Khẩu chiến giá dầu tại Davos 2015
22/01/2015 14:13:16
ANTT.VN - Giá dầu sẽ tăng vọt thay vì tiếp tục giảm xuống mức 20$/thùng. Đó là lời khẳng định chắc nịch của tổng thư ký Hiệp Hội các Nước Xuất khẩu Dầu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF 2015 tại Davos, Thụy Sĩ.

Tin liên quan

 
Hôm qua 21/1 tại Diễn đàn Davos, OPEC đã bảo vệ quyết định không can thiệp vào sự sụt giảm dầu, bỏ ngoài tai ý kiến của các tập đoàn dầu lửa lớn nhất thế giới rằng những chính sách thiên vị của tổ chức này sẽ tạo thiếu hụt nguồn cung dầu và đầu tư sản xuất nhiên liệu quý này trong tương lai.

Giá dầu đã giảm xuống dưới 50$/thùng, hơn 50% kể  từ tháng 6/2014 do ngành công nghiệp dầu đá phiến tại Mỹ phát triển cũng như nhu cầu sụt giảm toàn cầu. Quyết định không cắt giảm sản lượng của OPEC trong thời điểm này bị nghi ngờ ảnh hưởng bởi những yếu tố chính trị nhắm vào Nga, quốc gia mà GDP dựa chủ yếu vào xuất khẩu dầu. Trong khi đó các nhà sản xuất lớn như Ả Rập kiên quyết giữ thị phần cũng góp phần “đổ thêm dầu vào lửa”.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2015, người đứng đầu những tập đoàn dầu lửa lớn nhất thế giới cảnh báo về hệ lụy của giá dầu thấp sẽ khiến sụt giảm nguồn đầu tư vào sản xuất nhiên liệu này trong tương lai. Điều này dẫn đến thiếu hụt nguồn cung và kết quả là giá thành sẽ tăng lên.

Claudio Descalzi, giám đốc công ty năng lượng Eni Spa của Ý cho rằng trừ phi OPEC có động thái bình ổn giá dầu, nếu không việc giá dầu tăng lên 200 USD cho mỗi thùng dầu sản xuất ra là hoàn toàn có thể trong những năm tới.

“Điều chúng ta cần là sự ổn định…OPEC giống như là NHTW của thị trường dầu và đó là trách nhiệm của tổ chức này”, ông Descalzi phát biểu với báo giới.

Giám đốc tập đoàn dầu lửa Total Patrick của Pháp cũng có chung ý kiến với ông Descalzi “ Tới năm 2030 hơn một nửa sản lượng dầu trên thế giới sẽ biến mất. Cần có nguồn tiền đầu tư để tiếp tục sản xuất thêm 50 triệu thùng/ngày”.

Ông dự đoán giá dầu sẽ duy trì mức thấp trong hơn 1 năm và dần dần phục hồi bởi sản lượng từ ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ đang có dấu hiệu chững lại.

Đáp lại những lời kêu gọi thống thiết này, cả OPEC và Ả Rập, 2 nhà cung dầu lớn nhất thế giới vẫn tiếp tục bám chặt lấy nòng súng của mình.

Tổng thư ký OPEC Al-Badri cho rằng nếu tháng 11 vừa rồi tổ chức này ra quyết định cắt giảm sản lượng thì sẽ phải duy trì đợt cắt tiếp theo và tiếp theo nữa bởi các nước không phải thành viên OPEC sẽ nhân đây để tăng sản lượng sản xuất.

Ông Badri nói: “Mọi người đều bảo chúng tôi phải cắt giảm sản lượng. Nhưng tôi cũng muốn hỏi lại các bạn, chúng tôi sản xuất với chi phí cao hay thấp? Hãy sản xuất dầu với chi phí thấp trước rồi tính sau đến chi phí cao. Giá thành của nhiên liệu này chắc chắn sẽ tăng. Tôi đã thấy việc này lặp đi lặp lại 3,4 lần trong cuộc đời rồi… Giá dầu sẽ không xuống mức 20$ hay 25$ mà sẽ giữ vững ở mức hiện này…chúng tôi đã thấy điều này xảy ra trước đây – giá dầu xuống nhanh và tăng dần dần.”

Ông Al-Badri cho biết những chính sách của OPEC không nhắm đến Nga, I ran hay Hoa Kỳ.

Giám đốc Công ty Dầu lửa quốc gia Ả Rập, ông Khalid al-Falid cũng tỏ ra bình tĩnh và cho rằng chẳng mấy nữa thị trường dầu sẽ tự động cân bằng.

Ai thua trước?

Tổng thư ký OPEC cũng cho rằng những nhà sản xuất dầu không thuộc OPEC cần giá dầu ở mức ít nhất 100$ để duy trì sản lượng. Và họ là những người nên cắt giảm sản lượng trước bởi OPEC đã phải làm như vậy suốt nhiều thập kỷ qua. OPEC giải thích quyết định giữ nguyên sản lượng vào tháng 11 là nếu tổ chức này cắt giảm thì họ sẽ phải duy trì việc đó trong năm 2016.

I rắc, thành viên lớn thứ 2 của OPEC cũng thất thoát hơn 50% lợi nhuận do giá dầu sụt giảm và liên tiếp tăng sản lượng, phó thủ tướng Rowsch Nuri cho biết tại WEF ở Davos ngày hôm qua (21/1).

Cuộc chiến xem ai phải cắt giảm sản lượng trước, các quốc gia thuộc OPEC và không thuộc OPEC có lẽ chưa thể phân giải được tại Davos 2015.

Tú Anh (theo Reuters)
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến