Dòng sự kiện:
Indonesia cân nhắc kéo dài hạn chế, Anh lập kỷ lục số ca Covid-19
18/07/2021 08:17:35
Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng phụ trách ứng phó với dịch Covid-19 ở Indonesia, đang đánh giá xem liệu có nên gia hạn các biện pháp hạn chế phòng ngừa sự lây lan của virus corona hay không.

Theo hãng thông tấn Reuters, các biện pháp hạn chế di chuyển trên các đảo Java, Bali và 15 thành phố khác ở Indonesia, sẽ kết thúc vào ngày 20/7 tới. "Giảm việc đi lại không cho thấy sự suy giảm số ca nhiễm. Chúng tôi đang đánh giá xem liệu có cần gia hạn chúng hay không", Bộ trưởng Luhut Panjaitan phát biểu hôm 17/7.

Ông Panjaitan cũng cho biết thêm, Chính phủ Indonesia sẽ công bố quyết định trong vài ngày tới. “Từ tận đáy lòng, tôi muốn gửi lời xin lỗi đến tất cả người dân Indonesia nếu đây không phải là những chính sách tối ưu nhất”.

Người Indonesia xếp hàng bên ngoài một điểm cung cấp oxy ở thủ đô Jakarta. Ảnh: AP

Indonesia trong hôm 17/7 đã ghi nhận 51.952 ca nhiễm và 1.092 ca tử vong mới bởi Covid-19. Dữ liệu theo dõi của Reuters trong 7 ngày vừa qua cho thấy, quốc gia Đông Nam Á này đang ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19 hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, và chỉ đứng sau Brazil về số ca tử vong.

Cũng trong buổi họp báo hôm 17/7, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani cho biết sẽ mở rộng ngân sách phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 từ 699,43 nghìn tỷ rupiah lên 744,74 nghìn tỷ rupiah (tương đương 51,38 tỷ USD).

Anh ghi nhận kỷ lục về số ca nhiễm trong ngày sau 6 tháng

Theo Reuters, nước Anh hôm 17/7 ghi nhận 54.674 ca nhiễm Covid-19 mới, tăng so với 51.870 ca được ghi nhận trong ngày hôm trước. Đây là số ca nhiễm mới hàng ngày cao nhất mà nước này ghi nhận trong 6 tháng qua. Kỷ lục trước đó ở Anh được ghi nhận vào ngày 15/1 năm nay, với 55.761 ca nhiễm Covid-19 trong ngày.

Bên cạnh đó, Anh hôm 17/7 cũng ghi nhận 41 trường hợp tử vong trong vòng 28 ngày sau khi bị xét nghiệm dương tính với virus corona, giảm so với 49 trường hợp được ghi nhận trong ngày 16/7.

Dù nước Anh đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới, song Thủ tướng Boris Johnson và Bộ trưởng Y tế Sajid Javid vẫn ủng hộ việc mở cửa lại hoàn toàn nền kinh và loại bỏ các biện pháp hạn chế trong nước.

Một số nhà khoa học đã cảnh báo rằng, các kế hoạch mở cửa trở lại của chính phủ Anh có thể gây nguy hiểm do vẫn còn một số lượng đáng kể người chưa được tiêm chủng, và vắc xin Covid-19 chưa đạt đủ 100% hiệu quả kháng thể.

Pháp yêu cầu người nhập cảnh từ châu Âu phải xét nghiệm

Bắt đầu từ 18/7, những người chưa được tiêm phòng đến từ Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Síp, Hà Lan và Hy Lạp muốn nhập cảnh vào Pháp sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR hoặc kháng nguyên âm tính với Covid-19, được thực hiện trong vòng 24 giờ trước thời điểm nhập cảnh.

Theo CNN, quy định trên được văn phòng Thủ tướng Pháp công bố trong một thông cáo báo chí hôm 17/7. “Trong bối cảnh dịch bệnh đang gia tăng trở lại ở mức độ toàn cầu và trên toàn quốc do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, chính phủ đã quyết định điều chỉnh các biện pháp để kiểm soát lượng khách đến”, thông cáo cho biết.

Chính phủ Pháp cũng đồng thời tuyên bố sẽ dỡ bỏ tất cả các hạn chế đối với du khách đã được tiêm vắc xin đến từ bất kỳ quốc gia nào khác, không phân biệt mức nguy cơ đỏ (nghiêm trọng), cam (nghiêm trọng vừa) hay xanh lá cây (nhẹ).

Canada vượt Mỹ về tỷ lệ người được tiêm vắc xin

Canada đã có lần đầu nhỉnh hơn Mỹ về tỷ lệ người được tiêm đầy đủ vắc xin Covid-19, theo số liệu mới được Đại học John Hopkins và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố hôm 17/7.

Theo đó, 48,65% dân số Canada đã được tiêm chủng đầy đủ, nhỉnh hơn một chút so với mức 48,4% dân số Mỹ được tiêm đủ liều vắc xin Covid-19.

Trước đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 15/7 tuyên bố sẽ cho phép công dân hoặc thường trú nhân Mỹ được tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 được thực hiện các chuyến du lịch không thiết yếu vào nước này từ giữa tháng 8 tới. Cùng ngày, trong một cuộc điện đàm với Thủ hiến các tỉnh và vùng lãnh thổ của Canada, Thủ tướng Trudeau cũng để ngỏ khả năng mở cửa đón du khách được tiêm chủng đầy đủ từ tất cả các quốc gia trên thế giới vào đầu tháng 9 tới, nếu tốc độ tiêm chủng như hiện tại vẫn được duy trì.

Đảo du lịch Hy Lạp cấm phát nhạc ở nhà hàng

Kể từ ngày 17/7, đảo nghỉ dưỡng Mykonos của Hy Lạp sẽ cấm phát nhạc tại các nhà hàng và quán bar để phòng chống sự lây lan của virus corona. Quyết định này được Bộ Bảo vệ dân sự Hy Lạp đưa ra sau một đợt bùng phát dịch Covid-19 “đáng lo ngại” trong nước. Cơ quan này cũng chỉ cho phép người dân trên đảo được ra ngoài trong khoảng từ 1 giờ sáng đến 6 giờ tối để đi làm hoặc vì lý do sức khỏe.

“Chúng tôi kêu gọi người dân, người lao động và các du khách trên hòn đảo xinh đẹp này tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp hạn chế... để chúng tôi có thể nhanh chóng kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của virus corona, giúp Mykonos sớm trở lại bình thường”, Bộ Bảo vệ Dân sự Hy Lạp cho biết trong một tuyên bố.

Các biện pháp hạn chế này sẽ có hiệu lực từ ngày 17/7 đến hết ngày 26/7.

Tác giả: Việt Anh

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến