Dòng sự kiện:
Kịch bản nào cho kinh tế thế giới năm 2022?
07/09/2021 18:24:20
Còn hàng loạt rủi ro, các vết thương hằn sâu không thể chữa lành trong hệ thống kinh tế toàn cầu, mà trong đó COVID-19 chỉ là cú đánh bồi khiến tình hình thêm trầm trọng.

Công xưởng thế giới - Trung Quốc đang giảm tốc

Hàng tỷ liều vaccine đã được tiêm, hàng tỷ cơ số vaccine chuẩn bị phân phối từ nay đến cuối năm nay, cùng khoảng thời gian này có thêm vài loại vaccine mới ra đời được cấp phép. Đây là cơ sở khoa học tiên quyết để đạt được miễn dịch cộng đồng ở những khu vực quan trọng.

COVID-19 chưa xuất hiện thêm biến chủng nào nguy hiểm hơn Delta, điều đó có nghĩa thế giới có cơ hội tập trung chiến đấu với 1 kẻ thù. Cũng có thể virus corona đã hết “phép”, đã đạt đến phiên bản thông minh nhất của nó.

Châu Âu đã mở cửa, bắt đầu từ nước Anh, sang Pháp, Đức, Ý, từ các hoạt động kinh tế căn bản đến xa xỉ đã hoạt động trở lại. Ở “lục địa già” cuộc thí nghiệm khổng lồ hồi tháng 6 đã cho kết quả khả quan - tỷ lệ lây lan và tử vong có xu hướng giảm.

Thành trì cố thủ chống dịch cuối cùng đã gỡ bỏ ở Australia, New Zealand, bắt đầu hé cửa đón các hoạt động kinh tế, tái hòa nhập, nhiều sáng kiến được đưa ra để không bị đóng băng trong đại dịch. Ví dụ, hộ chiếu sức khỏe điện tử của Hiệp hội hàng không toàn cầu, luồng vaccine ở Singapore.

Theo các chuyên gia, rủi ro kinh tế mấy tháng cuối năm và năm sau 80% là do dịch bệnh. Vì vậy, các tín hiệu khả quan trong công cuộc chống dịch cũng mang lại triển vọng nối lại hoạt động kinh tế trên phạm vi toàn cầu.

Nói thì vậy, song, cơ cấu kinh tế toàn cầu vốn phụ thuộc nhau từ lâu. Chỉ một vài khu vực, quốc gia phục hồi không có nghĩa là toàn cầu phục hồi. Phần lớn hy vọng nằm ở các nền kinh tế lớn như Trung Quốc - công xưởng thế giới, Mỹ, EU - thị trường xuất khẩu quan trọng bậc nhất.

Không có nhiều lạc quan kinh tế thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ

Dĩ nhiên, sự phục hồi không dành cho tất cả mà phụ thuộc vào luồng vaccine. EU không thể làm ăn với đối tác là các quốc gia chưa được tiêm chủ đủ đạt mức an toàn, đó là châu Phi, Đông Nam Á, Nam Á. Đơn cử, chỉ mỗi “hộ chiếu sức khỏe điện tử” cũng chỉ các nước tiêm chủng cao mới tham gia được.

Trong khi đó chính tại những khu vực này là nguồn cung lao động, nguyên nhiên liệu, nhà xưởng sản xuất trực tiếp phục vụ các nền kinh tế lớn. Đây chính là rào cản cần giải quyết bằng cơ chế COVAX - chương trình viện trợ phân phối vaccine thông qua WHO.

Trong trường hợp tốt nhất Trung Quốc có thể khôi phục sản xuất 80 đến 90%. Nhưng câu hỏi đặt ra là sản xuất để bán cho ai? Ai cung cấp nguyên, nhiên liệu sản xuất khi dịch bệnh chưa thể kiểm soát ở các nước đối tác! Cần biết Trung Quốc vất vả tốn kém như thế nào để kiểm soát các ổ dịch mới?

Cũng là Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bất ngờ giảm tăng trưởng, cả về sản lượng công nghiệp lẫn doanh số bán lẻ không ghi nhận chỉ số tích cực. Nhiều năm nay vẫn thế, kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại nếu Trung Quốc không đạt trạng thái tốt nhất.

Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy nghiêm trọng, điều này xảy ra từ khi Mỹ - Trung chiến tranh thương mại. Ví dụ, Mỹ, Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Hà Lan đột ngột thay đổi chính sách khiến nguồn cung đất hiếm bị gián đoạn, hệ quả là thiếu hụt nguồn chip, ảnh hưởng sâu sắc đến hầu hết các ngành công nghiệp.

Đến thời điểm hiện tại, chuỗi cung ứng nguồn hàng chiến lược này vẫn chưa được nối lại. Trung Quốc không đủ khả năng thiết kế và sản xuất chip dưới 7nm, Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan có công nghệ chế tạo nhưng thiếu nguyên liệu. Trong khi đó chuỗi cung ứng công nghệ do châu Âu đề xuất liên minh với Mỹ, Nhật Bản chỉ mới là lý thuyết.

Còn rất nhiều vấn đề cố hữu, hàng loạt rủi ro, các vết thương hằn sâu không thể chữa lành trong hệ thống kinh tế toàn cầu, mà trong đó COVID-19 chỉ là cú đánh bồi khiến tình hình thêm trầm trọng.

Tác giả: Trương Khắc Trà

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến