Dòng sự kiện:
Iran bất ngờ thả 9 thủy thủ của tàu dầu bị bắt
27/07/2019 10:09:41
Giữa lúc leo thang căng thẳng với Mỹ và Anh ở Vùng Vịnh, Iran bất ngờ trả tự do cho 9 thủy thủ người Ấn Độ thuộc một tàu chở dầu bị nước này bắt giữ cách đây 2 tuần.

Theo báo RT, có tổng cộng 30 người Ấn Độ trong số các thành viên thủy thủ đoàn thuộc hai tàu chở dầu nước ngoài bị các lực lượng Iran bắt giữ ở Vịnh Ba Tư trong hai sự cố riêng rẽ hồi tháng 7 này. Cụ thể, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã bắt giữ tàu MT Riah treo cờ Panama hôm 14/7 và tàu Stena Impero mang cờ Anh 4 ngày sau đó, hôm 19/7 với cáo buộc không tôn trọng các quy tắc hàng hải quốc tế.

Hình ảnh do kênh Press TV của Iran công bố cho thấy các lực lượng nước này đang vây bắt tàu MT Riah. Ảnh: AP

Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 26/7 thông báo, nhà chức trách Iran vừa thả 9 thủy thủ nước này làm việc trên tàu MT Riah, khiến số thủy thủ Ấn Độ bị Tehran giam giữ giảm xuống còn 21 người.

Trước đó cùng ngày, Tehran cũng tuyên bố cho phép các nhà ngoại giao Ấn Độ tiếp xúc lãnh sự với các công dân thuộc thủy thủ đoàn tàu Stena Impero. Không giống tàu MT Riah vốn có thủy thủ đoàn đều là người Ấn Độ, trên tàu Stena Impero còn có các thủy thủ mang quốc tịch Nga, Latvia và Philippines.

Trong một sự cố có liên quan, Ấn Độ cũng có 24 thủy thủ làm việc trên siêu tàu nhiên liệu Grace 1 bị quân Anh bắt trong lúc đang chuyên chở dầu của Iran qua eo biển Gibraltar hồi đầu tháng 7 vì nghi ngờ tàu buôn lậu dầu đến Syria, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).

Toàn bộ số thủy thủ Ấn Độ thuộc tàu Grace 1 hiện vẫn bị phía Anh giam giữ. New Delhi tiết lộ đang nỗ lực vận động London trả tự do cho họ một ngày sau khi ba nhà ngoại giao Ấn Độ được phép gặp thủy thủ đoàn của tàu.

Các vụ bắt giữ tàu chở dầu do Anh và Iran tiến hành xảy ra đúng vào lúc leo thang đối đầu giữa Tehran và Washington ở Vùng Vịnh. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu chiến dịch gia tăng sức ép tối đa cả về kinh tế và quân sự với quốc gia Hồi giáo từ tháng 5 vừa qua.

Trước đó, mối quan hệ cơm không lành, canh chẳng ngọt giữa hai nước đã xấu đi nghiêm trọng vào cuối năm ngoái, sau khi ông Trump xé bỏ thỏa thuận hạt nhân quốc tế đã ký với Iran từ thời cựu Tổng thống Barack Obama năm 2015. Washington tiếp đó cũng gây sức ép buộc các nước khác như Ấn Độ ngưng mua dầu của Iran, khiến Tehran tổn thất lớn về doanh thu xuất khẩu.

Bất chấp sức ép của Mỹ, các lãnh đạo Iran khẳng định sẽ đáp trả thích đáng nếu bị tấn công trước, dù vẫn để ngỏ khả năng đối thoại với chính quyền ông Trump.

Theo VietNamNet

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến