Kiểm tra trạm thu phí “nghi gian lận”: Chỉ để đối phó với dư luận?
29/08/2016 16:31:41
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam cho rằng, việc kiểm tra các trạm thu phí nghi gian lận chỉ là giải pháp tức thời, không phải giải pháp lâu dài.

Tin liên quan

Liên tiếp các trạm thu phí bị thanh, kiểm tra

Thời gian gần đây, sau những bức xúc của dư luận và ngay cả các chủ đầu tư các dự án BOT giao thông cũng nghi ngờ nhau gian lận trong việc thu phí đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã thành lập các đoàn thanh, kiểm tra, giám sát việc thu phí tại một số trạm thu phí.

Đầu tháng 7 vừa qua, sau những tố cáo lẫn nhau giữa các nhà đầu tư góp cổ phần trong dự án, Tổng cục Đường bộ đã lập đoàn kiểm tra, giám sát việc thu phí 10 ngày liên tục tại các trạm thu phí của dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ (Hà Nội) theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).

Kết quả giám sát của Tổng cục Đường bộ tại trạm phí trên cho thấy, trung bình trong 10 ngày, mức phí thu được “chênh lệch” lên tới 700 triệu đồng/ngày so với các tháng trước đó trước khi giám sát.

Đại diện liên danh nhà đầu tư dự án này cho rằng, sự "chênh lệch" là do lưu lượng phương tiện từ Quốc lộ 1 cũ bắt đầu quay ngược trở về để đi đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ trong thời gian vừa qua.

Theo vị đại diện này, kể từ khi tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ đưa vào khai thác, các phương tiện vẫn có quyền lựa chọn lưu thông trên tuyến đường Quốc lộ 1A (đoạn Ngọc Hồi-Thường Tín). Tuy nhiên, kể từ khi thành phố Hà Nội có chủ trương đầu tư, nâng cấp tuyến đường Quốc lộ 1 cũ, xây dựng cầu vượt Ngọc Hồi... cung đường này hay xảy ra ùn tắc, phương tiện lưu thông chậm nên bài toán kinh tế về chi phí về xăng, dầu, thời gian đi lại sẽ tốn kém hơn trước nhiều nếu so sánh với mức phí cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ.

“Do đó, nhiều xe đã quay trở lại chạy trên đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, dẫn đến lượng phương tiện gia tăng đột biến và điều này cũng làm doanh số thu phí có sự chênh lệch so với thời gian trước đó”, đại diện liên danh nhà đầu tư khẳng định.

Trạm thu phí trên Quốc lộ 5.

Sau đợt giám sát việc thu phí ở cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ kết thúc, giữa tháng 8 này, Tổng cục Đường bộ đã “tung" 35 cán bộ giám sát việc thất thu tại trạm thu phí trên Quốc lộ 5 thuộc địa bàn xã Lê Thiện (huyện An Dương, Hải Phòng) do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) quản lý và khai thác. Thời gian giám sát cũng kéo dài 10 ngày liên tục.

Lý do lập đoàn kiểm tra giám sát này xuất phát từ thông tin phản ánh gian lận thu phí tại Quốc lộ 5, nhân viên thu phí tại trạm không giao cuống vé cho lái xe qua trạm kiểm soát, thu tiền thấp hơn quy định của nhà nước và bỏ túi, thu lời.

Mới đây nhất, sau phản ánh của báo chí và Chính phủ yêu cầu, Tổng cục Đường bộ lại tiếp tục lập đoàn kiểm tra, giám sát công tác thu phí đối với trạm Đại Yên trên Quốc lộ 18.

Nội dung kiểm tra, giám sát thu phí bao gồm giám sát việc xuất, thu hồi vé và doanh thu từng ca; giám sát việc xuất vé của trạm cho nhân viên soát vé như số vé xuất ra, loại vé, số seri; số vé trạm thu về của từng nhân viên soát vé; số thu ngân thực tế 1 ca của từng nhân viên sau khi trừ đi số tiền lẻ được phép mang theo; doanh thu của ca.

Bên cạnh đó, đoàn giám sát cũng giám sát hệ thống thiết bị phòng hậu kiểm như kết nối dữ liệu của các trạm về trung tâm; kiểm tra dữ liệu khi có dấu hiệu vi phạm hay do bộ phận giám sát cabin báo lên theo yêu cầu của trưởng ca; kiểm tra số liệu xe qua trạm, số liệu doanh thu của từng làn; giám sát soát vé bên ngoài ca bin và giám sát thu phí thủ công tại trạm phụ (nếu có).

Thời gian kiểm tra diễn ra trong 10 ngày (từ 21/8) kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra tại trạm thu phí.

Việc kiểm tra các trạm thu phí chỉ mang tính chất đối phó với dư luận?

Xung quanh việc kiểm tra các trạm thu phí của Tổng cục Đường bộ, trao đổi với phóng viên Infonet sáng nay (29/8), ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam cho rằng, việc kiểm tra các trạm thu phí chỉ là giải pháp tức thời, không phải giải pháp lâu dài.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam. (Ảnh: giaoduc)

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, trong 10 ngày kiểm tra như vậy làm sao đánh giá được cả năm vì lưu lượng xe luôn biến động cho nên việc kiểm tra 10 ngày không giải quyết vấn đề gì.

“Tổng cục Đường bộ phải có chiến lược giám sát bằng công nghệ thông tin các trạm thu phí để đảm bảo xóa được gian lận của các trạm thu phí. Trên cơ sở đó chúng ta tính toán lại mức thu phí thế nào cho hợp lý và thời gian thu phí cho hợp lý. Còn hiện nay, chỗ nào có dư luận nổi lên ông kiểm tra 10 ngày như thế làm sao xác định được cho phù hợp cả năm hoặc nhiều năm được. Hiện nay người ta có công nghệ đếm xe, tại sao không áp dụng công nghệ này mà đi kiểm tra kiểu đó?”, ông Hùng đặt câu hỏi.

Đề cập đến việc thu phí, ông nguyên Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam cho rằng, hiện nay ở một số nước người ta có công nghệ thu phí bằng camera. Qua camera này, việc thu phí được cập nhật từ trạm thu phí về Tổng cục Đường bộ luôn. Tức là xe qua thu tiền có camera theo dõi ngay tại trạm thu phí, khi thu tiền đúng rồi thì barie mới mở lên.

“Hiện nay công nghệ thông tin hiện đại mà đầu tư không đáng bao nhiêu. Chúng ta có công nghệ thông tin tội gì mà đi làm thủ công như thế, đếm xe mà cũng không đủ sức thuyết phục và không chính xác. Nói cho tế nhị thì đây chỉ là giải pháp tình thế, là giải pháp đối phó với dư luận. Khi có dư luận thì đi kiểm tra nhưng kiểm tra không nói rõ mục đích, yêu cầu, cách thức tổ chức như thế nào thì làm sao kiểm tra được”, ông Hùng nói.

Theo quan điểm của ông Hùng, ngay cả việc kiểm tra của mình không có cơ quan độc lập mà do cơ quan nhà nước, cơ quan đầu ngành kiểm tra thì đôi khi số liệu cũng méo mó, không chính xác.

Do đó, ông Hùng cho rằng, Tổng cục Đường bộ phải thay đổi phương pháp đối với việc này, phải áp dụng công nghệ thông tin để đảm bảo chính xác. Vì đây là quyền lợi của dân, nhà đầu tư bỏ tiền ra làm đường nhưng dân trả tiền.

“Việc kiểm tra của Tổng cục Đường bộ chỉ là việc làm đối phó với dư luận. Chỗ nào có dư luận thì ông kiểm tra. Kiểm tra xong ông cũng chẳng xử lý. Đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, kiểm tra xong vẫn vậy, không có công bố xử lý thế nào, thu được được bao nhiêu. Nếu không xử lý và công bố thì kiểm tra làm cái gì? Cho nên phải áp dụng công nghệ thông tin vào để giám sát cho tốt. Còn cứ làm như hiện nay thì không giải quyết được gì cả”, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam nhấn mạnh.

Theo Infonet

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến