Dòng sự kiện:
Hút vốn ngoại qua việc gia nhập chỉ số trái phiếu quốc tế
04/03/2019 12:00:00
Đây là một trong các kế hoạch được vạch ra để phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ được Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính chia sẻ với FinanceAsia.

Trong khi thế giới đang hướng về cuộc họp thượng định Mỹ - Triều tổ chức tại Hà Nội, trong tuần qua, tạp chí FinanceAsia vừa đăng tải bài phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính Bộ Tài chính, về một trong những ưu tiên quan trọng của Chính phủ Việt Nam hiện nay: câu chuyện phát triển thị trường trái phiếu.

Trong năm 2019, định hướng phát triển thị trường trái phiếu là trở thành một thị trường lớn hơn, chất lượng và ổn định hơn thông qua việc mở rộng cơ sở nhà đầu tư và cấu trúc lại thị trường dựa trên các thông lệ quốc tế.

Ở riêng mảng trái phiếu Chính phủ, đại diện Bộ Tài chính đã có những chia sẻ về những hành động cụ thể của Chính phủ để phát triển thị trường này, trong đó nổi bật là việc xây dựng hệ thống giao dịch sơ cấp dựa trên thông lệ quốc tế tốt nhất vừa triển khai từ tháng 1/2019 và thu hút dòng vốn ngoài chảy vào qua việc gia nhập chỉ số trái phiếu quốc tế.

Kỳ vọng tăng thanh khoản thị trường trái phiếu Chính phủ

Thị trường trái phiếu Chính phủ vừa có được cú hích chính sách sau khi Thông tư 111/2018/TT-BT có hiệu lực từ 1/1/2019 hướng dẫn thực hiện Nghị định 95 liên quan đến giao dịch công cụ nợ Chính phủ. Quy định mới này một mặt thêm quyền lợi cho nhà tạo lập thị trường là đối tượng duy nhất được tham gia các phiên đấu thầu TPCP của Bộ Tài chính. Đồng thời, nhà tạo lập thị trường phải thực hiện chào giá 2 chiều (cả mua và bán) trong một phiên giao dịch và có thể đi vay trái phiếu Chính phủ.

“Quy định mới giúp tăng thanh khoản cho thị trường, nhưng sẽ cần một thời gian để thấy được hiệu quả từ những thay đổi này”, ông Dương cho hay.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết bước tiếp theo để phát triển thị trường là triển khai hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ dự kiến trong những tháng đầu năm nay. Loại hợp đồng tương lai này này được cơ quan quản lý kỳ vọng sẽ giúp các nhà đầu tư có công cụ để phòng ngừa rủi ro.

Trong các nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu hiện nay, Bảo hiểm Xã hội là người mua lớn nhất tại thời điểm này. Theo ông Dương, các quỹ đầu tư mở rộng quy mô cũng sẽ làm tăng nhu cầu dài hạn đối với trái phiếu Chính phủ. Các quỹ hưu trí tự nguyện cũng đang bắt đầu phát triển với 2 đề nghị thành lập quỹ. Bên cạnh đó, các định chế cũng được khuyến khích thành lập quỹ đầu tư trái phiếu. Đây là những cơ sở để Việt Nam phát triển cơ sở nhà đầu tư tổ chức theo chiều sâu.

Thu hút vốn ngoại qua việc gia nhập chỉ số trái phiếu quốc tế

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang tham gia thị trường trái phiếu Chính phủ. Dù các con số vẫn cho thấy sự tăng trưởng nhưng vẫn khá khiêm tốn, chỉ khoảng 1%. Ông Dương cho biết phía cơ quan quản lý mong muốn thu hút được nguồn vốn đầu tư vào đất nước và đang cố gắng để khuyến khích sự tham gia của lực lượng này. Các năm gần đây, khung khổ pháp lý được cải thiện, quy trình đầu tư, thời gian giữa hoạt động phát hành, phân phối và giao dịch đều được rút ngắn, thanh khoản thị trường thứ cấp cũng đang dần được cải thiện.

Bước tiếp theo, phía cơ quan quản lý đang làm việc với World Bank, ADB để có thể xây dựng cổng giao dịch trái phiếu Chính phủ bằng tiếng Anh, công bố đồng thời thông tin trên trang web AsianBondOnline của ADB.

Xa hơn, trái phiếu Chính phủ Việt Nam sẽ gia nhập các chỉ số quốc tế. Theo chia sẻ của ông Dương, hiện phía Bộ Tài chính đã làm việc với các đơn vị tư vấn về các tiêu chuẩn gia nhập vào chỉ số này.

Theo Người đồng hành

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến