Dòng sự kiện:
Khai quật khảo cổ tại công trình kiến trúc bằng đá độc nhất vô nhị tại Việt Nam
22/03/2018 22:18:26
Theo khuyến nghị của các chuyên gia, cần có những nghiên cứu về kết cấu, địa chất... khu vực Thành nội để xác định mức độ sụt lún và đưa ra các kế hoạch, cảnh báo và bảo tồn di sản Thành nhà Hồ một cách lâu dài.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê duyệt kế hoạch khai quật khảo cổ nghiên cứu cấu trúc và kỹ thuật xây dựng tường thành Di sản thế giới Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).

Thành nhà Hồ là công trình kiến trúc bằng đá cổ độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Thành nhà Hồ là công trình kiến trúc bằng đá cổ độc nhất vô nhị ở Việt Nam, được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, là kinh đô của nước Đại Việt - vương triều Trần từ năm (1389 - 1400) và kinh đô của nước Đại Ngu - vương triều Hồ từ năm (1400 - 1407).

Theo đánh giá của UBND tỉnh Thanh Hóa, trải qua thời gian hơn 600 năm, mặt tường thành bị tác động của thiên nhiên làm biến dạng, kết cấu mặt tường thành bị xô nghiêng ra phía ngoài; đồng thời do ảnh hưởng của cơn bão số 10 năm 2017 đã làm sạt lở một đoạn tường thành tại vị trí phía Đông Bắc (cách cổng Bắc 200m), thuộc địa phận xã Vĩnh Tiến. Đoạn sạt lở có chiều dài 6,9m, cao 4m, 54 khối đá đã đổ xuống, khối lượng đất đá sạt lở ước tính khoảng 20m3.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 10 năm 2017 khiến một đoạn tường thành bị sạt lở

Đồng thời, thực hiện khuyến nghị chuyên gia ICOMOS cần có những nghiên cứu về kết cấu, địa chất... nền móng khu vực Thành nội để xác định mức độ sụt lún gây ra sạt lở và đưa ra các kế hoạch, cảnh báo và bảo tồn di sản một cách lâu dài.

Việc khai quật “lát cắt tường thành” để nghiên cứu cấu tạo về mặt cắt ngang, cấu tạo nền móng và kỹ thuật xây dựng tường thành, địa chất khu vực nhằm đánh giá hiện trạng, đề xuất phương án bảo vệ, bảo tồn.

Nhiều đoạn tường thành cũng bị xô nghiêng ra phía ngoài

Trên cơ sở xem xét mục đích cấp thiết đặt ra, diện tích khai quật đợt này là 400m2 (Hố khai quật có kích thước 40m x 10m). Khu vực mở hố khai quật đảm bảo không ảnh hưởng đến kết cấu kiến trúc tường thành. Trong quá trình khai quật, tiến hành kè hai bên vách của tường thành bằng ván gỗ cốt pha xây dựng theo độ sâu khai quật.

Từ kết quả nghiên cứu khảo cổ, khi hoàn trả mặt bằng cũng lần lượt hoàn trả theo từng lớp đất như khai quật (theo đúng kỹ thuật xây dựng thành cổ bao gồm có việc dựng lại đá và lần lượt trả lại các lớp đất đắp thành) và dự trù chống lún.

Đã có nhiều cuộc khảo cổ học tại Di sản thế giới Thành nhà Hồ

Nhiều hiện vật được phát hiện trong quá trình khai quật khảo cổ

Để đảm bảo chống sụt lở vách tường thành trong quá trình khai quật, cần tiến hành kè hai bên vách của tường thành bằng ván gỗ cốt pha xây dựng theo độ sâu khai quật. Kỹ thuật kè ván sẽ được áp dụng theo hiện trạng hố khai quật và theo tình hình thực tế về an toàn lao động và có tính cơ hữu trong quá trình nghiên cứu khảo cổ.

Việc tiến hành khai quật khảo cổ học được triển khai trong vòng 120 ngày với tổng dự toán kinh phí thực hiện là gần 4,8 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách phục vụ sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch năm 2018.

Theo Dân trí

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến