Thống kê giao dịch tuần, khối ngoại tiếp tục bán ròng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng, tập trung ở mã HPG (-709 tỷ đồng), STB (-378 tỷ đồng), đồng thời, hai mã SHB và VIC cũng bị bán ròng lần lượt 212 tỷ đồng và 196 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn có MWG (-177 tỷ), VCI (-144 tỷ), KBC (-143 tỷ)...
Chiều ngược lại, cổ phiếu được mua ròng mạnh là PSR (227 tỷ đồng) và VIX 226 tỷ đồng. Khả năng cao đây là động thái mua vào từ các ETF ngoại khi VIX được FTSE Rusell thêm mới vào rổ chỉ số FTSE Vietnam Index - chỉ số tham chiếu của FTSE Vietnam ETF.
Khối ngoại cũng mua ròng mạnh tại cổ phiếu VNM và VCB, giá trị hơn 191 tỷ và 155 tỷ đồng. Trong danh sách mua ròng còn có BSI 91 tỷ đồng, DGC và HDG với giá trị lần lượt là 67 tỷ đồng và 60 tỷ đồng.
Đối với dòng vốn ETF, thống kê của SSI Research cho biết, tháng 8, các quỹ ETF đầu tư vào Việt Nam đã bị rút ròng -3.404 tỷ đồng, đây là mức rút ròng theo tháng lớn nhất từ trước đến nay và đưa giá trị dòng vốn ETF từ đầu năm giảm xuống còn 2.051 tỷ đồng.
Xét về thị trường, toàn bộ nhóm quỹ có tỷ trọng lớn từ nhà đầu tư châu Á (Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan) đều bị rút mạnh. Trong đó, dẫn đầu là Fubon (-1.274 tỷ đồng). Mặc dù lượng vốn rút chỉ tương đương 6% tài sản quỹ nhưng việc rút đều đặn đã phần nào tác động đến TTCK Việt Nam. Tương tự, các quỹ KIM Kindex Vietnam (-1.081 tỷ), DCVFM VN30 (-898 tỷ), và VNDiamond (-865 tỷ) cùng rơi vào trạng thái rút mạnh.
Nhóm quỹ đến từ thị trường Âu Mỹ cũng chịu áp lực rút vốn nhưng mức độ nhỏ hơn. Cụ thể, quỹ iShares MSCI FM ETF và Xtracker FTSE Vietnam bị rút -409 tỷ và -189 tỷ đồng trong tháng 8.
Dòng vốn ETF vào Việt Nam có tỷ trọng chủ yếu đến từ các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài và tương quan nghịch chiều với biến động tỷ giá. Thông thường các giai đoạn tỷ giá USD/VND có biến động mạnh trong tháng (tháng 6/2018, tháng 3/2020, tháng 10/2022) cũng là những giai đoạn dòng vốn ETF ghi nhận rút ròng.
Tỷ suất lợi nhuận của các quỹ ETF vẫn ghi nhận mức sinh lời khả quan kể từ đầu năm đến nay. Điểm tích cực trong tháng là quỹ CGS Fullgoal Vietnam 30 Sector Cap ETF với quy mô IPO 25,5 triệu USD đã được niêm yết trên SGX vào ngày 25/8.
Trong khi đó, dòng tiền đầu tư từ các quỹ chủ động đang cho thấy sự thận trọng. Khác với giai đoạn đầu năm khi định giá thị trường ở mức thấp, yếu tố có thể giúp thúc đẩy dòng vốn từ các quỹ chủ động tiếp tục vào thị trường Việt Nam là kỳ vọng tích cực hơn về tăng trưởng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp và các biện pháp hỗ trợ thực tế hơn từ phía Chính phủ có thể là một điểm cộng. Tuy nhiên, rủi ro cũng cao hơn trong trường hợp tăng trưởng không đạt như kỳ vọng.
Tác giả: Nhã An
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy