Dòng sự kiện:
'Hụt' gần 1.500 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh và đầu tư, FPT vay nợ để bù đắp
29/04/2020 11:22:38
Một điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính quý I/2020 của FPT là việc tổng nợ vay (cả ngắn hạn và dài hạn) tăng vọt hơn 2.000 tỷ đồng, tương đương 26%, lên mức 9.889 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 vừa được CTCP FPT (HoSE: FPT) công bố, quý vừa qua, doanh nghiệp này đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 17,0% và 18,9% so với cùng kỳ 2019, tương đương 6.631 tỷ đồng và 1.142 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch.

Biên lợi nhuận của công ty theo đó tiếp tục được cải thiện từ 16,9% trong năm 2019 lên 17,2% trong quý I.

Lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt mức 937 tỷ và 747 tỷ đồng, lần lượt tăng 18,0% và 19,3% so với cùng kỳ. Nhờ vậy, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) ở mức 1.101 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng trưởng 18,7%.

Trong quý này, FPT ghi nhận 178 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 16,1%; phần lớn đến từ lãi tiền gửi (138 tỷ đồng) và lãi chênh lệch tỷ giá (40 tỷ đồng). Bên cạnh đó còn có 80 tỷ đồng lãi từ công ty liên doanh, liên kết, giảm 15,5%.

Về chi phí, đáng chú ý, chi phí tài chính trong kỳ của doanh nghiệp này tăng rất mạnh, gấp rưỡi cùng kỳ, lên 181 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay tăng 37% lên 99,6 tỷ đồng; trong khi lỗ chênh lệch tỷ giá tăng tới 67% lên 81 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng cũng tăng mạnh 27% lên 620 tỷ đồng. Trái lại, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ 2,7% xuống còn hơn 950 tỷ đồng.

"Hụt" gần 1.500 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh và đầu tư, FPT vay nợ để bù đắp

Một điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính kỳ này của FPT là việc tổng nợ vay (cả ngắn hạn và dài hạn) tăng vọt hơn 2.000 tỷ đồng, tương đương 26%, lên mức 9.889 tỷ đồng.

Nhìn lại, trong vòng 2 năm từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2019 - tương đương 24 tháng, tổng nợ vay của FPT tăng khoảng hơn 3.100 tỷ đồng, cho thấy mức tăng hơn 2.000 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020 là đột biến.

Có thể thấy lý do khi nhìn vào diễn biến dòng tiền. Quý I/2020, mặc dù đạt lợi nhuận trước thuế đạt 1.142 tỷ đồng nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của FPT vẫn bị âm 443 tỷ đồng. Nguyên nhân là do doanh nghiệp này phải chi lượng lớn tiền để thanh toán các khoản nợ phải trả, chủ yếu là nợ phải trả người bán ngắn hạn và nợ phải trả người lao động.

Trong khi đó, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 1.045 tỷ đồng (dòng tiền đầu tư âm thông thường là diễn biến bình thường).

Như vậy, trong kỳ, FPT bị "hụt" tới gần 1.500 tỷ đồng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư. Do đó, doanh nghiệp này đã phải bù dòng tiền bằng cách tăng cường vay nợ với tổng lượng vay nợ thêm trong kỳ là trên 2.000 tỷ đồng.

Nợ vay tăng vọt do "hụt" dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư không phải là diễn biến tích cực nhưng xét cơ cấu nguồn vốn, mức nợ vay hiện nay của FPT nhìn chung vẫn trong ngưỡng an toàn. 

Kết quả kinh doanh quý I của FPT chưa bị ảnh hưởng mạnh bởi Covid-19. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp nên FPT cũng cho biết, dự kiến các hoạt động kinh doanh của công ty sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn trong quý II. 

Linh Nhi

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến