Dòng sự kiện:
IMF cảnh báo về những rủi ro từ các chính sách thương mại và tài khóa của Mỹ
16/06/2018 05:58:36
IMF nêu rõ việc cắt giảm thuế sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn, song cũng làm tăng thêm các nguy cơ đối với kinh tế Mỹ và toàn cầu.

IMF nêu rõ việc cắt giảm thuế sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn, song cũng làm tăng thêm các nguy cơ đối với kinh tế Mỹ và toàn cầu.Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 14/6 cảnh báo các chính sách thương mại mang tính gây hấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như việc cắt giảm mạnh thuế vào thời điểm nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang tăng trưởng tốt, tạo ra những nguy cơ có thể làm tổn hại nền kinh tế trong nước lẫn toàn cầu.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong bản đánh giá thường niên đối với kinh tế Mỹ, IMF nêu rõ việc cắt giảm thuế sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn, song cũng làm tăng thêm các nguy cơ đối với kinh tế Mỹ và toàn cầu. Trong khi đó, việc Mỹ đe dọa và áp các mức thuế nhập khẩu cao có thể làm tổn hại sự phục hồi kinh tế thế giới do kích động và dẫn đến vòng xoáy đáp trả lẫn nhau, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phát biểu với báo giới, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhấn mạnh "không có bên nào thắng cuộc trong chiến tranh thương mại". Theo bà, nếu các đối tác thương mại của Mỹ tiến hành biện pháp trả đũa đúng như họ đe đọa thì cả hai bên sẽ "cùng thua".

Điều này sẽ dẫn tới hậu quả kinh tế nghiêm trọng đối với kinh tế Mỹ lẫn toàn cầu, trong đó có việc đẩy lạm phát lên cao. Mặc dù khó tính toán các tác động kinh tế trực tiếp vì còn phụ thuộc vào quy mô và thời điểm phản ứng, song xung đột thương mại có thể làm suy yếu lòng tin và khiến các doanh nghiệp hoãn đầu tư. Những dấu hiện này đã xuất hiện ở châu Âu.

Tổng giám đốc IMF nhấn mạnh các biện pháp thương mại đơn phương có thể tác động tiêu cực và thậm chí là phản tác dụng.

Bà Christine Lagarde cảnh báo việc chính quyền Mỹ lấy lý do an ninh quốc gia để tiến hành áp thuế cao đối với nhôm, thép và có thể là cả mặt hàng ô tô nhập khẩu có thể mở đường cho các quốc gia khác hành động tương tự, qua đó sẽ làm suy yếu hệ thống thương mại toàn cầu hoạt động trên nền tảng pháp lý.

Do đó, IMF khuyến khích Mỹ hợp tác tích cực với các đối tác thương mại nhằm giải quyết các bất đồng thương mại và đầu tư mà không phải viện đến việc áp thuế hay dùng hàng rào phi thuế quan.

Các chuyên gia kinh tế của IMF phân tích rằng việc Tổng thống Trump tập trung giảm thâm hụt thương mại với một số nước nhất định là không phù hợp. Thay vào đó, các đối tác thương mại nên tập trung duy trì các thỏa thuận thương mại và đầu tư song phương và đa phương.

Tuy nhiên, Washington cũng không nên phớt lờ những lợi ích của người lao động Mỹ bị ảnh hưởng bởi toàn cầu hóa, mà nên nỗ lực giảm bớt mặt tiêu cực thông qua việc đào tạo kỹ năng, hỗ trợ thu nhập tạm thời và giúp tìm việc làm.

IMF đánh giá dù Tổng thống Trump nhiều lần khẳng định sự vững mạnh của nền kinh tế Mỹ và những tác động tích cực từ quyết định giảm mạnh thuế được thông qua vào tháng 12/2017, song những cải cách này sẽ làm giảm ngân sách và có thể khiến lạm phát tăng.

Điều này sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay nâng lãi suất, dẫn đến hiệu ứng chuỗi đối với kinh tế toàn cầu và các thị trường tài chính, nhất là các thị trường mới nổi.

Bà Lagarde cũng lưu ý rằng các gói kích thích kinh tế gần đây của Mỹ có thể giúp tăng lượng hàng hóa nhập khẩu của Mỹ, khiến đồng USD tăng giá, từ đó tác động xấu đến thương mại và thâm hụt tài khoản vãng lai.

IMF dự báo lạm phát của Mỹ sẽ tăng 2,8% trong năm nay, 2,4% trong năm tới, với các mức tăng trưởng kinh tế của hai năm 2018 và 2019 lần lượt là khoảng 2,9% và 2,7%. Theo dự báo của IMF, kinh tế Mỹ sẽ tăng chậm lại còn 1,9% vào năm 2020. Các con số này cao hơn dự báo của Fed song lại thấp hơn của Bộ Tài chính Mỹ.

Bên cạnh đó, IMF cũng đánh giá cao một số khía cạnh của cải cách thuế Mỹ, theo đó giúp đơn giản hóa thủ tục, giảm lãi suất cho vay đối với các công ty.

Tuy nhiên, trái với những gì Nhà Trắng khẳng định, IMF cho rằng một số quy định trong cải cách này chỉ làm lợi cho tầng lớp giàu có, điều này đi ngược lại mục tiêu của chính quyền Mỹ là tăng sự công bằng. Theo IMF, Mỹ nên phân chia lại cơ chế đánh thuế nhằm giảm bớt gánh nặng cho những người có thu nhập gần bằng hoặc dưới mức trung bình.

Theo TTXVN

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến