ITA của bà Đặng Thị Hoàng Yến thế nào sau tháng ngày bão táp phong ba?
20/05/2016 15:05:56
ANTT.VN – Số lượng cổ phiếu giao dịch của ITA đã tăng từ 30 triệu đơn vị lên gần 840 triệu đơn vị kể từ khi lên sàn năm 2006.

Tin liên quan

Trong làng kinh tế Việt Nam, có lẽ không ai là không biết tới ‘người đàn bà thép’ Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HOSE: ITA), khi đưa một doanh nghiệp còn non trẻ (thành lập năm 2002) dần trở thành một trong những tập đoàn kinh tế hàng đầu phía Nam.

Khối lượng tài sản của ITA tính tới thời điểm 31/12/2015 đạt 12,7 nghìn tỷ đồng, xếp vào top những doanh nghiệp có quy mô lớn nhất nước. Lợi nhuận sau thuế năm 2015 là 136,5 tỷ đồng.

Uy tín của vị chủ tịch cùng tình hình kinh doanh ổn định của ITA khiến cổ phiếu công ty này luôn là một trong những chứng khoán có khối lượng giao dịch tương đối ổn định.

Tuy nhiên không ít người sẽ thấy khó hiểu khi giá cổ phiếu ITA trên sàn HOSE lại giảm liên tục kể từ thời điểm lên sàn, hiện giao dịch quanh ngưỡng 4.500 đồng/ cp.

Lần lại sổ sách tài chính qua các năm của ITA, chúng ta có thể phần nào hiểu được tại sao.

Tháng 11/2006, ITA chính thức niêm yết trên Sàn chứng khoán TP. HCM (HOSE) với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, tương đương khối lượng giao dịch 30 triệu cổ phiếu.

Chủ tịch HĐQT ITA bà Đặng Thị Hoàng Yến

Kể từ thời điểm đó, công ty liên tục tăng vốn một cách ‘khủng khiếp’, phát hành ra thị trường hơn 416 triệu cổ phiếu giai đoạn 2006 -2012, trong đó cổ phiếu để chi trả cổ tức chiếm 64%, 20% là cổ phiếu trả thưởng, chỉ có khoảng 66 triệu đơn vị, tương đương 16% còn lại là cổ phiếu thường được tung ra thị trường.

Chiến lược ‘nói không với người ngoài’ này của HĐQT công ty đã khiến cổ phiếu ITA không còn giữ được tính hấp dẫn, kéo giá chứng khoán này từ mức đỉnh trên 30.000 đồng/ cp năm 2007 xuống đáy 3.500 đồng/ cp cuối năm 2012.

Năm 2013, ITA cần một lượng vốn lớn để thực hiện các dự án của mình khi dư địa phát hành cổ phiếu nội bộ đã cạn, chỉ cho phép họ phát hành thêm 30 triệu cổ phiếu thưởng và 28 triệu cổ phiếu khác chi trả cổ tức, thì ITA đã tính tới một nước cờ đầy khôn ngoan. Họ phát hành 115,7 triệu cổ phiếu cho các cổ đông chiến lược theo hình thức cấn trừ tương ứng với khoản phải trả cho các cổ đông chiến lược này.

Chỉ bằng bước đi trên, ITA đã dễ dàng chuyển đổi hàng nghìn tỉ đồng trong danh mục “Nợ phải trả” sang “Vốn cổ phần”, giúp cán cân và các con số trên BCTC của ITA trở nên sạch hơn rất nhiều.

Với nước cờ tương tự, trong hai năm 2014, 2015, ITA huy động được thêm 2.200 tỷ đồng từ các cổ đông chiến lược, đồng thời tiếp tục biến số nợ này thành vốn cổ phần – một danh mục tạo nên vốn chủ sở hữu.

Như vậy, trong 10 năm lên sàn, phương thức huy động vốn chủ yếu của ITA là phát hành cho cổ đông hiện hữu. Trong số hơn 800 triệu cổ phiếu phát hành trong giai đoạn này, 42% dùng để cấn trừ nợ, 37% để chi trả cổ tức, 14% để trả thưởng, chỉ có vẻn vẹn 7% được tung ra thị trường dưới hình thức cổ phiếu thường.

Vốn cổ phần của ITA thời điểm 31/12/2015 là 8.384 tỷ đồng, gấp gần 30 lần thời điểm lên sàn năm 2006. Vốn chủ sở hữu là 9.277 tỷ đồng, gấp 22 lần.

Quá trình tăng vốn liên tục và tương đối dễ dàng của ITA đặt ra câu hỏi là tại sao nhiều đối tác chiến lược của ITA lại đồng ý chuyển đổi các khoản nợ trị giá hàng trăm tỉ đồng sang cổ phiếu, mà quy ra giá trị thị trường chỉ còn non nửa, trong khi đã có những bài học mất vốn nhãn tiền trước đó.

Và nữa, tại sao HĐQT ITA lại ưa thích hình thức phát hành cổ phiếu nội bộ. Có phải do cổ phiếu của ITA hấp dẫn tới mức mọi nhà đầu tư đều muốn sở hữu, hay còn ‘uẩn khúc’ nào khác.

Những vấn đề trên sẽ được ANTT.VN phân tích trong kì tới, mang tên: “Ma trận ‘đối tác chiến lược’ của Tân Tạo”.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến