Dòng sự kiện:
Khu vực Kinh tế châu Âu sẽ áp dụng chính sách tài chính thắt chặt hơn
24/03/2024 06:02:11
Chính sách tài chính thắt chặt hơn sẽ giúp giảm lạm phát và ổn định tài chính công, sau tình trạng chi tiêu quá mức do đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng giá năng lượng gây ra.

Đồng euro. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 22/3 đã nhất trí về một chính sách tài chính thắt chặt hơn đối với Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) vào năm 2025, nhằm giúp giảm lạm phát và ổn định tài chính công, sau tình trạng chi tiêu quá mức do đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng giá năng lượng gây ra.

EEA có 30 thành viên, bao gồm 27 nước thuộc EU và 3 nước thuộc Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA).

Tại cuộc họp thượng đỉnh EU ngày 22/3, Hội đồng châu Âu đã tán thành khuyến nghị về chính sách kinh tế của EEA. Theo đó, các quy định tài chính mới sẽ yêu cầu một chính sách tài khóa tổng thể chặt chẽ hơn trong khu vực này vào năm 2025.

Điều này sẽ phù hợp với triển vọng kinh tế vĩ mô hiện tại, với nhu cầu tiếp tục tăng cường tính bền vững về tài chính và hỗ trợ quá trình giảm phát đang diễn ra, đồng thời các chính sách nên duy trì sự linh hoạt trước tình hình bất ổn hiện hành.

Trước đó, vào ngày 11/3, các Bộ trưởng Tài chính của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã nhất trí về hướng dẫn chính sách tài khóa cho năm 2025 nhằm tính đến các quy định tài chính mới, giúp có thêm thời gian để cắt giảm nợ, trong khi vẫn duy trì đầu tư.

Tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo 27 quốc gia EU đã thông qua kế hoạch đã được các Bộ trưởng Tài chính EU nhất trí về cách thức thu hút vốn tư nhân vào châu Âu để tài trợ cho quá trình chuyển đổi sinh thái và kinh tế kỹ thuật số, tăng tính cạnh tranh về các công nghệ và nguyên liệu thô quan trọng.

Mục đích là tạo ra một Liên minh Thị trường vốn (CMU) của EU, giảm bớt các rào cản đối với đầu tư tư nhân xuyên biên giới. Đây là nhiệm vụ của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu trong nhiệm kỳ tiếp theo, sau cuộc bầu cử vào tháng Sáu tới.

Theo Chủ tịch nhóm các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro (Eurogroup) Paschal Donohoe, tạo ra một thị trường vốn chung hoạt động tốt và hiệu quả thông qua việc thúc đẩy CMU là điều cần thiết đối với châu Âu.

Ông Paschal Donohoe nhấn mạnh CMU là một trong những thành phần quan trọng trong trọng tâm đổi mới về khả năng cạnh tranh của khu vực đồng euro, vốn là yếu tố bắt buộc để ứng phó với những thay đổi sâu sắc đang diễn ra.

Ủy ban châu Âu (EC) dự báo thâm hụt ngân sách tổng thể của khu vực đồng euro vào năm 2024 sẽ giảm xuống 2,8% GDP, so với mức 3,2% GDP trong năm 2023 và sau đó giảm nhẹ xuống 2,7% GDP vào năm 2025.

Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương châu Âu, lạm phát tiêu dùng sẽ giảm từ 5,4% vào năm 2023 xuống 2,3% vào năm 2024 và sau đó xuống 2,0% vào năm 2025, đạt 1,9% vào năm 2026.

Chiến lược hội nhập thị trường vốn sẽ là chủ đề thảo luận sâu hơn trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh bất thường EU dự kiến diễn ra vào các ngày 17-18/4 tới ở Brussels./.

Tác giả: Hương Giang

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Công ty Khoa Lê chuyên Dịch vụ chứng minh tài chính du lịch uy tín nhất hiện nayDịch vụ chứng minh tài chính lùi ngày nào uy tín nhất
Đang phổ biến