KCN Hoàng Mai: Công ty họ “dầu khí” và dự án 800 tỷ bỏ hoang
03/04/2015 07:06:22
ANTT.VN – Được chủ đầu tư là một doanh nghiệp có "họ" dầu khí rót tiền, Khu công nghiệp Hoàng Mai những tưởng sẽ trở thành cột mốc đột phá cho ngành công nghiệp nơi dải đất miền Trung, tuy nhiên, sau 8 năm khởi công, dấu hiệu “công nghiệp” ở dự án này ngoài cái cổng chào hoành tráng thì chỉ còn lại mấy ống cống bê tông vứt chỏng chơ được người dân tận dụng làm quán nước, nơi ở…

Tin liên quan

Cổng vào hoành tráng của một KCN là nơi tránh nắng của đàn bò

Khu công nghiệp chỉ có bò...

Với tổng mức đầu tư 812 tỷ đồng, Dự án Khu công nghiệp Hoàng Mai (Nghệ An) được xây dựng trên định hướng quy hoạch xây dựng vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ và là một trong những khu công nghiệp được ghi vào danh mục các KCN ưu tiên phát triển. Theo đó, chọn mặt gửi vàng, Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí V.I.P Việt Nam (PVCOM) - trong đó Công ty CP Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An góp 51% giá trị vinh dự được giao làm chủ đầu tư dự án.

Phần lớn đất đai thuộc KCN trở thành bãi cỏ nuôi bò

Bà Bùi Thị Lễ, người nông dân có nước da rám nắng đầu hè, nói với phóng viên rằng “khu công nghiệp” người ta khởi công xây dựng từ năm 2008. “Đến nay ngót nghét gần chục năm rồi, chẳng có nhà máy chi cả, chẳng có công nhân chi cả, chỉ có bò, có cây bạch đàn, có người dân bán nước thôi”, bà Lễ cho hay.

Nhìn từ quốc lộ 1A, mặt tiền cổng vào KCN Hoàng Mai bị che chắn bởi dãy lều quán lụp xụp do người dân dựng lên để bán hàng mưu sinh. Họ ghép các  ống bê tông lại với nhau thành những khối đường ống kiên cố, biến nó thành những ngôi nhà ở và quán hàng.

“Công nghiệp chi, chỉ có cái cổng mới biết là người ta làm KCN, chứ vào trong là đất trống, cứ như mấy chục sân bóng ghép lại. Thấy nhiều năm rồi không ai làm nên chúng tôi mua lại các ống bê tông, thuê máy cẩu ghép lại để ở đây bán hàng luôn”, một nữ chủ quán cho biết.

Đường ống bê tông trở thành “ứng dụng thông minh” ngay trước lối vào KCN

Phía sau các lều quán này, giữa con đường chính đi vào KCN, cả đàn bò đứng, nằm chắn ngang đường.

Phía sau cánh cổng hoành tráng là khung cảnh đìu hiu đến khó tin. Nhà điều hành của chủ đầu tư dự án vắng hoe hoắt, không một bóng người. Bãi đất mênh mông ngổn ngang các khối bê tông chỏng chơ lẫn giữa bùn đất. Hàng trăm con bò nhởn nhơ gặm cỏ bên dãy đèn điện cao áp trơ trọi.

Tổng diện tích 289,67 ha đất thuộc quy hoạch xây dựng dự án đang là những bãi đất trống cỏ mọc ngút ngát, dân địa phương tận dụng trồng bạch đàn hoặc tranh thủ trồng lúa trên chính phần đất nông nghiệp của gia đình đã bị thu hồi.

Giới thiệu phối cảnh tổng thể của chủ đầu tư, dự án này được lấp đầy với nhiều khối nhà nối nhau, tạo nên một không khí công xưởng sản xuất rầm rộ. Nhưng gần chục năm sau ngày khởi công, ngoài văn phòng điều hành vắng hơi người, cả khu đất gần 300ha mới chỉ có hai công trình xây dựng quy mô 2 tầng còn bỏ giang dở. Những viên gạch đầu tiên của ngôi nhà chịu sương gió bắt đầu mốc meo, sắt thép cũng không đủ cứng với sương trời nên đổi màu hoen gỉ. “Nghe nói khu công nghiệp do công ty dầu khí gì đó ở Vinh (thành phố Vinh, Nghệ An) họ làm, người dân ban đầu tin tưởng lắm, nhưng nay “cháy” hết rồi”, một người dân nói về kết cục của dự án.

Bơ vơ vì … cơ khí, may mặc

Là vùng quê thuần nông, “no đói” trông cả vào cây lúa, nhưng khi có chủ trương thu hồi đất, người dân cũng đặt nhiều kỳ vọng vào sự thay da đổi thịt cho làng quê nghèo khi con em trong xã được nhận vào làm việc tại KCN Hoàng Mai. Thế nhưng, khác với những ngày đầu rầm rộ, “âm hưởng” cho sự đổi đời giờ cũng tan nhanh như bóng mây. Người dân mất đất, con em đi học phục vụ dự án thất nghiệp, chính quyền địa phương lại ở trong thế không thể làm gì khác hơn ngoài việc liệt kê các số liệu để nói về sự hoành tráng của dự án tâm điểm một thời.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Bí thư Đảng uỷ xã Quỳnh Lộc, cho biết: “Để thực hiện dự án KCN Hoàng Mai, xã đã bị thu hồi 129,6 ha đất nông nghiệp, đất công ích tại các xóm 6, 7, 8, 9, 10 từ năm 2009. Cho đến hiện tại, do chưa thực hiện được nên quỹ đất này cũng bị bỏ hoang, rất lãng phí”. Theo ông Bắc, phần lớn diện tích đất đã bị thu hồi để phục vụ dự án là đất nông nghiệp trước đó đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định 64 của Chính phủ.

Một công trình xây dựng dang dở bị “bỏ rơi” từ lâu, sắt thép hoen rỉ

Theo Trưởng thôn 9a xã Quỳnh Lộc - Ông Lê Văn Trình, thôn của ông cũng bị thu hồi gần 30 ha đất nông nghiệp, chiếm 80% tổng diện tích đất nông nghiệp của thôn. “Có 17 ha là đất trồng lúa hai vụ, còn lại là đất một vụ lúa và trồng hoa màu. Nhiều lao động trong thôn đã đi học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp nhưng khu công nghiệp không hoạt động nên đã đi làm công nhân, làm thuê nơi khác. Những người không đi làm thuê được thì tận dụng canh tác trên đất đã bị thu hồi được bữa nào hay bữa đó”, ông Trình nói. 

Không riêng gì thôn 9a của ông Trình, để đáp ứng quy hoạch, dự án KCN Hoàng Mai đã phải thu hồi đất ai thuộc 3 xã, phường là Quỳnh Lộc, Quỳnh Thiện và Quỳnh Dị. “Thực hiện chủ trương chuyển đổi nghề nghiệp cho nhân dân địa phương, chúng tôi đã liên kết mở các lớp đào tạo nghề. Đã có hơn 300 người được đào tạo nghề cơ khí, may mặc để chuyển đổi nghề khi dự án đi vào hoạt động. Tuy nhiên, dự án bị trì trệ nên những người đi học nghề xong cũng chưa biết làm gì. Tư tưởng của người dân cũng bị ảnh hưởng nhiều”, ông Bí thư Đảng uỷ xã Quỳnh Lộc lắc đầu, ngao ngán.

Tương lại của KCN Hoàng Mai hàng tăm ha đất sẽ đi về đâu? Người dân chân đất cũng khó tìm được câu trả lời chuẩn xác, trong khi đó, chủ đầu tư của nó, giờ cũng đang gập gềnh trong giai đoạn khó khăn với những con số tài chính bết bát không dễ có dấu hiệu hồi sinh...

Nguyên Hùng 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến