Dòng sự kiện:
Khen thưởng nhầm & tham nhũng lại có nhân thân … tốt?
27/09/2016 09:12:07
“Thế gian này tôi đã đi ngàn dặm - Có thể nhiều hơn cơ - Nhưng tham nhũng lại “có nhân thân tốt - Quả tôi chưa thấy bao giờ”...

Tin liên quan

(Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội đã chỉ ra hai tình tiết giảm nhẹ đang bị áp dụng sai trong xét xử tội phạm tham nhũng tại phiên thảo luận tại UB Thường vụ QH về tình hình phòng chống tham nhũng ngày 21/9 vừa qua.

Thứ nhất là về nhân thân tốt, ông Bộ nói: "Một số bị cáo đã tham nhũng cách đây vài ba năm giờ mới khởi tố, đến khi xét xử lại áp dụng tình tiết giảm nhẹ là bị cáo có nhân thân tốt. Anh tốt thì anh đã không tham nhũng. Đằng này anh tham nhũng nhiều lần, số lượng lớn".

Quá đúng!

Tham nhũng không phải là loại tội “ăn cắp vặt”, bị bắt quả tang. Tức là một phút trước, anh (chị) ta là người tốt nhưng do một phút bồng bột, lòng tham nổi lên, không tự chủ được, ăn cắp và bị bắt ngay tại trận. Nếu như thế, nói “nhân thân tốt” có thể còn tạm nghe được.

Còn tham nhũng là cả một quá trình, thậm chí từ cái nhỏ đến cái lớn, vụ nhỏ đến vụ lớn rồi còn bày mưu, tính kế hàng tháng, hàng năm, thậm chí nhiều năm sau đó mới tham nhũng và có thể phải vài ba năm sau mới bị bắt.

Thế tức là anh (chị) ta chưa bị lộ chứ cái hành vi ăn cắp đó có trong người họ từ lâu rồi, có thể vụ việc còn được suy nghĩ, ủ mưu… sắp đặt rất bài bản.

Thế thì sao lại là “nhân thân tốt” được nhỉ? Nếu không bị phát hiện, thực tế anh (chị) ta vẫn là kẻ ăn cắp và trước sau cũng vẫn chỉ là đồ ăn cắp. Nếu như công nhận anh (chị) ta là tốt, hóa ra công nhận một kẻ cắp là… tốt.

Thứ hai là đối với lĩnh vực khen thưởng, ông Bộ cũng nói rất hay, rằng: “Khen thưởng trong thời kỳ anh ta đã và đang tham nhũng, chỉ là chưa bị phát hiện, là khen thưởng nhầm. Giờ không được áp dụng tình tiết đó nữa thì mới chống được tham nhũng”.

Thêm một lần quá đúng.

Việc anh (chị) ta được khen thưởng suy cho cùng, cũng là một hành vi “ăn cắp” bằng cách khai man, dối trá, bịp bợm… thành tích để lừa các cơ quan chức năng hòng chiếm đoạt phần thưởng. Còn việc trao tặng cho anh ta là do nhầm lẫn, do không phát hiện ra, do tưởng tội là công… của các cơ quan chức năng.

Nếu áp dụng tình tiết này, vô hình trung công nhận khen thưởng cho… gian dối!

Có lẽ vì áp dụng hai tình tiết trên, nên không ít vụ án tham nhũng “đầu voi, đuôi chuột”, án treo là… chủ yếu. Vụ việc ban đầu thì rất to, rất kiên quyết nhưng càng về sau, hình thức xử phạt càng teo lép dần, thậm chí chỉ còn là… xử phạt hành chính.

Cách đây 4 năm (11/2012), tại phiên thảo luận về phòng, chống tham nhũng, bà Lê Thị Nga khi đó là Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Quốc hội đã đặt vấn đề chỉ cần bị phạt tù không quá 3 năm, có tình tiết giảm nhẹ và có nhân thân tốt là được hưởng án treo. Trong khi đó, chỉ người có chức vụ quyền hạn mới tham nhũng được, lại là những người theo lý lịch đều nhân thân tốt, chưa kể các tình tiết như có thành tích, huân huy chương, phạm tội lần đầu...

"Tại sao các vụ án về trật tự trị an, thời gian càng kéo dài thì càng mở rộng án, đối tượng phát hiện ngày càng nhiều, tính chất phạm tội càng nghiêm trọng, chứng cứ càng được củng cố chặt chẽ, nhưng với án tham nhũng thì ngược lại, càng kéo dài thời gian xử lý càng thu hẹp phạm vi đối tượng, tính chất phạm tội, thay đổi tội danh, tài liệu chứng cứ, thậm chí bị mất theo hướng có lợi cho đối tượng phạm tội, sau đó không còn xử lý được nữa?". Bà Nga nói.

Tóm lại, người tốt không ăn cắp và ăn cắp không thể là “nhân thân tốt”. Cũng không ai khen thưởng cho đối tượng gian dối. Do đó, nếu như vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ vì “nhân thân tốt” và “có thành tích, được khen thưởng” đối với tội danh tham nhũng thì có thể sẽ biến thành “lá bùa” và khi ấy, vô tình công nhận ăn cắp là… tốt.

Đó là chưa kể, “thân nhân tốt” và khen thưởng ở ta thường là dành cho… cán bộ. Còn dân thường thì mấy ai được khen thưởng. Cho nên cuối cùng, thân nhân tốt và khen thưởng tức là dành “cửa” cho quan.

Trong khi đáng lý đối với những người có chức, có quyền, tức là có sự hiểu biết cao về luật pháp mà cố tình vi phạm đáng lý phải xử nặng hơn, phải không các bạn?

Xin mượn lời trong bài dân ca Mỹ “Bốn đêm say” do Nhà thơ Thái Bá Tân dịch cho bài viết này:

“Thế gian này tôi đã đi ngàn dặm - Có thể nhiều hơn cơ - Nhưng tham nhũng lại “có nhân thân tốt - Quả tôi chưa thấy bao giờ”

Theo Dân trí

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến