Dòng sự kiện:
Khi chính quyền lên 'phây'
19/12/2015 09:42:44
UBND TP Hà Nội vừa có thông báo gửi các sở, ngành, quận, huyện về việc cung cấp thông tin chỉ đạo, điều hành trên Facebook có tên gọi là "Thủ đô Hà Nội - Việt Nam".

Tin liên quan

Ngoài ra, Hà Nội cũng dự kiến mở thêm một số kênh thông tin trên mạng xã hội khác. Mục đích là để nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Với tính năng chia sẻ nhanh và rộng rãi, khả năng truyền tải thông tin của mạng xã hội đã được khẳng định, có tính cạnh tranh cao, thậm chí có thể tạo hiệu ứng mạnh mẽ hơn so với nhiều loại hình truyền thông khác. Chính vì thế mà mạng xã hội đang ngày càng chiếm ưu thế và trở thành một kênh thông tin hữu ích trong cuộc sống.

Ở nhiều nước, rất nhiều chính khách danh tiếng đã tham gia mạng xã hội. Tổng thống Mỹ Barack Obama được đánh giá là "ông vua mạng xã hội", có tài khoản ở Facebook, Twitter, BlackPlanet… Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng là những người có tài khoản Facebook với hàng triệu người theo dõi.

Hồi tháng 10, trang thông tin điện tử Chính phủ cũng đã có tài khoản trên Facebook với tên gọi "Thông tin Chính phủ" nhằm đưa thông tin hoạt động của Chính phủ rộng rãi hơn trên internet.

Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng mạng xã hội không chỉ giúp chuyển tải tin nhanh mà còn làm cho người lãnh đạo, cho bộ máy chính quyền với người dân gần nhau hơn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhanh hơn với thông tin chính thức từ chính quyền. Ngoài ra, đó cũng là một đối trọng để điều chỉnh những thông tin không chính thức.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng: Ghi danh trên một trang mạng xã hội không khó, nhưng để nó hoạt động hiệu quả, thực sự thu hút được người dân là chuyện không dễ. Ứng xử thế nào trên các trang mạng này là cả vấn đề khi trên đó không chỉ đơn thuần là sự trao đi một chiều mà có tính tương tác hai chiều. Có thông tin gửi đến người dân, nhưng chính quyền cũng cần nhận được ý kiến phản hồi từ người dân và phải sẵn sàng tiếp thu, trả lời minh bạch các thắc mắc, trao đổi với người dân.

Cách thức trao và nhận thông tin như thế nào chính là yếu tố quyết định hiệu quả của kênh thông tin này. Nói cách khác, lập địa chỉ Facebook không phải là để phát đi thông tin mà qua đó bộ máy "công bộc" cần biết lắng nghe tâm tư nguyện vọng, tiếp thu những ý kiến hữu ích để đưa vào hoạt động điều hành, phục vụ người dân. Chính quyền cần coi đó là công cụ, phương tiện phục vụ công việc hằng ngày và "chăm bẵm" nó thường xuyên.

Trong bối cảnh chi phí công đang ngày càng nhiều, sự vận động của xã hội ngày càng nhanh thì việc tạo lập "chính quyền điện tử" là cần thiết. Hy vọng rằng kênh thông tin này của Hà Nội sẽ sớm phát huy hiệu quả cao nhất!

Theo Hà Nội Mới

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến