Lực lượng an ninh Myanmar vào ngày 28/2 nổ súng và bắt hàng loạt người biểu tình. Một quan chức nhân quyền của Liên Hợp Quốc dẫn "nguồn tin đáng tin cậy" nói ít nhất 18 người thiệt mạng và 30 người bị thương ở Myanmar sau các vụ trấn áp. Báo Guardian (Anh) mô tả khung cảnh ở Yangon, thành phố lớn nhất và là trung tâm tài chính của Myanmar, như "chiến trường".
Ngày 28/2 đánh dấu số người thiệt mạng cao nhất trong phong trào biểu tình vốn đã kéo dài một tháng ở Myanmar. Quân đội bắt giữ bà Aung San Suu Kyi cùng nhiều lãnh đạo dân cử khác, rồi giành quyền kiểm soát đất nước vào ngày 1/2.
Tại Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar, ít nhất 3 người chết vì trúng đạn và 16 người khác bị thương hôm 28/2. Một người đàn ông 31 tuổi đang trong tình trạng nguy kịch, theo một bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Yangon.
Theo Reuters, tiếng súng nổ vang lên gần như ngay sau khi cuộc biểu tình bắt đầu vào sáng 28/2 ở Yangon. Cảnh sát cũng bắn hơi cay và dùng vòi rồng để giải tán người biểu tình. Một số hình ảnh vỏ đạn thật mà lực lượng an ninh Myanmar sử dụng đã được đăng trên mạng xã hội, dù các tấm hình này chưa được xác thực.
Bốn người thiệt mạng ở thành phố Dawei, miền Nam Myanmar. Truyền hình quân đội Myanmar nói người biểu tình ở Dawei không giải tán theo yêu cầu.
Hình ảnh đổ máu, hỗn loạn và người dân xuống đường biểu tình tràn ngập mạng xã hội Myanmar. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres vào ngày 28/2 lên án việc dùng bạo lực trấn áp biểu tình ở nước này.
AP dẫn thông tin từ một tổ chức quốc tế cho biết khoảng 1.000 người bị lực lượng an ninh Myanmar bắt vào ngày 28/2.
Đường phố ở Yangon tràn ngập hơi cay và người phản đối cuộc chính biến. Nhiều người đội mũ và kính bảo hộ, cố gắng chạy đến nơi an toàn.
Hành động của cảnh sát Myanmar ngày 28/2 không chỉ giới hạn ở một khu vực hoặc thành phố. Trên khắp Myanmar, từ sáng sáng sớm, cảnh sát đã xuất hiện để trấn áp biểu tình. Động thái này báo hiệu nỗ lực tăng cường sử dụng vũ lực của lực lượng an ninh Myanmar, Wall Street Journal nhận định.
Người biểu tình yêu cầu quân đội thả và khôi phục quyền lực cho các nhà lãnh đạo dân sự. Những buổi tổng đình công và tuần hành của họ thu hút hàng trăm nghìn người, bao gồm cả sinh viên, công nhân nhà máy, nhân viên ngân hàng, chủ các cửa hàng và công chức.
Nhà chức trách Myanmar ngắt kết nối Internet vào mỗi đêm, và tiến hành những vụ bắt giữ hàng loạt. Những người bị bắt gồm chính trị gia đối lập, nhà hoạt động, người biểu tình và một số nhà báo.
"Các trường hợp tử vong do đạn thật bắn vào đám đông được ghi nhận ở Yangon, Dawei, Mandalay, Myeik, Bago và Pokokku", Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tuyên bố, và cho biết lực lượng an ninh cũng sử dụng lựu đạn choáng và hơi cay.
Theo AP, việc xác nhận con số thương vong của những người biểu tình gặp nhiều khó khăn, trong bối cảnh hỗn loạn và thiếu thông tin từ các nguồn chính thức, đặc biệt là ở các khu vực bên ngoài Yangon, Mandalay và thủ đô Naypyitaw.
Các video và hình ảnh cho thấy người biểu tình bỏ chạy khi cảnh sát tấn công. Họ cũng dựng các rào chắn tạm thời để làm chậm bước tiến của lực lượng an ninh. Một số người ném trả bình hơi cay về phía cảnh sát.
Tác giả: Như Trần
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy