Như đã đưa tin, ông Nguyễn Quang Tuấn (nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm trong đấu thầu gây thiệt hại nghiêm trọng", quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Bình luận về vụ việc, độc giả Nguyễn Cường cho rằng, "cần điều tra thật kỹ, phạt đúng người, đúng tội, tất cả mọi người dân bất cứ là ai đều phải thượng tôn pháp luật".
Tuy nhiên, cũng nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối cho một người tài, một bàn tay vàng trong làng phẫu thuật tim mạch của Việt Nam, vì không vượt qua được sự cám dỗ mà đánh mất cả tương lai, sự nghiệp. Độc giả Thanh Hoa viết: "Ông có tội thì phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Mong rằng, sau khi mãn hạn tù, ông có thể tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp y học nước nhà".
Bị cáo Nguyễn Quang Tuấn (Ảnh: Hải Nam).
Nhiều độc giả có cùng chung suy nghĩ như độc giả Thanh Hoa. Cũng có ý kiến cho rằng sau khi hết hạn tù, ông Tuấn cũng không thể tiếp tục hành nghề y được nữa. Vậy ý kiến này có đúng không, pháp luật có cho phép bác sĩ được tiếp tục hành nghề sau khi đã vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự?
Trao đổi với phóng viên, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội cho biết, theo quy định tại Bộ luật hình sự, ông Tuấn có thể bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung là bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tuy nhiên, việc có áp dụng hình phạt bổ sung đối với vị bác sĩ này hay không, áp dụng hình phạt bổ sung nào thì phải căn cứ vào sự cân nhắc, xem xét, đánh giá của hội đồng xét xử vụ án.
Mặt khác, căn cứ điểm g khoản 1 Điều 29 Luật khám chữa bệnh 2009, chứng chỉ hành nghề bị thu hồi trong trường hợp: "Người hành nghề thuộc một trong các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 18 của Luật này".
Theo đó, chứng chỉ hành nghề bị thu hồi trong: "…trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y, dược theo bản án, quyết định của tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự".
Theo đó, nếu bị truy tố hoặc bị kết án thì trước hoặc trong thời gian chấp hành hình phạt tù, bác sĩ sẽ bị thu hồi thẻ hành nghề khám chữa bệnh. Khi nào chấp hành xong án phạt tù, bác sĩ Tuấn phải chứng minh đủ các điều kiện để xin cấp lại chứng chỉ hành nghề.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định 109/2016/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề trong trường hợp chứng chỉ bị thu hồi do người hành nghề được xác định có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh bao gồm: Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề; Giấy chứng nhận đã cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo quy định của Bộ Y tế cùng một số giấy tờ khác như văn bằng chuyên môn hay văn bằng cử nhân y khoa.
Đi tù về sẽ đến tuổi nghỉ hưu, thì có thể làm ở các bệnh viện tư hay không?
Theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội.
Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Ngoài ra, người lao động cao tuổi được quy định cụ thể tại Điều 148 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
- Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật này.
- Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.
- Nhà nước khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.
Hơn nữa hiện nay, Luật khám chữa bệnh không có quy định về việc cấm bác sĩ nghỉ hưu làm việc tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.
Như vậy, sau khi ra tù và thực hiện các thủ tục hành nghề, bác sĩ Tuấn vẫn có thể được hành nghề bác sĩ theo quy định trên. Tuy nhiên, bác sĩ Tuấn cần chú trọng đến thời giờ làm việc, cũng như các vấn đề sức khỏe.
Tác giả: Khả Vân
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy