Dòng sự kiện:
Kêu khó khăn, nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn lãi lớn
27/10/2021 14:48:29
Tiêu thụ trong quý III của BSR tăng 20% và lợi nhuận sau thuế tăng gấp 2,9 lần cùng kỳ năm ngoái, kéo dài chuỗi 5 quý có lãi liên tiếp.

Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị quản lý nhà máy lọc dầu Dung Quất) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với kết quả tăng trưởng cao so với cùng kỳ.

Trong đó doanh thu thuần cao gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái đạt gần 17.700 tỷ đồng. Giá vốn cũng tăng đáng kể theo quy mô doanh thu nhưng có phần chậm hơn, nhờ đó công ty báo lãi gộp tăng đến 129% đạt hơn 640 tỷ đồng.

Công ty cho biết sản lượng sản xuất và tiêu thụ tăng đáng kể. Trong quý III/2020, nhà máy đã sản xuất được 875.000 tấn sản phẩm và tiêu thụ 926.000 tấn; tuy nhiên trong quý này sản xuất đã tăng lên 1,45 triệu tấn và tiêu thụ đạt hơn 1,11 triệu tấn, lần lượt tăng trưởng 66% và 20% so với cùng kỳ.

Lãi 5 quý liên tiếp

Doanh thu tài chính cũng tăng mạnh 118% lên mức gần 291 tỷ đồng, chủ yếu nhờ tăng lãi tiền gửi ngân hàng và hưởng lợi chênh lệch tỷ giá. Trong khi đó, chi phí tài chính chỉ tăng 57% lên 148 tỷ đồng, phần lớn là lãi vay. Như vậy hoạt động tài chính có lãi 143 tỷ đồng, gấp 3,7 lần cùng kỳ.

Các chi phí hoạt động cũng tăng đáng kể trong kỳ. Cụ thể chi phí bán hàng cao gấp đôi cùng kỳ đạt gần 208 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi phí vận chuyển bán LPG và dịch vụ mua ngoài khác. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 28% lên hơn 84 tỷ đồng.

Tổng hợp các biến động, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý vừa qua đạt 470 tỷ đồng, gấp 2,9 lần mức nền thấp cùng kỳ năm trước. Đây đã là quý thứ 5 liên tiếp có lãi của doanh nghiệp chuyên về lọc hóa dầu này.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, BSR báo cáo doanh thu thuần tăng 63% lên gần 66.600 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là doanh thu từ dầu DO (0,05% S) với tỷ trọng gần 35% và doanh thu từ Mogas 95 là gần 32%. Biên lợi nhuận gộp đạt 7% trong khi cùng kỳ năm trước âm tới 9%.

Lợi nhuận sau thuế theo đó đạt gần 4.000 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 4.095 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ ghi nhận 4.021 tỷ đồng, tương đương mức EPS lũy kế từ đầu năm đạt 1.297 đồng.

Theo giải trình, giá dầu thô 9 tháng đầu năm nay liên tục tăng mạnh. Giá Dated Brent liên tục tăng từ 49,9 USD/thùng bình quân tháng 12/2020 lên 74,6 USD/thùng bình quân tháng 9/2021. Trong khi cùng kỳ năm trước giá dầu thô bình quân chỉ đạt 40,8 USD/thùng, thậm chí có thời điểm giảm sâu về 18,5 USD/thùng.

Bên cạnh đó, khoảng chênh lệch giá dầu thô và giá sản phẩm chính (crack spread) trong năm ngoái khá thấp tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh, trong khi crack spread 9 tháng đầu năm nay diễn biến tốt hơn.

Trong năm 2021, nhà máy đặt mục tiêu sản lượng khoảng 6,5 triệu tấn; doanh thu 70.661 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 864 tỷ đồng (trên kịch bản giá dầu bình quân chỉ 45 USD/thùng). Như vậy nhờ giá dầu cải thiện, công ty đã hoàn thành 94% kế hoạch doanh thu và vượt 359% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Sự khởi sắc về hoạt động giúp cho lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh kể từ đầu năm tiếp tục mở rộng lên gần 2.237 tỷ đồng, mạnh hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy dòng tiền từ hoạt động đầu tư bị âm (do đẩy mạnh việc chi mua các công cụ nợ) và dòng tiền từ hoạt động tài chính cũng âm (do tăng trả nợ gốc vay).

Tồn kho cao kỷ lục

Kết quả kinh doanh có lãi của BSR là khá bất ngờ khi trước đó doanh nghiệp này khẳng định gặp nhiều khó khăn trong việc bán hàng cũng như quản lý tồn kho dầu lớn.

Giữa tháng 8, tỉnh Quảng Ngãi từng có văn bản đề nghị Thủ tướng quan tâm, xem xét cho chủ trương ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy trong nước để đảm bảo cân đối cung cầu, giảm thiểu nguồn nhập khẩu xăng dầu nhằm hỗ trợ ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của các đơn vị trong nước.

Đơn cử như BSR ghi nhận sản lượng tiêu thụ giảm mạnh và thiếu sức chứa do nhu cầu giảm đột ngột, các thương nhân đầu mối đã giảm/dừng nhận hàng tại nhà máy với khối lượng rất lớn. Hơn nữa việc giãn lịch nhận hàng đã làm tồn kho tăng lên rất nhanh giai đoạn cuối tháng 7 và đầu tháng 8.

Trong nửa cuối tháng 8, nhà máy lọc dầu tại Quảng Ngãi tồn kho đến 640.000 m3 xăng, dầu các loại và dầu thô. Kéo theo đó là công suất hoạt động bị hạ xuống mức tối thiểu 80% khi không còn sức tồn chứa, dẫn đến nguy cơ phải dừng nhà máy.

Sang tới tháng 9, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, nhà máy đã nhanh chóng tăng công suất hoạt động lên 85% từ ngày 22/9 và 100% ngay từ đầu tháng 10.

Thực tế trên báo cáo quý III, giá trị hàng tồn kho của BSR vẫn ghi nhận con số rất lớn kỷ lục trên 17.500 tỷ đồng, tăng hơn 9.100 tỷ so với thời điểm đầu năm khi liên tục gia tăng trong các quý vừa qua.

Tồn kho của doanh nghiệp chủ yếu ở dạng thành phẩm với giá trị hơn 6.800 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 39%. Điều này cho thấy áp lực lưu trữ rất lớn những cũng là cơ hội sinh lời đầy tiềm năng khi giá xăng dầu bán lẻ đang tăng mạnh lên vùng đỉnh 7 năm.

Tính đến hết tháng 9, Lọc hóa dầu Bình Sơn có quy mô tổng tài sản là 62.552 tỷ đồng, tăng 12% so với thời điểm đầu năm. Doanh nghiệp duy trì quỹ tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn tổng cộng gần 15.400 tỷ đồng, chiếm 25% quy mô tài sản.

Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ vay tại cuối quý là hơn 12.000 tỷ đồng, giảm gần 8% so với đầu năm do tăng cường trả nợ gốc. Hiện doanh nghiệp chủ yếu vay ngắn hạn ngân hàng tại VietinBank, BIDV… còn nợ vay dài hạn toàn bộ từ VDB.

Hiện BSR là doanh nghiệp nhà nước khi Tập đoàn dầu khí Việt Nam đang nắm giữ 92,12% trên vốn điều lệ 31.005 tỷ đồng. Công ty đang có hơn 4.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, trong khi hồi đầu năm chỉ có gần 28 tỷ đồng.

Tác giả: Huy Lê

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến