Lợi.

Ông Hoa thông tin, đây không chỉ là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động triển lãm, biểu diễn âm nhạc, ca Huế, giới thiệu sáng tác mới văn thơ, ca khúc... của nhiều tác giả Việt Nam, quốc tế, mà còn là nơi tôn vinh các công trình, giải thưởng có giá trị cao. Đồng thời cũng là nơi đón tiếp nhiều văn nghệ sĩ trong nước, quốc tế về trao đổi, giao lưu, hội thảo với văn nghệ sĩ Huế các vấn đề về văn học nghệ thuật... 

Việc tòa nhà này nằm trong danh sách các công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn TP Huế là xứng đáng.

Liên quan đến tòa nhà 26, đường Lê Lợi, trước đó ANTT đã từng đưa, nhiều văn nghệ sỹ ở Huế đã tỏ ra không đồng tình khi nơi đây được nghiên cứu để đầu tư thành dự án khu phức hợp khách sạn.

Theo đó, ngày 28/10/2017, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có Công văn số 7921/UBND-XTĐT thống nhất chủ trương cho phép Công ty Cổ phần Hạ tầng và Dịch vụ Truyền thông Logi 3 nghiên cứu đầu tư dự án Khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp THAT tại khu đất số 26, 28 đường Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, TP Huế theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Nói về lối kiến trúc của tòa nhà, nhà thơ Võ Quê, nguyên Chủ tịch Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, nguyên đại biểu HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế chia sẻ, ngôi biệt thự này từng xuống cấp và được sửa chữa vào khoảng năm 2.000, nhưng bề ngoài vẫn giữ được dáng vẻ ban đầu với điểm trang trí hàng hoa bách hợp – loài hoa hướng đạo độc đáo duy nhất trong các biệt thự Pháp cổ ở Huế nằm trên phần nóc.

Điểm trang trí hàng hoa bách hợp – loài hoa hướng đạo độc đáo duy nhất trong các biệt thự Pháp cổ ở Huế nằm trên phần nóc.

“Ngôi biệt thự không chỉ là khu nhà hành chính thuần túy mà còn là mái ấm của đại gia đình văn nghệ sĩ. Một mái ấm mà giới văn nghệ sĩ đã hình thành, chắt chiu từng ánh lửa ban đầu khi đất nước vừa mới hoàn toàn thống nhất”, nhà thơ Võ Quê nói.

Quay trở lại với Quyết định 1152/QĐ-UBND công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn TP Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa chia sẻ, việc UBND tỉnh ký quyết định nói trên là tùy hứng, nhầm lẫn về mặt học thuật và mơ hồ về mặt chủ trương.

Nhà nghiên cứu này dẫn chứng, nhà thờ Phủ Cam được người Pháp xây dựng lần đầu vào đầu thế kỷ nhưng đến năm 1960, khi ông Ngô Đình Thục lên làm linh mục đã cho phá bỏ và thuê kiến trúc sư người Việt xây dựng theo lối kiến trúc khác bản gốc. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, mãi đến năm 2000 nhà thờ này mới hoàn thành nhân dịp 200 năm thành lập giáo phận Huế. Vì vậy nói công trình này tiêu biểu cho kiến  trúc Pháp là không hợp lý.

Nói về sự mơ hồ về mặt học thuật khiến tên các công trình bị nhầm lẫn, ông Hoa nhắc đến nhà thơ Dòng Chúa Cứu Thế, nằm trên đường Nguyễn Huệ. Ông Hoa cho rằng, nhà thờ nói trên vốn có tên: Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Phía sau nhà thờ có một dãy nhà hai tầng, dãy nhà này mới được gọi là Dòng Chúa Cứu Thế.

“Nhầm lẫn đó là rất buồn cười, chứng tỏ người tham mưu không am hiểu về Huế. Quyết định này rất mơ hồ và không có ý nghĩa thực tiễn”, ông Hoa nói.

Bên cạnh đó, ông Hoa cũng cho biết, trong số những công trình đã được công bố có những công trình không giống với nguyên bản như: khách sạn Sài Gòn Morin vốn chỉ có 2 tầng nhưng sau này đã xây lại thành 4 tầng trên nền móng cũ hay Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong (Bia Quốc Học) đã thay đổi màu sơn và họa tiết với nguyên bản vốn có.

Trong khi đó, chia sẻ với báo chí, Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện VH-NT Việt Nam tại Huế cho rằng, quyết định của tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành hơi muộn. Vấn đề cần được xem xét ở đây đó là còn công trình nào còn sót hay không? Sau khi được công nhận thì biện pháp bảo vệ là gì?

 Lê Kông

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến