Khi USD thiếu hụt, nhiều doanh nghiệp tại Argentina tìm đến nhân dân tệ. Ảnh: Reuters.
Khi nguồn USD quá khó tiếp cận, ngay cả chi nhánh tại Argentina của Whirlpool - ông lớn đồ gia dụng Mỹ - cũng xem xét sử dụng nhân dân tệ để nhập khẩu các thiết bị cho nhà máy mới.
Đây không phải trường hợp cá biệt. Trên khắp Argentina, tình trạng thiếu hụt USD đang thúc đẩy các công ty lớn sử dụng nhân dân tệ nhiều hơn.
Xu hướng này vừa cho thấy tình hình tài chính tồi tệ mà Argentina đang phải đối mặt, vừa khẳng định tham vọng đưa đồng nhân dân tệ trở thành một trong những công cụ thanh toán chính của thế giới mà Trung Quốc đang theo đuổi.
“Ngân hàng trung ương (Argentina) không có USD. Do đó, họ cần gói cứu trợ khẩn cấp mà Trung Quốc đề xuất”, ông Marcelo Elizondo, chuyên gia kinh tế - thương mại tại thủ đô Buenos Aires, nói.
Phương án đối phó khủng hoảng
Hơn 500 doanh nghiệp Argentina đã đề nghị chi trả chi phí nhập khẩu bằng nhân dân tệ. Các doanh nghiệp này hoạt động trong đa dạng lĩnh vực từ điện tử, dệt may, ôtô tới dầu mỏ và khai khoáng, theo cơ quan hải quan Argentina.
Ngân hàng trung ương Argentina cho biết đã cấp phép thanh toán 2,9 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu bằng nhân dân tệ. Trong 10 ngày đầu tháng 6, tổng giá trị giao dịch bằng nhân dân tệ trên thị trường tiền tệ Argentina lên tới 285 triệu USD, gấp đôi tổng giá trị trong cả tháng 5.
Tỷ lệ giao dịch bằng nhân dân tệ trên thị trường ngoại tệ Argentina trong ngày cũng đạt mức kỷ lục mới lên tới 28% - so với 5% hồi tháng 5.
Whirlpool - công ty đồ gia dụng có trụ sở tại Mỹ - là một trong những doanh nghiệp đang xem xét sử dụng nhân dân tệ thay vì USD. Sau khi gặp khó khăn trong nhập khẩu hàng hóa, đây là phương án giúp công ty đảm bảo nguồn cung các cấu phần thiết bị điện tử luôn ổn định.
Ngân hàng trung ương Argentina cho biết đã cấp phép thanh toán 2,9 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu bằng nhân dân tệ. Ảnh: Reuters.
“Chúng tôi đã phải cho nhà máy dừng hoạt động ở một số thời điểm. Đây là điều không tốt với hoạt động kinh doanh, năng suất lẫn chất lượng”, ông Juan Carlos Puente, người đứng đầu chi nhánh của Whirlpool tại Mỹ Latin, nói.
Bên cạnh Whirlpool, nhiều công ty lớn của Argentina khác như Mirgor hay Newsan cũng đã lựa chọn nhân dân tệ để trả tiền nhập khẩu hàng hóa. Các công ty trên đã chi trả 630 triệu USD bằng nhân dân tệ cho các đơn hàng nhập khẩu từ tháng 5 tới tháng 8.
Đồng peso của Argentina đã mất một nửa giá trị trong 12 tháng qua, con số cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi. Dự trữ USD của ngân hàng trung ương Argentina đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Trong khi đó, Argentina cũng mới ghi nhận mức nhập siêu lên tới 1,2 tỷ USD trong tháng 5, cao nhất kể từ khi khủng hoảng tiền tệ nổ ra năm 2018. Tình trạng này càng gây áp lực lên đồng peso.
Argentina đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với hy vọng sớm nhận được thêm tiền từ gói cứu trợ 44 tỷ USD. Tuy vậy, Argentina đang không tuân thủ các mục tiêu được IMF đề ra sau khi quốc gia này phải hứng chịu một đợt hạn hán mạnh, gây thiệt hại khoảng 20 tỷ USD giá trị nông sản xuất khẩu và khiến tình trạng thiếu USD thêm trầm trọng.
"Lựa chọn duy nhất"
Trong những năm qua, Trung Quốc đã thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ ở quy mô toàn cầu như phương án thay thế USD, qua đó mở rộng vai trò của Trung Quốc trong hệ thống tài chính quốc tế.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã ký kết thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với khoảng 40 quốc gia trong những năm qua, cũng như mở rộng hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) - vốn tạo điều kiện cho các giao dịch bằng nhân dân tệ.
Tăng vị thế của đồng nhân dân tệ là mục tiêu PBOC đang theo đuổi. Ảnh: Reuters.
Brazil, nước láng giềng của Argentina, cũng có ý định tăng sử dụng đồng nhân dân tệ trong thanh toán.
Tuy vậy, tại Argentina, đồng nhân dân tệ được coi là giải pháp ngắn hạn nhằm giữ nền kinh tế vận hành giữa lạm phát và chính sách liên tục thay đổi của chính phủ.
Trung Quốc và Argentina đã ký hiệp ước hoán đổi tiền tệ từ năm 2009. Đây được coi là chính sách “bảo hiểm” giúp các nước tăng dự trữ ngoại hối giữa khủng hoảng.
“Lựa chọn duy nhất của Argentina là tiếp cận nguồn nhân dân tệ qua thỏa thuận với Trung Quốc”, bà Maria Castiglioni, Giám đốc hãng tư vấn C&T Asesores tại Buenos Aires, nói.
Tác giả: Việt Hà
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy