Tin liên quan
Một máy xúc bị vùi lấp bởi đất đá tại mỏ than Shuanghe thuộc Longmay Group - Công ty khai thác than quốc doanh lớn nhất vùng đông bắc Trung Quốc. Ảnh: Business Insider
Theo báo cáo mới nhất từ tổ chức môi trường Hòa Bình Xanh Greenpeace, mức tiêu thụ than trên toàn cầu đã giảm tới 4,6% trong 9 tháng đầu năm, tương đương với 180 triệu tấn.
Báo cáo này cũng chỉ ra rằng những nỗ lực nhằm chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành công nghiệp than, nguồn tạo ra khí CO2 lớn nhất trong các loại năng lượng.
“Kỉ nguyên than đá những năm đầu thế kỉ 21 đã kết thúc. Chính sách chuyển hướng sang các loại nhiên liệu sạch hơn sẽ giúp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, qua đó kìm hãm hiện tượng nóng lên toàn cầu”, Lauri Myllyvirta, chuyên gia tại Greenpeace cho biết.
“Khí thải từ tiêu dùng than đá sẽ phải giảm 4% mỗi năm cho tới 2040 nếu không muốn nhiệt độ trên toàn cầu tăng thêm 20C, mức có thể dẫn tới một sự thay đổi khí hậu nghiêm trọng”, ông Lauri nhận định.
Xu hướng mới trên toàn cầu
Với mức sản lượng 3,89 tỉ tấn trong năm 2014, Trung Quốc là nhà sản xuất và cũng là nhà tiêu thụ than đá lớn nhất thế giới. 66% sản lượng điện của Trung Quốc được tạo ra từ than trong năm ngoái, theo Hiệp hội Công nghiệp Than Trung Quốc (CCIA).
Tuy nhiên kể từ cuối năm 2013, sự tăng trưởng trong ngành công nghiệp năng lượng của Trung Quốc chủ yếu đến từ các loại năng lượng thay thế. Hệ quả là nhu cầu về than của nước này đã giảm tới 4% trong khi nhập khẩu cũng giảm tới 31% trong 9 tháng đầu năm.
Ở Mỹ, thị phần than đá trong sản xuất điện đã giảm xuống 36% trong năm nay so với mức 50% một thập kỉ trước. Hơn 200 nhà máy điện-than với mức sản lượng 83 gigawatt cũng đã được lên kế hoạch cho nghỉ hưu, báo hiệu bước chuyển mình mạnh mẽ trong cơ cấu sản xuất điện của nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn phụ thuộc tới 2/3 vào các loại năng lượng hóa thạch (than, khí tự nhiên, dầu mỏ).
Bên kia Đại Tây Dương, nhu cầu than trong khối Eurozone được dự báo sẽ ổn định sau khi giảm mạnh kỉ lục 6,5% trong năm ngoái, theo Greenpeace.
Trong khi đó, các nhà sản xuất than có thể sẽ thấy ánh sáng le lói ở Ấn Độ. Nền kinh tế đang tăng trưởng tốt của nước này cần nhiều năng lượng hơn để tạo đà cho những năm được dự báo là khó khăn sắp tới. Nhu cầu than ở nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á đã tăng tới 5% trong 9 tháng đầu năm, trong bối cảnh các nhà đầu cơ đang tăng cường mua vào tích trữ.
“Giá than đã rơi xuống đáy nhiều năm qua. Và có vẻ người Ấn đang rất muốn tận dụng điều này”, đại diện Greenpeace cho biết.
Năng lượng thay thế
Trong báo cáo thường niên hồi đầu tháng trước, Tổ chức Năng lượng thế giới IEA chỉ ra rằng năng lượng thay thế (NLTT) sẽ là xu hướng tất yếu của thế giới trong tương lai ngắn hạn cũng như dài hạn, với hai động lực chính là chi phí ngày càng được tối ưu và sự tham gia tích cực từ các nước đang phát triển.
“Sản lượng các loại NLTT có thể lên tới 700 GW trong 5 năm tới, chiếm 2/3 tổng sản lượng tăng lên trên toàn cầu”, IEA viết.
Tổ chức này tỉ lệ sản lượng của các loại NLTT sẽ tăng lên hơn 26% năm 2020 từ mức 22% trong năm 2013, sự thay đổi rất đáng chú ý chỉ trong một thời gian ngắn như vậy. Trong 5 năm nữa, tổng sản lượng NLTT toàn cầu sẽ đủ đáp ứng nhu cầu điện năng của ba nền kinh tế đang phát triển lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ, và Brazil.
“Các quốc gia đang phát triển sẽ đóng vai trò chính trong sự thay đổi này. Riêng Trung Quốc sẽ chiếm 1/3 đầu tư và 40% tăng trưởng NLTT trên toàn cầu vào năm 2020”, IEA nhận định.
Nghi Điền
Nên đọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy