Dòng sự kiện:
Không mới như chuyện... “cả họ làm quan”
25/02/2017 10:43:38
Tuần rồi, cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ thu hút sự chú ý của báo chí khi bộ này công bố danh sách chín tỉnh, 58 cán bộ thuộc dạng “cả họ làm quan”, trong đó, số người nhà có quan hệ ruột thịt là 18 người, số người nhà có quan hệ họ hàng là 40 người. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo bộ này kiểm tra thông tin phản ánh của báo chí và đây là... kết quả.

Tin liên quan

Báo chí đã phản ánh thì hẳn chuyện này không mới với họ, chỉ có điều chắc chắn danh sách kiểu như thế này trên thực tế không chỉ dừng tại những con số được nêu. Mới chăng, là ở động tác kiểm tra (tuy ở thế bị động) và công bố thông tin của một bộ có trách nhiệm về công tác cán bộ. Mới chăng, là ở sự chờ đợi, quan sát (một lần nữa) khoảng cách giữa lời nói và hành động, khi một thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết trước mắt cán bộ thuộc diện người nhà sẽ nằm trong tầm ngắm thay thế qua con đường miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức... bên cạnh các giải pháp căn cơ đã được nói đến rất nhiều trong thời gian qua như hoàn thiện các quy định về quy hoạch nhân sự, điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm lãnh đạo, chế tài đối với sai phạm...

(Ảnh: Vietnamnet)

Lưu ý rằng việc kiểm tra trên của Bộ Nội vụ là kiểm tra trên cơ sở các quy định hiện hành được cho là chưa hoàn thiện (với kết luận tất cả các trường hợp trên đều thiếu một số tiêu chuẩn theo luật định). Có nghĩa rằng bản thân việc “cả họ làm quan” theo luật là... không sai. Còn nhớ, báo chí đã nhiều lần đặt vấn đề và mở nhiều cuộc thảo luận về một số trường hợp người nhà cùng làm quan ở cấp cao nhưng khi đó, “bảo bối” đúng quy trình được đưa ra, cho dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt yêu cầu về công tác cán bộ là “tìm người tài” chứ không “tìm người nhà” và “đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ”.

Không bàn đến mối nguy người nhà không phải người tài nhưng “ghế trên ngồi tót sỗ sàng” do được cả... họ dọn sẵn (vì có vẻ dễ thống nhất quan điểm hơn), ngay cả khi người nhà và người tài là một, câu hỏi đặt ra: quy trình có nên cho phép... cả họ phục vụ trong bộ máy công quyền hay không? Các thiết chế quản trị doanh nghiệp nhà nước hiện nay cấm một số người có quan hệ gia đình đảm nhận một số chức vụ quan trọng, cái lý của nó là gì? Để từ đó suy ra, mối nguy trục lợi, tham nhũng chính sách và cả tham nhũng... vặt từ các liên minh quyền lực gia đình sẽ như thế nào! Mối nguy đó so với lợi ích từ sự phục vụ cùng nhau có tương xứng và nước ta có thiếu người tài đến mức “dồn cả họ làm quan”? So với khu vực tư, yêu cầu kiểm soát quyền lực, nhất là khi quyền lực có điều kiện thuận lợi để liên minh với nhau, cần đặt ra cao hơn. Nếu người nhà quan chức của ta quả thật có tài, khu vực tư hiện nay đã rộng đất để họ dụng võ.

Nhân nói chuyện người tài, cũng tuần rồi, báo chí tường thuật rằng sau khi nghe giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM báo cáo về việc thu hút người tài trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã phát biểu: Nếu cứ đòi hộ khẩu (thành phố) sao thu hút được người tài. Sau đó, giám đốc Sở Nội vụ thành phố cho biết sẽ đề xuất bỏ quy định về hộ khẩu trong việc tuyển công chức, viên chức. Trong trường hợp này, không phải “người nhà” cản trở “người tài” mà là ta tự làm khó mình. Lạc hậu như cái hộ khẩu không chỉ trói người dân mà trói cả chính cơ quan nhà nước đẻ ra và áp dụng nó.

Cùng dòng thời sự, vào đầu tuần này, khi Bí thư Đà Nẵng đăng đàn trả lời phỏng vấn về đề án tiến cử quy hoạch cán bộ dưới 35 tuổi để tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban thường vụ Thành ủy quản lý và cán bộ chủ chốt thành phố mà Đà Nẵng mới ban hành, nhiều người vừa mừng vừa lo. Mừng vì chủ trương trẻ hóa cán bộ có bước đi cụ thể. Lo vì với câu hỏi đề án trên “có cho phép lãnh đạo thành phố tiến cử người thân của mình vào diện quy hoạch?”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trả lời rằng: “Hiện chưa có quy định nào cấm lãnh đạo tiến cử người thân vào diện quy hoạch. Nhưng tôi tin rằng lãnh đạo họ có liêm sỉ khi tiến cử một người thân của mình vào quy hoạch. Cán bộ lãnh đạo đủ độ nhạy cảm để biết rằng mình có nên giới thiệu người thân của mình vào quy hoạch hay không, khi biết rõ người thân mình không có năng lực”. Làm sao kiểm định được cái gọi là liêm sỉ hay độ nhạy cảm của cán bộ lãnh đạo đây? Nếu lấy đó làm thước đo, thì ta nghĩ gì với các trường hợp “cả họ làm quan” mà Bộ Nội vụ vừa công bố?

Niềm tin của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng không phải là một sự đảm bảo, cho nên nỗi lo về việc cài cắm hậu duệ - cài cắm lợi ích, về căn bệnh nan y “đúng quy trình” vẫn hiện hữu. Bộ Nội vụ hứa sẽ hoàn thiện pháp luật về công tác cán bộ, nếu không làm được điều đó, những chuyện không mới như “cả họ làm quan” sẽ không bao giờ là cũ.

Theo TBKTSG  

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến