Bên ngoài nhà Quốc hội, người dân nhảy múa reo hò khi nghe tin ông Robert Mugabe từ chức. Ảnh: AP.
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe ngày 21/11 thông báo từ chức, sau 7 ngày khủng hoảng chính trị tại quốc gia này, kể từ thời điểm ông bị quân đội quản thúc hôm 14/11. Khi Chủ tịch Quốc hội Zimbabwe Jacob Mudenda đọc thư tuyên bố từ chức của ông Mugabe trước Hạ viện, các nghị sĩ đã reo hò không ngớt. Trên đường phố thủ đô Harare, người dân nhảy múa, ca hát, bấm còi ăn mừng. Bầu không khí này nhanh chóng lan rộng sang các thành phố lớn khác. Nhưng bên cạnh tâm lý phấn khởi, ngập tràn hy vọng, không ít người dân Zimbabwe vẫn cảm thấy lo âu về tương lai bất định phía trước, theo Guardian.
Hy vọng
"Chúng tôi thấy hào hứng bởi chúng tôi đã chịu đựng khổ sở quá lâu rồi", Victor Chirwa, 47 tuổi, giáo viên, nói về việc ông Mugabe từ chức. "Tôi vui vì ông ấy đã ra đi. Tôi hy vọng chúng ta có thể hướng tới một cuộc sống tươi đẹp hơn".
Phấn khích và tràn ngập hy vọng cũng là tâm lý chung đối với nhiều người dân Zimbabwe khác khi nghe tin tổng thống quyết định giã từ quyền lực.
Ông Mugabe, 93 tuổi, từ chức không lâu sau khi Quốc hội Zimbabwe tuyên bố bắt đầu quá trình luận tội ông. Trong bức thư gửi Quốc hội, Mugabe nói ông rút lui vì "lợi ích của người dân Zimbabwe và vì một cuộc chuyển giao quyền lực ôn hòa".
Trước đó, ông đã cố gắng bám trụ quyền lực dù bị quân đội chiếm quyền và bị đảng cầm quyền ZANU-PF phế truất chức chủ tịch đảng.
Suốt quãng thời gian 37 năm cầm quyền, ông Mugabe đã biến Zimbabwe từ một đất nước thịnh vượng bậc nhất châu Phi trở thành một quốc gia trì trệ với nền kinh tế lao dốc không phanh, lạm phát kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và tình trạng thiếu lương thực liên tục diễn ra.
"Tôi thấy mừng cho chính bản thân mình, cho con tôi và cho toàn thể đất nước", cô Mildred Tadiwa vừa bế đứa con 5 tháng tuổi trên tay vừa nói. "Con gái tôi sẽ được lớn lên trên một đất nước Zimbabwe tốt đẹp hơn".
"Chúng tôi rất phấn khích! Đã đến lúc thay máu. Tôi năm nay 36 tuổi và đã chờ đợi thời khắc này cả cuộc đời mình. Tôi mới chỉ biết tới một lãnh đạo duy nhất", William Makombore, một người làm việc trong lĩnh vực tài chính, chia sẻ.
"Mugabe từ chức sẽ mang đến sự thay đổi mà tôi hằng ao ước bấy lâu", Mary Jonasi, 28 tuổi, sinh viên tốt nghiệp Đại học Zimbabwe nhưng vẫn đang tìm kiếm việc làm, nói.
"Tôi khổ sở vì không có việc làm suốt 5 năm qua và tôi nghĩ điều này sẽ mở ra một chương mới cho cuộc sống của tôi", Moreblessing Mapfumo, 34 tuổi, quả quyết. "Tôi mong chờ nó rất lâu rồi".
Tại Harare vào tối qua, hàng nghìn người đã đổ ra đường. Họ hô vang các câu khẩu hiệu chính trị, kêu gọi đưa ông Emmerson Mnangagwa, phó tổng thống Zimbabwe, người bị cách chức cách đây hai tuần, lên lãnh đạo đất nước. Nhưng đa phần trong đám đông, người ta đơn giản chỉ bày tỏ sự phấn khởi của họ và hơn tất cả là niềm hy vọng.
"Tôi không bao giờ nghĩ chuyện này lại diễn ra nhanh chóng đến vậy", Nancy Thembi, 21 tuổi, vừa nhảy múa vừa nói khi biết tin ông Mugabe từ chức. "Tất cả mọi người đều mong chờ một thời kỳ mới. Đây là thời khắc lịch sử".
"Thay đổi là điều tốt", Phionah Kusere, 25 tuổi, lễ tân khách sạn, khẳng định.
"Niềm vui này là dành cho con trai tôi. Một mặt trời mới sẽ mọc ở Zimbabwe. Thằng bé sẽ có một tương lai mới", Avril Chimesa, 31 tuổi, háo hức bày tỏ.
Bất an
Cựu tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe. Ảnh: BBC.
Cây bút Kevin Sieff từ Washington Post cho rằng Zimbabwe rõ ràng đang đứng giữa ngã tư đường sau khi ông Mugabe từ chức. Về mặt kỹ thuật, quân đội hiện nắm quyền điều hành đất nước song rất nhiều nhóm chính trị cũng đang lăm le tranh giành quyền lực.
Mnangagwa, người nhiều khả năng sẽ kế nhiệm ông Mugabe, từng là một đồng minh lâu năm với cựu tổng thống Zimbabwe. Người ta thường gọi Mnangagwa với biệt danh tướng "Cá sấu" vì những chiến lược khôn ngoan nhưng tàn bạo của ông.
Đến nay, ông Mnangagwa dường như nhận được sự ủng hộ từ đảng cầm quyền ZANU-PF và những tướng lĩnh quân đội. Nhưng tình trạng bất ổn vẫn có thể xảy ra khi mà các chính trị gia, nhà hoạt động Zimbabwe giờ đây sẽ tìm cách lợi dụng tình hình hỗn loạn để củng cố, mở rộng vị thế ở chính quyền mới.
Mặt khác, một số người tỏ ra ngờ vực liệu Zimbabwe có thể thực sự thay đổi không nếu Mnangagwa lên nắm quyền khi mà ông từng có quãng thời gian dài phụng sự bên cạnh tổng thống Mugabe.
Samuel Demba, 23 tuổi, lo ngại Zimbabwe sẽ "đi vào vết xe cũ". "Chúng tôi đã có gần 40 năm sống dưới sự lãnh đạo của ông Mugabe trước khi thoát được khỏi ông ấy. Liệu chúng tôi có cần một người lãnh đạo mới đã ở bên cựu tổng thống suốt từng ấy năm không?", Demba đặt câu hỏi.
"Ông Mugabe từ chức thôi là chưa đủ. Chúng ta cần các cuộc bầu cử tự do và công bằng để mang lại những thay đổi mà chúng ta mong muốn", Gaber Ngwere, 23 tuổi, sinh viên ngành công nghệ thông tin, chia sẻ. "Emmerson Mnangagwa sẽ tiếp quản. Tôi e rằng ông ấy sẽ chẳng mang đến nhiều khác biệt".
Đối với những người dân từng trải qua thời khắc lịch sử Zimbabwe giành được độc lập từ Anh hồi năm 1980, thời điểm đánh dấu khởi đầu cho 37 năm nắm quyền của tổng thống Mugabe, tâm lý vui mừng còn đan xen với sự sợ hãi.
"Lúc này, thật lòng mà nói, tôi thấy e ngại. Chúng tôi từng vui mừng vào năm 1980 để rồi phải chứng kiến những gì xảy ra tiếp theo đó", ông Vincent Tanyanyiwa, 45 tuổi, giáo sư chính sách môi trường tại Đại học Harare, cho hay. "Chúng ta cần thận trọng. Chúng ta có một cơ hội mới ở đây. Đừng phá hỏng nó", ông nhấn mạnh.
Theo VnExpress
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy