Dòng sự kiện:
Kết thúc kiểm toán, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị kiến nghị xử lý tài chính
03/01/2019 09:23:31
Kết thúc kiểm toán dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính tới 23,45% so với giá trị được kiểm toán.

Báo cáo kết quả công tác năm 2018, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V Hoàng Ngọc Dương cho biết, trong năm 2018, KTNN chuyên ngành V được giao thực hiện 21 cuộc kiểm toán với 5 cuộc kiểm toán bổ sung, trong đó có cuộc Kiểm toán quyết toán vốn Nhà nước tại các Tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng trước khi cổ phần hóa; Kiểm toán dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam thực hiện.

Ông Hoàng Ngọc Dương cho biết, tổng kiến nghị xử lý tài chính tổng hợp theo BCKT đã phát hành và dự thảo BCKT đến ngày 28/12/2018 là 8.655,62 tỷ đồng, gồm: Thu hồi nộp NSNN và tăng thu thuế các loại604,18 tỷ đồng; Giảm thanh toán, quyết toán 876,45 tỷ đồng; Xử lý tài chính khác 725,92 tỷ đồng; Kiến nghị hoàn thiện hồ sơ, thủ tục làm cơ sở quyết toán 6.449,75 tỷ đồng.

So với kết năm 2017 cho thấy: Tổng giá trị xử lý tài chính đạt 226,83% (8.655,62/3.815,92 tỷ đồng). Trong đó, kiến nghị tăng thu NSNN, giảm chi đầu tư xây dựng đạt 173% (1.480,63/857,25 tỷ đồng); kiến nghị hoàn thiện hồ sơ, thủ tục làm cơ sở quyết toán đạt 218% (6.449,75/2.958,66 tỷ đồng).

Qua kiểm toán, KTNN chuyên ngành V đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung công tác quản lý điều hành, chế độ chính sách 06 kiến nghị đối với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng.

KTNN Chuyên ngành V đã quán triệt đến các Kiểm toán viên, Tổ kiểm toán và các Đoàn kiểm toán thực hiện Quyết định số 1793/QĐ-KTNN ngày 4/11/2016 của Tổng Kiểm toán nhà nước về đánh giá và xếp loại chất lượng thành viên Đoàn kiểm toán, kết quả ghi nhận từ việc đánh giá kết quả kiểm toán của các Đoàn kiểm toán trong năm các Kiểm toán viên, Tổ kiểm toán, Đoàn kiểm toán đều đạt yêu cầu. Nhiều Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán có kết quả xử lý tài chính cao, nhiều kiến nghị về điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách có giá trị trong thực tiễn trong đó có Đoàn kiểm toán dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông kiến nghị xử lý tài chính tới 23,45% so với giá trị được kiểm toán (trong đó kiến nghị thu hồi, giảm trừ thanh, quyết toán đạt 9,18%).

Kiểm toán dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính tới 23,45% so với giá trị được kiểm toán.

Căn cứ vào kế hoạch kiểm toán được giao, năm 2019 KTNN chuyên ngành V sẽ triển khai thực hiện 17 cuộc kiểm toán, bao gồm: 1 cuộc kiểm toán hoạt động; 3 cuộc kiểm toán chuyên đề; 9 cuộc kiểm toán dự án đầu tư xây dựng; 3 cuộc kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2018 của các Tổng công ty.

Báo cáo tổng kết năm, KTNN chuyên ngành Ib cũng cho biết, kết thúc năm 2018, đơn vị đã hoàn thành 14 cuộc kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính hơn 1 nghìn tỷ đồng, bằng 228% so với kết quả năm 2017.

Các báo cáo kiểm toán trong năm có nhiều kiến nghị về chấn chỉnh công tác quản lý, điều hành, quản lý và sử dụng tài chính công, chấn chỉnh công tác quản lý các hoạt động có thu; chấn chỉnh công tác quản lý đất an ninh và quản lý hoạt động liên doanh, liên kết; công tác thực hiện luật đấu thầu trong mua sắm tài sản, ô tô; công tác quản dự án đầu tư xây dựng cơ bản... Cùng với đó, đơn vị này đã ban hành hàng loạt kiến nghị, sửa đổi văn bản, chính sách, chế độ đối với một số văn bản của Văn phòng Trung ương Đảng, Thành ủy Hải Phòng, Tỉnh ủy Quảng Ninh, Bộ Công an...

Dự kiến trong năm 2019, KTNN chuyên ngành Ib sẽ thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đối với các lĩnh vực: Tài chính Đảng; Khối an ninh; Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

Do lĩnh vực kiểm toán của đơn vị liên quan đến lĩnh vực tài chính Đảng, khối an ninh, nên Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trong triển khai hoạt động vừa phải đảm bảo tiến độ, vừa phải thận trọng, chặt chẽ; đảm bảo các kết luận kiểm toán đưa ra được đơn vị được kiểm toán “tâm phục, khẩu phục”, nhất là trong điều kiện Luật Phòng chống tham nhũng 2018 sẽ có hiệu lực vào năm 2019.

Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông được bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào năm 2008 với tổng mức đầu tư ban đầu là 552,86 triệu USD. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD. Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD).

Dự án có chiều dài 13km, với 13 đoàn tàu, do công ty TNHH Trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) chế tạo. Mỗi đoàn tàu có bốn toa xe với tổng chiều dài 79m, trong đó toa đầu dài 20m, toa giữa dài 19,5m.

Tốc độ thiết kế tối đa của đoàn tàu là 80km/giờ, tốc độ khai thác trung bình lớn hơn hoặc bằng 35km/giờ, sức chở khoảng 960 người, tối đa 1.326 người. Dự kiến khi đi vào khai thác ở giai đoạn đầu, tần suất chạy tàu 5-6 phút/chuyến, về sau sẽ nâng lên 2-3 phút/chuyến, mỗi giờ vận chuyển tối đa được 28.500 hành khách. Thời hạn hoàn thành của dự án được ấn định lại là cuối năm 2018.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến